Nhà cổ của bà Trần Thị Kim Hồng, ở huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: SGGPO
Những ngôi nhà cổ còn nguyên giá trị
Ở TP.HCM hiện nay vẫn còn một số căn nhà cổ. Đầu tiên, có thể kể đến hai ngôi nhà cổ nổi tiếng ở Nhà Bè đó là ngôi nhà của Bà Trần Thị Kim Hồng và Ông Nguyễn Kim Chung. Dù ngôi nhà đã trải qua nhiều lần sơn sửa nhưng giá trị của ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên. Tất cả những đồ dùng ở trong nhà như bàn, ghế, tủ…đều được chạm khắc hoa văn rất tinh xảo. Vì lẽ đó mà hai ngôi nhà cổ này được đoàn làm phim lấy làm bối cảnh trong các bộ phim về thời ngày xưa.
Tiếp đến là ở Phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 có hai ngôi nhà cổ thuộc về sở hữu của ông Nguyễn Minh Chính và ông Huỳnh Hữu Thời. Đặc biệt, ngôi nhà của Chính có hơn 100 năm tuổi, vẫn còn kiên cố với thiết kế truyền thống hai gian ba chái.
Ở huyện Bình Chánh có ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Kim Phú. Được xây dựng vào thời điểm năm 1885. Đây là một trong số ít ngôi nhà vừa mang những nét kiến trúc cổ xưa vừa mang đậm dấu ấn lịch sử trong thời điểm kháng chiến chống Pháp.
Đặc biệt, ngôi nhà cổ của bà Nguyễn Thị Bích Thủy ở phường 14, quận 5 và ngôi nhà cổ của bà Trần Thị Ngọc Thảo trú tại phường 7, quận Phú Nhuận đều được xây dựng vào cuối thế kỉ XIX và đến nay vẫn còn rất nguyên vẹn.
Bảo tồn di sản trong cơn lốc đô thị hóa
Trong cơn lốc đô thị hóa, nhiều ngôi nhà cổ ở TPHCM bị ảnh hưởng. Không chỉ thế, nhiều ngôi nhà được xem là dấu ấn quý giá của Sài Gòn xưa còn sót lại đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Thực tế, đã có nhiều nhà cổ, biệt thự cổ, hoặc biến mất, hoặc bị cải tạo thành hiện đại như nhà ông Phạm Văn Đúng, ở thị trấn Hóc Môn. Nhà xây dựng từ cuối thế kỷ 19, trải qua hai lần trùng tu sửa chữa, hiện nay đã hoàn toàn mang kiến trúc hiện đại; nhà ông Trần Minh Thạc ở Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, cũng là nhà cổ dân gian truyền thống với vật liệu gỗ, ba gian, hai chái. Năm 2002, chủ nhà trùng tu và kết quả đã khoác chiếc áo kiến trúc hiện đại; ngôi nhà cổ ở số 237 đường Nơ Trang Long và nhà của ông Trương Văn Lánh, cùng ở Bình Thạnh hầu như đã bị xóa hết những dấu vết cổ xưa.
Đứng trước tình hình này, Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu khẳng định: “Muốn bảo tồn, phát triển di sản thì việc đầu tiên phải thay đổi từ nhận thức. Phải thấy di sản là bản sắc của đô thị, phá di sản thì đô thị không còn bản sắc, không thể phát triển văn hóa, du lịch. Để bảo tồn di sản, vai trò quyết định thuộc về chính quyền và nhà đầu tư, vai trò quan trọng là nhà nghiên cứu và cộng đồng”.