Những mơ ước dưới ánh đèn màu

17/01/2017 15:25

Theo dõi trên

Chuyến xe đêm đưa tôi đến phố thị Pleiku (Gia Lai) vào giữa đêm của những ngày cuối năm. Đêm cao nguyên lạnh đến tê người khi những cơn gió thổi thông thốc và những đợt sương mù phủ kín xuống những con phố mỏng mảnh. Đêm, tôi lạc vào giữa chợ, giữa cái ồn ã náo nhiệt rất riêng của chợ đêm Pleiku, ở đó tôi đã thấy được nỗi cơ cực của những mảnh đời mưu sinh nơi chợ đêm này…



Để mưu sinh, nhiều người bốc vác thuê trong đó có cả phụ nữ phải làm từ tối đến sáng với công việc cực nhọc

Trong chợ đêm mờ sương 

Có lẽ rất nhiều người nơi phương xa khi đến với phố núi, đi giữa chợ đêm này cốt để tìm được chỗ ngồi phù hợp, gọi món ăn chỉ là cái cớ để vừa thưởng thức, vừa cảm nhận một cuộc sống khác, đó là cuộc sống của một góc phố về đêm, sau một ngày vật lộn với cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Không đâu có thể cảm nhận tốt hơn nơi này về những thân phận trong cuộc mưu sinh lúc đêm về. Ở đó có nhiều bác xe thồ, nhiều người bốc vác trong khi chờ việc, tranh thủ tìm chỗ ngồi, gọi một cút rượu với vài quả trứng vịt lộn. Và rồi những câu chuyện về đời, về người cứ thế thêm tuôn tràn ra rôm rả, để vơi bớt đi nỗi nhọc nhằn phủ trùm lên từng dáng đi của họ dưới ánh đèn màu vàng vọt buồn tẻ ngắt. 

Mới hơn 2 giờ sáng mà cả khu vực bến xe nội tỉnh, tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật, cùng một số đoạn đường Hoàng Văn Thụ, Lê Lai (đoạn từ đường Trần Phú đến đường Hai Bà Trưng) đã đông đúc xe cộ và người mua, kẻ bán. Khi những cửa hiệu, quầy trái cây buôn bán nhộn nhịp ban ngày đến giờ nghỉ ngơi, nhường không gian và sự tất bật lại cho các mặt hàng tươi sống gần như phủ kín các con đường. Trên các con đường cửa ngõ thành phố từ Kon Tum xuống, từ Bình Định lên, từ Lâm Đồng, Đăk Lắc sang là hàng đoàn những chuyến xe tải lớn nhỏ, cùng những chiếc xe gắn máy chất đầy hàng hóa tất bật chạy vào chợ. Những tiếng í ới gọi nhau, những lời trả giá bằng đủ mọi giọng nói Bắc – Trung - Nam, và cả tiếng kinh nói lơ lớ của những người đồng bào, hay du khách nước ngoài, cùng tiếng xe máy chở hàng, tiếng lanh canh của những chiếc cút kít, xe ba gác… hòa trộn vào nhau tạo nên một không gian vô cùng sống động, ồn ã, náo nhiệt. 

Sự tấp nập ấy thể hiện trong nhiều hình ảnh. Người thì xe tải nhỏ, xe ba gác, xe máy, cho đến xe đạp, người thì gánh gồng... Chợ hội tụ đầy đủ những gì được coi là "sản vật" của vùng cao nguyên Pleiku như húng quế, cần tây, mùi tàu thơm nức, những củ cải vừa to, trắng nõn nà, những búi xà lách cuộn chắc, tròn, dòn. Hàng hóa được tập trung về từ những huyện gần như Chư Păh, Đắc Đoa, Chư Sê, Ia Grai,... hay xa hơn như Đắc Pơ, Kông Chro, Ayunpa, Đức Cơ và tận Bình Định, Đắc Lắc, Kon Tum, Phú Yên, Lâm Đồng... So với hơn 80 năm tuổi của đô thị trẻ Pleiku, chợ đêm chỉ mới hình thành gần hai thập kỷ. Nhưng đây là minh chứng rõ ràng nhất, là sản phẩm của sự phát triển vượt bậc trong quá trình đô thị hóa của thành phố.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Chủ tịch UBND P. Diên Hồng (Pleiku), cho biết: "Chợ đêm ở đây có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố, cũng như của tỉnh và là đầu mối của khu vực bắc Tây Nguyên. Đây là nơi người dân tiêu thụ nông sản tự làm ra, góp phần lớn vào việc hình thành đầu mối giao thương cho những người mua bán, kinh doanh hàng hóa lớn ở khắp vùng bắc Tây Nguyên, đông bắc Campuchia và nam Lào! Do đó ý nghĩa của chợ không chỉ là việc giao thương, mà còn là điểm đến du lịch".


Tôi được biết rằng đã từ lâu, đâu chừng gần 20 năm gì đó tại trung tâm TP. Pleiku đã hình thành một khu chợ đêm được nhóm họp lại từ nhiều điểm buôn bán lẻ về đêm tại các nơi trong thành phố. Khi chính quyền chức năng thấy cần có một nơi chuyên biệt cung cấp hàng hóa và buôn bán về đêm cho người dân, chính uyền thành phố đã giao cho UBND phường Diên Hồng xây dựng thiết chế quản lý và tiến hành thành lập một khu buôn bán về đêm. Đây là đầu mối chủ yếu cung cấp các mặt hàng tươi sống cho hầu hết các địa phương trong và ngoài tỉnh, nhất là các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống. Và chính vì thế, đã có rất nhiều người tìm đến đây để làm việc. Những công việc cực nhọc, lấy đêm làm ngày để đắp đổi chén cơm manh áo qua ngày.
 




Một góc chợ đêm PleiKu

Những người lấy đêm làm ngày

Mỗi công việc đều có những đặc thù riêng của nó. Nghề bán hàng ở chợ đêm cũng vậy. Với nghề này, quy luật thông thường về giờ giấc làm việc bị đảo lộn và người ta chấp nhận điều đó. Khi phố đêm dần chìm vào giấc ngủ cũng là lúc một ngày làm việc bắt đầu. Trong những góc khuất của chợ đêm, có những giấc ngủ chập chờn rất ngắn là phút giây thư giãn hiếm hoi của họ. Những nỗi nhọc nhằn ấy cứ gắn bó với những con người buôn bán chợ đêm như một điều tất yếu. Với họ, đó là những thử thách tất yếu để những con người dám bươn mình thách thức màn đêm, mưu sinh với nghề mua qua bán lại tồn tại được. Trong đêm lất phất hơi sương lạnh, nhưng vẫn có những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên những khuôn mặt họ. Để kiếm được đồng tiền, người ta phải đánh đổi quá nhiều thứ. Khi họ đã chọn chợ đêm làm chốn  mưu sinh, họ đã chấp nhận hy sinh nhiều niềm vui của riêng mình. Và nhiều khi cũng không chỉ riêng mình họ, mà cả người thân, gia đình và kể cả là những đứa nhỏ cũng phải nương mình theo những đêm vật lộn của mẹ cha.

Vợ chồng anh Bùi Văn Định và chị Nguyễn Thị Minh đã có hơn 13 năm gắn bó với nghề buôn bán mưu sinh ở chợ đêm này. Vợ chồng chị Minh dường như đã quên mất nhịp sống của bao người bình thường. Cứ thế ngày ngủ đêm thức, lấy đêm làm ngày lăn lộn mưu sinh. Chị kể, thường thường thì hai vợ chồng đi từ lúc xẩm tối để lấy hàng về chợ, đến lúc bán hết hàng về nhà thì con cái đã đi học cả. Hai đứa con chị cũng ngoan ngoãn, thường bảo ban nhau học hành nên anh chị cũng yên tâm phần nào. Tôi hỏi làm việc vất vả thế thu nhập có khá không? Anh chị cười giòn tan át hẳn cái lạnh đêm phố núi: “Vất vả lắm anh ơi. Kiếm được đồng tiền lúc nào chẳng khó khăn, nhất là trong cái thời buổi này. Mỗi đêm hai vợ chồng lăn lộn cũng kiếm được gần 200 ngàn. Vừa đủ gạo mắm và tiền học cho hai đứa nhỏ. Cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi. Hồi đầu chưa quen cứ ngủ gà ngủ gật suốt. Giờ thì lấy đêm làm ngày thôi! Chỉ mong con cái ngoan ngoãn học hành thì vất vả mấy vợ chồng tôi cũng chịu được mà. Chúng tôi làm tất cả vì con thôi!” 

Cô con gái đầu của anh chị thấy bố mẹ vất vả, thỉnh thoảng cũng ra giúp nhưng anh chị không cho vì bảo việc chính của con là phải học. Có học thì đời mới bớt khổ được. Thế nhưng vào những dịp cao điểm như lúc cận tết, thì cả gia đinh cha mẹ con cái đều túc trực ở đây. Vợ đi lấy hàng, chồng đứng bán hoặc ngược lại. Có lúc cả vợ chồng đều đi hết, hai đứa nhỏ đứng thay cha mẹ. Nhiều lúc mệt quá, thằng con trai chị Minh ngủ ngay bên sạp rau. Bữa sau anh Định sắp sẵn cái chăn lên dọn cho thằng bé chỗ đặt lưng, còn hai vợ chồng thì lo buôn bán…

Bên sạp rau củ quả, bà Trần Thị Thêu, một tiểu thương buôn bán rau ở chợ đêm có thâm niên. Ở cái tuổi 63 và đã có 22 năm gắn bó với chợ đêm Pleiku, bà như thuộc làu “luật” ở chợ này. Bàn tay thoăn thoắt lựa rau củ, bà Thêu chia sẻ: “Bán buôn mà, hầu như bỏ mối là chính. Mà toàn là mối quen thôi. Mình mà làm ăn lằng nhằng là họ dẹp luôn. Ở đây mỗi người đều phải chắt bóp từng tý một để kiếm lấy từng đồng tiền lẻ chú ạ. Tích tiểu thành đại thôi mà!”

Tôi thắc mắc sao bà đã nhiều tuổi mà không chọn lấy một công việc nhàn nhã hơn, hay nghỉ ngơi vui vầy với con cháu đi, bà Thêu thật thà: “Buôn bán mấy chục năm nên giờ nghiện rồi chú ơi. Nghỉ ở nhà buồn tay buồn chân lắm. Ra đây có bạn có mối vui hơn. Vất thì có vất thật, nhưng được cái vui. Không ra đẫy chắc tôi ở nhà buồn chết mất thôi chú ơi! Mấy đứa con nó cũng bảo ở nhà nghỉ đi, nhưng mấy mươi năm lặn lội buôn bán ngược xuôi, hết nuôi con rồi nuôi cháu, đi gần hết cuộc đời rồi vẫn thấy tiếc, thấy nhớ bạn nhớ phường. Tôi còn may mắn hơn những người bốc vác, bán sức lao động mà kiếm chẳng được bao nhiêu…” Bà Thêu kể, có những ngày hàng nhiều, người mua nhiều, sạp hàng của bà phải huy động con cái ra phụ giúp mới ổn.

Đó là những người có hàng để bán, còn những người làm thuê, bốc vác vì không có vốn và mối hàng nên đành trân mình trong cái lạnh mà kiếm tiền. Suốt ngang dọc trong chợ, tôi nhẩm đếm cũng thấy không dưới trăm người làm nghề bốc vác hay vận chuyển hàng cho các chủ hàng. Trong lúc chờ hàng hóa các nơi tập kết về chợ, những người làm nghề bốc vác, chở hàng thuê tranh thủ nằm nghỉ dọc hành lang những ki ốt ven chợ, hay ngồi nhâm nhi cốc cà phê nóng nơi hàng quán vỉa hè. Có người tranh thủ chợp mắt dưới mái hiên nhà hay chính trên chiếc xe đẩy của mình đặt ở một góc khuất mà cái ánh sáng yếu ớt của bóng đèn cao áp không len vào nổi, để xua tan đi cái mệt mỏi mà dốc sức cho những chuyến hàng ngay sau đó. Đội quân “cửu vạn” ở chợ đêm đông đảo hơn bất cứ khu chợ nào của thành phố. Không chỉ có đàn ông sức dài vai rộng, nhiều phụ nữ vì cuộc sống khốn khó cũng gia nhập hàng ngũ bốc vác tại đây. Chỉ một đêm mất ngủ cũng khiến nhiều người mệt mỏi, hốc hác. Nhưng những người bốc vác, không chỉ triền miên thức trắng đêm, mỗi đêm họ còn oằn lưng bốc vài tấn hàng hóa. 

Công việc của họ kéo dài từ 8 giờ tối cho đến tận sáng. Vất vả, nặng nhọc là thế nhưng mỗi đêm, công lao động của họ cũng chỉ 80 - 100 ngàn đồng/người. Anh Đặng Ngọc Hội mới bước vào tuổi 40 nhưng đã có thâm niên hơn 15 năm sống bằng nghề bốc vác. Anh ngậm ngùi: “Tuổi thanh xuân và sức lực của những người làm nghề bóc vác đêm như chúng tôi thế này bị vắt kiệt đi cùng những đêm trắng nhọc nhằn! Anh thấy đấy! Làm việc nặng nhọc đã rất mất sức, lại còn thức cả đêm, cứ triền miên đêm này qua đêm khác như thế mấy người chịu nổi. Trong khi thú thật với anh số tiền ít ỏi kiếm được chỉ đủ cho chúng tôi sống qua ngày mà thôi. Có nhiều người muốn chuyển qua làm cái khác đỡ vất vả hơn, nhưng không có tiền thì không thể làm được gì hết. Trong những người làm việc ở đây có cả những học sinh, sinh viên đi làm thêm đấy anh ạ! Bởi nhiều người vẫn chưa tìm được con đường nào sáng sủa hơn cho mình!”.
 


Chị Nguyễn Thị Minh và sạp rau nuôi mấy đứa con học hành

Đời “hai sọt”

Còn la liệt ở những các quán nước, quán ăn là những người đi buôn chuyến. Đó là những “công ty hai sọt”, những chiếc xe tải loại nhẹ chuyên cung cấp hàng cho các vùng sâu vùng xa, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà hàng hóa dọc vùng biên giới vô cùng khan hiếm. 

2 giờ sáng, thời điểm chợ đêm nhộn nhịp nhất, chúng tôi đã thấy rất nhiều người buôn bán nhỏ ở các huyện xa như Krông Pa, Ia Pa hay Kông Chro, Kbang… mua hàng xong, chuẩn bị ra về. Để có mặt ở đây lấy hàng về kịp cho buổi chợ sáng ở huyện, họ phải đi từ khi mọi người mới đi ngủ và ra về lúc trời vừa rạng. Cái lạnh buốt của đêm không làm ngại bước dù họ là phụ nữ. 

Chị Ngô Thị Liên đến từ huyện Chư Pah cho biết, đã 15 năm nay, chị gắn bó với chợ đêm. Chừng ấy năm gắn bó với nghề này là chừng ấy đêm chị thức trắng cùng những buổi chợ như thế này. Mỗi ngày, người phụ nữ này phải đi xe máy khoảng 80km xuống chợ đêm lấy hàng, rồi đưa lên khu vực thủy điện Ia Ly và thủy điện Sê San 3 bán lẻ. Những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ vất vả, những đêm trời mưa, một mình đi về với 2 sọt hàng nặng trĩu, không biết bao nhiêu lần chị ngã dúi dụi. Kể về những nhọc nhằn bằng nụ cười ngượng nghịu. Chị Liên tâm sự: “Cái giá của chừng ấy thời gian thức trắng đêm là tôi đã nuôi bốn đứa con ăn học, chỉ bằng chiếc xe 2 sọt này. Đứa lớn đã vào Đại học ở Đà Nẵng, mỗi tháng gửi khoảng ba triệu, chưa kể nhiều thứ tiền khác cho mấy đứa kia nữa…” Tôi ước chừng cái tỷ lệ con cái học hành thăng tiến mỗi năm cũng tương đương với cấp số nhân những sọt hàng nặng trĩu của người mẹ 42 tuổi này. Chị Liên bảo mỗi ngày chị chỉ được ngủ khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ. Thế là nhiều lắm rồi!”…

Đêm lang thang phố chợ, nhìn những con người cặm cụi mưu sinh dưới ánh đèn màu, tôi hiểu, với họ lam lũ cũng vì đàn con bé nhỏ, để mong sao có được cuộc sống ấm êm bên gia đình và một tương lai tươi sáng hơn. Bởi đằng sau hàng ngàn số phận mưu sinh tại chợ đêm đó là những đứa con được học hành đàng hoàng, được bước chân vào giảng đường đại học, là những cha mẹ già được nuôi dưỡng, là những nhu cầu cuộc sống được đáp ứng. Chỉ có nỗi nhọc nhằn và thiệt thòi là không thể đo đếm được, chỉ có mình họ biết, mình họ âm thầm chịu đựng mà thôi…

Tôi ngồi bên một quán cà phê vỉa hè ở chợ đêm, lọt thỏm trong những người đang căng mình trong cuộc mưu sinh đêm để có thể chiêm ngưỡng và thưởng thức trọn vẹn một đêm chợ cao nguyên và cả những cái gì rất thật của nó. Trong tiếng ồn ã bán mua và những thanh âm sống động của đêm, bỗng dưng một chú gà trống đậu trên nóc những ngôi nhà cao tầng cất tiếng gáy lanh lảnh báo hiệu một ngay mới bắt đầu. Một ngày làm việc nhiều mệt nhọc đã kết thúc với những người bán mua ở chợ đêm này, để bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Thi thoảng tôi nghe được đâu đó lời sẻ chia về cực nhọc một đêm của những con người lấy đêm làm ngày này. Phía hừng đông, mặt trời lên ửng đỏ, xua tan đi cái giá lạnh của đêm…
 
Bùi Hữu

Bạn đang đọc bài viết "Những mơ ước dưới ánh đèn màu" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.