Nhức nhối nạn buôn bán trẻ em vùng cao: Nỗi đau bản làng (kỳ 1)

18/10/2017 15:15

Theo dõi trên

Trình độ dân trí thấp, dễ nghe người lạ, nhiều trẻ em gái ở vùng núi cao các tỉnh Hà Giang, Lao Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La… đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Nạn nhân bị đưa sang bên kia biên giới làm nô lệ tình dục, làm vợ hoặc trở thành những món đồ chơi cho kẻ giàu có. Biết bao tiếng kêu xé lòng.

 
Đối tượng gây án Hứa Văn Trường trước tòa

Nhẹ dạ trước lời dụ dỗ

Ông Giàng A Lản, người ở bản Pá Liềng, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn- Sơn La) thốt lên: “Trẻ em bị bọn buôn người bắt đi, giờ vắng lắm rồi!”. Theo tìm hiểu tại Pá Liềng có tới chục trường hợp phụ nữ, trẻ em bị lừa bán, trong đó sáu nạn nhân là trẻ em. Em Mùa Thị Sơn (16 tuổi) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ sệt do năm 2016 có quen một thanh niên qua mạng xã hội. Sau đó người này rủ Sơn lên Lào Cai chơi và nói ở đó có nhiều trò vui, rồi đã bán cô cho một người đàn ông ngoại quốc. Lợi dụng sơ hở, cô đã trốn về được. Sơn chỉ là một trong số rất nhiều người bị bắt, bị lừa bán. Nhưng cô may mắn đã trốn được, còn rất nhiều trường hợp không biết nay ở đâu.

Theo báo cáo của công an tỉnh Sơn La, năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt và khởi tố 11 vụ, giải cứu 17 nạn nhân liên quan đến các vụ mua bán người. Qua công tác rà soát, từ tháng 11-2014 đến 5-2016, trên địa bản tỉnh có 293 phụ nữ, trẻ em văng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi bị mua bán. Trong sáu tháng đầu năm 2017, tại Sơn La đã phát hiện tám vụ, lừa 14 nạn nhân bán sang Trung Quốc.

Tại Hà Giang, những năm qua tình trạng mua bán trẻ em cũng đã gây ra biết bao hoang mang cho người dân. Đặc biệt năm 2015 Công an tỉnh Hà Giang chặt đứt đường dây của năm đối tượng, giải cứu sáu nạn nhân gây xôn xao. Mấu chốt của chuyên án này được gợi mở bắt đầu từ việc con gái ông Sải Chúng Quyết (thôn Tà Chải, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì) là Sải Thị Liêm, học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Su Phì đã bị đối tượng Hứa Văn Trưởng lừa bán. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, em Liêm đã quen với Hứa Văn Trưởng trong lần gã này làm thợ xây. Khi Liêm ra thị trấn trọ học thì Trưởng đã có số điện thoại trao đổi và yêu nhau. Mấy ngày sau khi Liêm bị lừa đi, cô gái ở cùng em mới gọi điện về cho gia đình Liêm, nói em đi chơi tối mấy ngày nay chưa về. Ông Quyết đã báo công an. Từ các tin nhắn còn lưu trong máy của Liêm khi cô để quên điện thoại ở phòng trọ. Các trinh sát của Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Hà Giang đã phát hiện một nhóm đối tượng có dấu hiệu dụ dỗ, lừa gạt nữ sinh cấp III bán ra nước ngoài và sự mất tích của một số nữ sinh trên địa bàn tỉnh. Phòng PC45 đã thành lập chuyên án đấu tranh và bóc gỡ một đường dây mua bán phụ nữ trẻ em do các đối tượng Hứa Viết Trưởng, Lù Văn Xanh, Đinh Thị Bình, Đinh Thị Lan (cùng sống ở huyện Vị Xuyên) câu kết với đối tượng Vinh Triều Binh (ở Diền Bồng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Từ việc bóc gỡ đường dây này, Sải Thị Liêm được giải cứu. Dù đã được giải cứu cách đây ít tháng, nhưng đến giờ Liêm vẫn chưa hết lo sợ về những ngày bị bán vào một động mại dâm. Tổng số các đối tượng phải chịu mức án hơn 100 năm tù.
 
 
Thiếu nữ vùng cao rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán ma túy
 
Tôi còn nhớ rõ vụ án đục tường xông vào nhà bắt cóc bốn trẻ em (Thò Thị Thà, Thò Thị Già, Thò Thị Dợ, Thò Mí Nó) ở bản Pó Pi A, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc từng làm chấn động khắp các bản làng, được khám phá là một trong những thành công vang dội của lực lượng công an Hà Giang. Từ những manh mối nhỏ, chắp nối lại, hóa ra vụ án đã có sự sắp xếp bởi những kẻ khá chuyên nghiệp. Sau cùng hành động của chúng phải bị phanh phui. Hành động táo bạo của bọn buôn người khiến người những đứa trẻ miền núi không còn dám chạy nhảy, vui chơi trên nương rẫy, những bà mẹ không dám chợp mắt, cứ đêm bắt đầu xuống là lại cài cửa ngủ hoặc đặt bẫy chông quanh nhà đề phòng những kẻ “trộm người”.
 
Thống kê của công an tỉnh Hà Giang chỉ ra: Mấy năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 135 vụ/186 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán chiếm đoạt trẻ em; với 199 nạn nhân bị mua bán, chiếm đoạt (phụ nữ 152, trẻ em 47). 
 
Nói về vấn đề dụ dỗ trẻ em, Đại tá Lò Văn Pọm, Trưởng Công an huyện Tủa Chùa (Điện Biên) cho biết, Tủa Chùa là địa bàn vùng cao, dân tộc Mông chiếm đa số, không có đường giáp biên. Có nhiều đối tượng bây giờ thường xuyên lân la vào các bản, xin số điện thoại các cô gái trong bản. Sau đó về nhắn tin, gọi điện tán tỉnh qua điện thoại, face book, zalo để dụ dỗ đi chơi cùng rồi lừa bán. Vấn đề này rất khó kiểm soát và điều tra. Chúng tôi đã tuyên truyền về các địa phương cảnh giác khi người lạ ở bản, không cho người lạ số điện thoại”.
 
Còn Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Hà Giang cho biết: “Những năm gần đây, thủ đoạn của loại tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em ẩn nấp dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, phương thức hoạt động của rất tinh vi, đa dạng, khó lường…”.
 
 
Cháu Chảo Văn Chình (huyện Mèo Vạc) được giải cứu
 
Xót xa những phận người
 
Trường hợp của em Lý Thị Thương và Phàn Thị Xuân ở xã Yên Định (huyện Bắc Mê - Hà Giang) cho thấy những nỗi đau đớn thật sự khó xóa của các em gái vùng cao. Dù đã được giải cứu về đoàn tụ cùng gia đình nhưng Thương và Xuân vẫn trốn trong nhà không dám đi ra ngoài. Hai cô gái tuổi vừa tròn trăng tròn vẫn còn sợ khi bước chân ra khỏi nhà sẽ lại bị lừa bán sang Trung Quốc. Nhiều tháng trôi qua nhưng ký ức những ngày làm nô lệ tình dục ở xứ người vẫn hiển hiện trong hai cô gái trẻ măng nhưng đã sớm vấp phải hoàn cảnh trớ trêu. Quá khứ với hai cô, không còn là những buổi diện váy xúng xính xuống chợ, mà trở thành nỗi ám ảnh khó quên. Tôi tiến lại gần hỏi chuyện, Thương có phần ngại ngần, trên khuôn mặt cô gái vẫn còn nguyên vẹn nỗi sợ hãi, hoang mang: “Em muốn quên, em không muốn nhớ lại những ngày nhục nhã đó!” -Thương nói.
 
Để Thương bớt căng thẳng, chúng tôi ngồi kề bên tỉ tê kể chuyện, giúp em an tâm và thổ lộ. “Tại cái Xuân mà em mới bị bán sang đó. Nó quen với một người phụ nữ tên là Pôi, bà ấy rủ Xuân đi làm cho nhà máy công nghiệp, lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Thế là cái Xuân nó rủ em đi làm cùng. Nhà em thì nghèo, quanh năm suốt tháng chỉ có lên rẫy chẳng đủ ăn. Nghe lương cao vậy nên em đồng ý đi luôn”.
 
Hai cô gái trẻ từ biệt gia đình với bao viễn cảnh tươi đẹp, cả hai đều mong mỏi đi làm có tiền sẽ gửi về cho cha mẹ sửa lại nhà, mua thêm con lợn, con gà về nuôi. Và rồi Xuân và Thương cùng nhau lên một chuyến xe lạ mà không biết rằng chuyến xe đó đang đưa hai cô đến “địa ngục trần gian”. Nhớ lại những ngày tháng đau đớn ấy, Xuân nghẹn ngào nói: “Em bị một gã đàn ông đã đứng tuổi đưa về một gia đình có ba người. Hàng ngày, hắn bắt em phải làm việc quần quật, tối đến hắn lại cưỡng bức em. Hắn thường xuyên vô cớ nổi cơn thịnh nộ, đánh đập em đến bầm tím. Em không biết hắn nói gì, nhưng thấy cử chỉ, điệu bộ, nét mặt hắn…dữ dằn lắm. Mà không biết đường nào để trốn”, Xuân sụt sùi.
 
Làm sao không xót xa trước những hình ảnh người mẹ mong ngóng đứa con trở về đến nỗi nước mắt cạn khô, những cô gái trẻ, tương lai đang rộng mở bỗng chốc vụt tắt trong bóng tối “nhà thổ”, những đứa trẻ ngây thơ bỗng chốc phải rời xa vòng tay người mẹ đã trở thành “món hàng” đắt giá…Tất cả tội ác đó là do những kẻ buôn người gây ra. Bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt bọn tội phạm buôn người đã cướp đi hạnh phúc, tương lai của hàng trăm con người…Ai là người giúp bình yên được lập lại miền đá này? Lực lượng công an, biên phòng cùng các cơ quan chức năng. Nòng cốt - lực lượng công an, với những chuyên án lớn, đã khiến bất cứ ai nghe tới cũng lạnh sống lưng.
 
Cách đây hai năm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Giám đốc công an tỉnh Hà Giang đã có những đánh giá rất sát rằng, hầu hết các vụ án đều có yếu tố nước ngoài. Qua kiểm tra, khám phá các vụ mua bán trẻ em, cho thấy phần lớn đối tượng phạm tội có trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, không có việc làm ổn đinh, dễ bị lôi kéo, lợi dụng… Năm nào, lực lượng công an cũng triển khai kế hoạch, phòng chống loại tội phạm mua, bán người. Sự việc quan trọng chẳng kém đánh án ma túy. Đến nay, Công an các tỉnh vẫn tiếp tục có sự chỉ đạo, phải đánh mạnh vào loại tội phạm buôn bán trẻ em.

Còn tiếp...
 
Nguyễn Văn Học

Bạn đang đọc bài viết "Nhức nhối nạn buôn bán trẻ em vùng cao: Nỗi đau bản làng (kỳ 1)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.