Các di tích lịch sử cách mạng giờ đây đã trở thành những địa chỉ đỏ lưu dấu những chiến công không thể lãng quên, góp phần vun đắp tinh thần yêu nước, cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc cho thế hệ trẻ hôm nay.
Nơi mở đầu phong trào Đồng Khởi
Phong trào Đồng Khởi đầu thập kỷ 60 với sự ra đời của "Đội quân tóc dài" tỉnh Bến Tre đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công để tấn công Mỹ - Ngụy, vang danh và nhân rộng khắp miền Nam, đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Phong trào Đồng Khởi diễn ra từ ngày 17 - 24/1/1960 tại tỉnh Bến Tre đã trở thành bước ngoặt của cách mạng miền Nam, góp phần tạo ra thế và diện mới để quân, dân ta đi đến thắng lợi của mùa Xuân lịch sử năm 1975. Giờ đây, tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) - cái nôi của phong trào Đồng Khởi năm xưa, di tích Đồng Khởi Bến Tre đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn du khách tới tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Theo ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre: Nói đến những di tích lịch sử cách mạng ở Bến Tre, không thể không nhắc tới những di tích quốc gia gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc như: Di tích Đồng Khởi Bến Tre, Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (ở huyện Mỏ Cày Bắc), Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam (thuộc cụm Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển). Hằng năm, tại những di tích này, nhiều hoạt động như lễ báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên, sinh hoạt truyền thống đã diễn ra rất xúc động và ý nghĩa. Mỗi di tích vì vậy đã thực sự là một chứng tích, giúp mỗi chúng ta hình dung về những câu chuyện, sự kiện lịch sử từng diễn ra trên quê hương Bến Tre.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre có mô hình sa bàn tái hiện tóm tắt diễn biến của phong trào Đồng Khởi, mô hình thể hiện quá trình triển khai kế hoạch nổi dậy của Tỉnh ủy Bến Tre xuống địa phương, tái hiện cuộc đấu tranh chính trị bắt đầu từ ngày 1/4/1960 trong cuộc tản cư ngược diễn ra trong 12 ngày đêm của lực lượng quần chúng từ 3 xã Phước Hiệp, Bình Chánh, Định Thủy và các vùng phụ cận về thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Nhiều hiện vật mà các tầng lớp nhân dân đã từng sử dụng làm vũ khí đấu tranh với quân địch trong phong trào Đồng Khởi như súng ngựa trời, thanh mã tấu, chiếc mõ dừa, mũi chông cau... cũng được trưng bày.
Chị Bùi Thị Hồng Châu, cán bộ Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre cho biết: Đến Khu di tích, du khách có thể hình dung rõ nét về các sự kiện, hoạt động đã diễn ra trong phong trào Đồng Khởi lịch sử năm xưa như sự kiện ngày 1/1/1960, đồng chí Nguyễn Thị Định, lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre dự hội nghị để tiếp thu Nghị quyết của Trung ương Đảng về “chuyển chiến lược” từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của địch; sự kiện ngày 17/1/1960, cuộc nổi dậy bùng nổ và giành thắng lợi, tạo đà cho các cuộc nổi dậy chống chính quyền tay sai lan rộng khắp các tỉnh miền Nam. Thắng lợi của cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre 1960 đã phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch, là mũi đột phá, mở màn cho cao trào mới của cách mạng miền Nam chuyển từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công và liên tiếp tiến công địch, giành thắng lợi.
Biểu tượng “Ngọn lửa đồng khởi” được đặt trên nóc nhà truyền thống hay phiến đá trong khuôn viên Khu Di tích có khắc dòng chữ “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt Ngụy” do Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam phong tặng cho nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre đã thực sự gây ấn tượng cho nhiều du khách khi đến tham quan.
Di tích gắn với tên tuổi người nữ anh hùng kiên trung
Có dịp về Kiên Giang, một điểm đến được rất nhiều du khách lựa chọn chính là Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh cấp quốc gia Hòn Đất, nằm trên địa bàn xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất. Đây chính là nơi nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (quê ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang) - nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức, đã từng cùng đồng đội chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Ông Trần Văn Hiền, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất cho biết: Với quần thể gồm núi Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo giữa vùng đồng bằng ven biển, nơi đây như tạo thế đứng hùng vĩ cho vùng căn cứ cách mạng thường được gọi là Ba Hòn. Trong những năm ác liệt của chiến tranh chống Mỹ, căn cứ Hòn Đất được xem là pháo đài của lòng trung kiên, ý chí bất khuất của quân và dân ta. Đặc biệt, năm 1960 - thời điểm toàn miền Nam Đồng khởi, nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng đã được Huyện ủy Hòn Đất phân công về công tác tại xã Thổ Sơn. Ngày 9/1/1962, chị bị địch bắt, tra tấn dã man và đã anh dũng hy sinh ngay dưới chân núi Hòn Đất khi mới 25 tuổi. Nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng - nguyên mẫu đầy xúc động để Nhà văn Anh Đức xây dựng nên nhân vật chị Sứ trong tác phẩm văn học "Hòn Đất" chính là hình ảnh tiêu biểu cho phụ nữ miền Nam kiên cường, bất khuất, anh dũng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của toàn dân tộc.
Hiện nay, Khu Di tích quốc gia này có phần mộ của nữ Anh hùng Liệt sỹ Phan Thị Ràng; hai phiến đá hoa cương khắc tên của 960 liệt sỹ đã hy sinh tại Hòn Đất; tượng đài chiến thắng, chính giữa Khu Di tích còn lưu lại một hố bom sâu do bị B52 của địch oanh tạc, giờ đây đã thành hồ nước trồng hoa súng.
Tại Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất, Bí thư Huyện Đoàn huyện Hòn Đất Vũ Hoài Thanh chia sẻ với chúng tôi: Sinh ra khi đất nước đã thống nhất, hòa bình, các bạn trẻ ở Hòn Đất hôm nay luôn tự hào và biết ơn trước những hy sinh của thế hệ cha anh trên mảnh đất này. Phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên huyện Hòn Đất đã tổ chức các đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường ở địa phương, góp phần gìn giữ cảnh quan khu di tích, thực hiện công trình thanh niên thắp sáng đường quê ở một số xã, trong đó có xã Thổ Sơn, nơi có Di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất.
Di tích Đồng Khởi Bến Tre và di tích Hòn Đất chỉ là hai trong số rất nhiều địa chỉ đỏ gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trở về với những vùng đất lịch sử, dừng chân tại nơi đã thấm máu hy sinh của các thế hệ đi trước sẽ giúp mỗi chúng ta thấy trân quý hơn cuộc sống thanh bình hôm nay. Việc gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích gắn với khai thác hợp lý trong phát triển du lịch vì vậy cũng cần được đẩy mạnh để mỗi di tích thực sự là một điểm đến ý nghĩa với mỗi người dân Việt Nam và cả du khách quốc tế.
Còn tiếp...
Theo TTXVN