Theo Báo Cà Mau
Những con hẻm đầy ký ức của dân Cà Mau
07/02/2018 14:47
Ở Cà Mau, trước khi có tên chính thức về mặt hành chính, các con hẻm được người dân tự đặt tên và gọi truyền miệng riết thành quen.
Trong muôn vàn con hẻm ở Việt Nam, không con hẻm nào giống con hẻm nào và tên gọi của từng con hẻm cũng khác nhau. Ở Cà Mau cũng vậy, trước khi có tên chính thức về mặt hành chính, các con hẻm được người dân tự đặt tên và gọi truyền miệng riết thành quen.
Có hẻm được đặt theo nghề, có hẻm đặt theo tên người hoặc tên cơ sở thờ tự. Có hẻm tên nghe lãng mạn, nhưng cũng có những hẻm tên nghe tự nhiên, mộc mạc, thoáng nghe tên đã biết thành phần cư dân trong hẻm. Bây giờ, mặc dù hầu hết các con hẻm đều được đặt tên chính thức, nhưng dân gian vẫn gọi theo tên tự phát thuở ban đầu và theo sau cái tên đó là một quá trình lịch sử với ít nhiều nét văn hóa cộng đồng của người dân Nam Bộ.
Hẻm ở Cà Mau không nhiều, nhưng tất cả đều chất chứa trong lòng biết bao chuyện đời, chuyện tình. Hẻm chùa Tịnh Độ thuộc Khóm 2, Phường 5, TP Cà Mau còn có tên gọi là hẻm Xóm Bắp, vì cư dân trong hẻm hầu hết đều bán bắp luộc, trong đó có những người "lái bắp" từ miệt Phụng Hiệp, Cần Thơ về Cà Mau. Nghề bán bắp ở đây có từ sau ngày giải phóng. Bắt đầu từ bà Ba Mạo tới bà Mười Na, bà Huệ, hiện nay là ông Hồ.
Minh họa: Minh Tấn
Đa phần người bán bắp luộc ở TP Cà Mau đều lấy bắp từ đây. Thời cao điểm còn phát sinh ra nghề luộc bắp mướn. Do phải đi bán từ sớm mà bắp thì phải luộc vào lúc 2-3 giờ sáng, nếu tự luộc thì sáng không đi bán nổi nên phải thuê người luộc. Ban đầu người ta còn gánh đi bán, sau này chuyển sang đẩy xe đỡ tốn sức hơn, từ đó xuất hiện thêm nghề cho thuê xe đẩy.
Kết nối trực tiếp với hẻm Xóm Bắp là hẻm Công Đoàn, hay còn gọi là hẻm Bưu Điện. Tuổi thơ của tôi gắn chặt với con hẻm này, xem nó như một phần máu thịt của mình. Tôi thích nhất là vào dịp rằm tháng Bảy với lễ cúng cô hồn. Vào dịp này, bọn trẻ chúng tôi kéo nhau đi từ đầu xóm đến cuối xóm để chờ "giựt giàn".
Đón Tết Trung thu, cả bọn rồng rắn cầm lồng đèn vừa đi vừa hát, đến khi "mỏi gối chồn chân", mạnh ai nấy về nhà. Tết Nguyên đán là dịp thỏa sức tung hoành, được mặc đồ mới đi lòng vòng để khoe với những đứa khác trong xóm. Cái vui của 3 ngày Tết là đi lượm những viên pháo chưa nổ kịp, rơi xuống đất. Khi tiếng pháo vừa dứt, cả đám lao vào giật lấy.
Những ngày thường cả bọn tụ tập chơi đánh đáo, tạt lon, bắn cu li, đá cá lia thia… và nhiều trò nghịch ngợm khác. Có lúc hứng chí lên, kéo đi đánh nhau với bọn trẻ xóm khác để chứng tỏ xóm mình "không phải dạng vừa đâu".
Ký ức về con hẻm thân thương của tôi còn là tiếng rao hàng vào buổi sáng. Khó mà diễn tả được hết những âm thanh cao thấp, lên xuống của cả nam lẫn nữ pha trộn nối tiếp nhau văng vẳng vào nhà, tựa như bài đồng ca thôi thúc mọi người đón chào ngày mới.
Hẻm Mây Hồng được đặt theo tên quán cà phê Mây Hồng ở đầu hẻm. Thập niên 80, Mây Hồng là một trong những quán cà phê được nhiều người biết đến với phong cách thời thượng. Trong quán bày trí ảnh của các ban nhạc nổi tiếng như: ABBA, Rolling Stones, Bee Gees… Cà phê thì có cà phê phin và cà phê pha vợt. Khách vào quán uống cà phê thả hồn theo khói thuốc, thưởng thức tiếng hát ngọt ngào của ca sĩ nào đó được phát ra từ chiếc máy Akai hay "đầu câm" qua cặp loa mặt võng. Thế là cũng thỏa được cái thú mê nghe nhạc - thời điểm này Cà Mau rất hiếm quán cà phê nhạc.
Do nằm đối diện với dãy vựa cá nên hẻm Mây Hồng còn có tên là hẻm Vựa Cá. Đây là vựa cá quốc doanh, thu gom cá từ miệt Thanh Tùng, U Minh để đưa đi tiêu thụ ở TP HCM. Thời hoàng kim của con cá đồng, người dân trong hẻm Mây Hồng phần lớn sống nhờ vào hoạt động của vựa cá. Cánh đàn ông bốc vác, vận chuyển cá, phụ nữ thì tham gia sơ chế cá chết để làm khô, làm mắm. Đầu và lòng cá lóc bỏ ra họ xin về giao cho bọn trẻ đem đi bán trong xóm để kiếm thêm thu nhập.
Hẻm Lâm Hồng bên hông cầu Cà Mau thông với hẻm Mây Hồng và các hẻm khác tại miễu Bà Chúa Xứ nên có tên gọi là hẻm Xóm Miễu. Cư dân trong hẻm làm đủ thứ nghề: thợ may, vẽ tranh, vá dép, bán cà phê, hàn thùng, bán rắn rùa… Hai dãy nhà đối diện nhau nên khi có chuyện gì chỉ cần đứng trước cửa nói vọng qua là bên kia đáp lời ngay. Trong hẻm muốn nghe nhạc, một nhà mở là cả xóm cùng nghe, nhưng khổ nhất là khi có chuyện lời qua tiếng lại thì cả xóm cũng bị tra tấn.
Miễu Bà Chúa Xứ trong hẻm được nhiều người truyền khẩu là rất thiêng nên thường xuyên có nhiều người đến dâng hương. Nhưng xôm tụ nhất vẫn là lễ hội cúng Bà vào ngày 16-2 âm lịch hằng năm. Trong dịp này, ngoài phần lễ, người ta còn tổ chức múa bóng vừa mang tính chất nghi lễ, vừa mang tính chất giải trí. Người đến xem rất đông, không chỉ trong hẻm mà còn có ở các nơi khác. Hoạt động này cũng đã thể hiện được nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt mà các cư dân Xóm Miễu là những người đại diện.
Hẻm Ông Dú đá đậu dài không quá 10 m, nằm cặp với Kim Hòa Viên Chùa Bà, Phường 2. Hẻm là đường dẫn ra bến đò đưa rước khách sang sông giữa Phường 2 với Phường 7 và Phường 8. Cư dân trong hẻm chỉ 4-5 thành viên của một gia đình. Người dân và các thế hệ học sinh ở TP Cà Mau hầu như ai cũng biết hẻm này, vì trong hẻm có quán đá đậu của ông Dú.
Quán tồn tại gần 50 năm, chủ nhân là một người Hoa. Quán đơn sơ chỉ với chiếc xe đá đậu và vài bộ bàn ghế được kê dọc theo con hẻm, vào giờ tan học hầu như không còn chỗ trống. Đá đậu của ông Dú được học sinh khoái khẩu vì vừa ngon, vừa hợp túi tiền.
Ly đá đậu của ông Dú không có gì là "cao lương mỹ vị", chỉ vài ba cọng chuối khô xắt mịn, một ít bột báng, vài miếng khóm ngào đường, hai ba muỗng đậu xanh, đậu đỏ hòa chung với nước cốt dừa và cho đá bào vào. Chỉ có vậy thôi, nhưng nó gần như trở thành chất gây nghiện đối với các thế hệ học sinh. Có những người xa quê nhiều năm, giờ trở lại quán kêu một ly đá đậu ngồi đó ngắm nhìn xe đá đậu và chủ nhân của nó, để bùi ngùi hồi tưởng lại thầy cô, bạn bè và biết bao kỷ niệm vui buồn của thời áo trắng.
Hẻm Chiều Cuối Tuần ở Phường 2 là con hẻm thông nhau giữa hai đường Phan Đình Phùng và Lý Thái Tôn. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, giữa hẻm có một quán cà phê tên Chiều Cuối Tuần. Quán là điểm đến để các cặp đôi yêu nhau "tâm sự loài chim biển" và thề nguyền hẹn ước. Quán là một cái sân rộng với vài bộ bàn ghế được che chắn bằng những chậu kiểng.
Có thể xem quán Chiều Cuối Tuần là một trong những quán tiên phong trong việc phục vụ các cặp tình nhân. Rời quán Chiều Cuối Tuần có những cặp không thành và cũng có những cặp kết tóc se duyên. Dù có nên vợ nên chồng hay không thì quán Chiều Cuối Tuần vẫn là nơi đáng ghi nhớ của thời tuổi trẻ yêu đương mơ mộng.
Trong các con hẻm ở Cà Mau, hẻm Xóm Kiếp là "lẫy lừng" nhất. Bởi thời "hưng thịnh" (thập niên 90 và đầu những năm 2000), hầu hết cư dân trong hẻm (khoảng 50 hộ) đều là dân "anh chị" sống bằng cờ bạc và ma túy. Thời ấy, Xóm Kiếp được xem là khu "tự trị" bởi ít có ai dám bước chân vào.
Cuối hẻm giáp với bờ sông Gành Hào, nếu ai có việc đi ngang hẻm thì cứ đường thẳng mà bước, còn nếu ngó ngang ngó dọc thì ăn đòn như chơi. Người ta nói dân trong hẻm Xóm Kiếp rất khó bị bắt bởi hầu hết vách các ngôi nhà đều thông nhau. Khi công an ập vào nhà đầu hẻm thì đối tượng đã lần vách chạy tới cuối hẻm rồi. Gần như 100% cư dân trong hẻm đều không học hành, không hộ khẩu và không nghề nghiệp. Tên Xóm Kiếp được hình thành là do bao thế hệ sinh sống ở đây đa phần đều mang kiếp nghiện ngập, kiếp đỏ đen...
Với quyết tâm làm thay đổi diện mạo hẻm Xóm Kiếp, ngoài việc truy quét, ngăn chặn các tệ nạn, chính quyền địa phương đã đặt tên hẻm là Bình Minh. Mong muốn đó phải đến vài năm sau mới thành hiện thực. Hiện nay tệ nạn xã hội đã được đẩy lùi đến hơn 90%, người dân trở lại làm ăn đàng hoàng, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Ngoài những hẻm nêu trên, có một con hẻm ở Phường 8 tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng khi nhắc đến ai cũng phì cười và những cư dân trong hẻm đều e ngại khi giới thiệu nơi ở của mình với người khác, đó là hẻm Heo Nọc. Hẻm Heo Nọc nổi tiếng đến mức khi ở bất kỳ nơi đâu trong TP Cà Mau, hễ kêu xe ôm chở về hẻm Heo Nọc là được đưa tới nơi, tới chốn.
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì trong hẻm này có một gia đình làm nghề dắt heo nọc đi gây giống. Hẻm Heo Nọc giờ không còn nữa, vì đã được mở rộng thành đường lớn, nhưng cái tên của nó vẫn còn rất nhiều người nhớ đến, đặc biệt là cánh xe ôm. Nhớ đến nó, người ta cũng nhớ đến một thời kỳ khốn khó - thời bao cấp - cái thời mà người người nuôi heo, nhà nhà nuôi heo để cải thiện kinh tế gia đình.
Cuộc sống ngày càng hòa mình vào trào lưu của thời đại, đô thị hóa càng phát triển. Từ Dự án LIA, hầu hết các con hẻm ở nội ô TP Cà Mau đều được mở rộng khang trang, sạch đẹp. Cái hồn của từng con hẻm đã đổi khác rất nhiều, nhưng hình ảnh thân thương của ngày xa xưa vẫn còn trong tiềm thức.
Hoàng Hải
Theo Báo Cà Mau
Theo Báo Cà Mau
Bạn đang đọc bài viết "Những con hẻm đầy ký ức của dân Cà Mau" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.