Những điểm đến hấp dẫn ở Châu Đốc

26/04/2019 13:31

Theo dõi trên

TP. Châu Đốc có nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, quần thể di tích lịch sử văn hóa, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng được xếp hạng cấp quốc gia, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… cùng với các món ăn đặc sản hấp dẫn, mang hương vị độc đáo riêng thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan và chiêm bái.

Nhắc đến TP. Châu Đốc không thể không kể đến miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam), đây là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh An Giang. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam. Tương truyền, khi người dân đến khai phá vùng đất này, họ bắt gặp 1 pho tượng có niên đại hơn 2.000 năm trên đỉnh núi Sam. Người dân trong vùng tín ngưỡng và truyền tụng “thỉnh” pho tượng xuống chân núi để thờ cúng, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc, mùa màng bội thu. Từ đó, hàng năm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23 đến 27-4 (âm lịch), gồm nhiều hình thức lễ tiết cổ truyền trọng thể, thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 


Rất đông du khách đến miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Đối diện miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là lăng Thoại Ngọc Hầu. Đây là một danh thắng, một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu dưới thời nhà Nguyễn và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997. Lăng được xây dựng trên nền đá xanh, sau lưng là sườn núi Sam tạo thành thế vững chắc kiên cố, tôn lên nét cổ kính uy nghi, được hoàn thành vào cuối những năm 1820. Đây là nơi an nghỉ của danh thần Thoại Ngọc Hầu, người đã có công lớn trong việc khai hoang, lập làng, đào kênh Thoại Hà dài hơn 31km và kênh Vĩnh Tế dài hơn 90km, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Ngay bên cạnh lăng Thoại Ngọc Hầu là chùa Tây An (còn gọi là Tây An cổ tự). Chùa được xây dựng theo lối chữ “tam” mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và Hồi giáo kết hợp với kiến trúc chùa cổ của Nam Bộ. Chùa Tây An là một di tích văn hóa lịch sử gắn liền với truyền thuyết về Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên), người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương cách nay hơn 150 năm được rất nhiều người đến hành hương, lễ bái. Cách đó không xa, ở lưng chừng phía Tây trong quần thể Khu du lịch quốc gia núi Sam là chùa Hang (còn gọi là Phước Điền tự). Chùa Hang được xây dựng với lối kiến trúc hoài cổ trầm tư ở thế đứng như bức phù điêu khổng lồ, được chạm khắc tỉ mỉ trên vách núi Sam khiến du khách ngỡ như đang lạc ở một xứ sở xa xôi nào đó, vừa cổ kính, vừa yên bình, không kém phần thơ mộng. Vì vậy, chùa Hang thu hút rất đông du khách từ khắp mọi nơi đến đây hành hương, cúng bái, dạo chơi vãn cảnh.

 


Khung cảnh chùa Hang

Nằm ngay đầu nguồn sông Cửu Long, có điều kiện địa lý thuận lợi, với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nên điểm đến độc đáo nhất ở Châu Đốc chính là làng bè nổi, đây là nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc 2 bờ sông. Bên cạnh đó, Châu Đốc còn có nguồn cá dồi dào không chỉ để làm nên những món ăn trứ danh mà còn để làm khô, mắm. Đặc sản mắm và khô ở Châu Đốc được làm từ những loài cá nước ngọt tập trung ở khu vực đầu nguồn, như: cá lóc, cá lóc bông, cá rô, cá trèn, cá chốt, cá sặc rằn… Với lịch sử hàng trăm năm, từ con cá thiên nhiên, qua bàn tay chế biến điêu luyện của các làng nghề làm mắm và khô ở ngã ba sông Hậu đã trở thành nghề truyền thống. Chỉ cần đến chợ Châu Đốc, du khách có thể dễ dàng tham quan, chiêm ngưỡng, thưởng thức các loại mắm và khô nổi tiếng hương vị rất đậm đà, độc đáo rất riêng của miền sông nước nơi đây.

“Năm nào gia đình tôi cũng về Châu Đốc hành hương tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và các chùa lân cận để cầu mong sức khỏe, mần ăn, học hành của gia đình, con cái. Cứ thành thông lệ, người thân và bạn bè hễ nghe gia đình tôi về Châu Đốc là gửi mua cả trăm ký các loại khô và mắm. Riêng gia đình tôi thích nhất là khô cá tra phồng chiên ăn với cơm. Gắp một miếng cho vào miệng nhai chậm rãi để thưởng thức hương vị vừa giòn, vừa béo, hòa quyện với mùi thơm đặc trưng, đúng là món ngon không thể nào cưỡng lại…”- chị Nguyễn Thị Ngọc Bạch (ngụ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Trọng Tín
Theo An Giang

Bạn đang đọc bài viết "Những điểm đến hấp dẫn ở Châu Đốc" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.