Nhạc sỹ Kim Ngọc
Theo Kim Ngọc, châu Âu là cái nôi của âm nhạc cổ điển, nơi đó nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo và luôn được ủng hộ nhiệt tình; nơi mình không chỉ học hỏi được các kiến thức âm nhạc mà còn có những trải nghiệm quý báu về văn hóa đời sống.
Vào những năm giữa thập niên 90 thế kỉ trước, tôi quen thân với cô bé Trần Kim Ngọc lúc đó 18 tuổi phải đi dạy piano, đi ngồi mẫu ở xưởng vẽ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội để kiếm tiền ăn học. Kim Ngọc sinh năm 1975, mới 15 tuổi cô phải chịu cảnh mồ côi bố. Nhạc sĩ Trần Ngọc Xương mất sau thời gian dài mắc bệnh ung thư. Sau ngày bố mất, Trần Kim Ngọc viết một bản giao hưởng - thính phòng lấy tên là “Phục hồn” để tỏ lòng tiếc thương, kính thờ bố và cũng là để cầu siêu bố của Ngọc trở về với tổ tiên bên kia thế giới. “Phục hồn” cùng với bản giao hưởng khác có tên là “dậy thì” được Trần Kim Ngọc viết trước tuổi 20, đã đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tác xướng âm hiện đại tại Paris năm 1994, và Kim Ngọc được kết nạp vào Hội nữ nhạc sĩ Quốc tế năm 1995.
Cách đây gần 20 năm Kim Ngọc có viết hàng loạt ca khúc, những bài hát ấy được ca sĩ Mỹ Linh và Uyên Linh hát và thu âm. Nếu đi tiếp con đường nhạc Pop, đã có một nữ nhạc sĩ nổi tiếng của nhạc trẻ đại chúng nhưng Kim Ngọc không có nhu cầu giải trí bằng showbiz và bài hát “Chỉ là giấc mơ” được Kim Ngọc cho biết đó là ca khúc cuối cùng cô viết.
Trả lời phỏng vấn Kim Ngọc cho biết nhạc nhẹ không phải là tâm huyết của cô. Chuyến du học tại Thành phố Cologne, một trong những trung tâm âm nhạc đương đại hàng đầu thế giới đã có những tác động to lớn, sâu sắc đến sự trưởng thành trong âm nhạc: Ngọc đã định hình và khẳng định bản thân trong âm nhạc thể nghiệm.
Khi được hỏi làm thế nào để có được học bổng du học tại Trung tâm âm nhạc đương đại hàng đầu thế giới? Trần Kim Ngọc cho biết: Trước đó Ngọc đã một lần được mời sang Đức để giới thiệu và biểu diễn tác phẩm của mình, nhưng đó là trong thời gian ngắn giao lưu.
Khi Kim Ngọc được xét học bổng rồi, thì phía Đức có hẳn một band với các chuyên gia uy tín để đánh giá năng lực của cô. Sau đó, cô được thông báo sẽ có một thầy giáo tại Đức nhận dạy học, và còn được gặp gỡ nhiều thầy cô khác nhau và Kim Ngọc đưa cho họ những tác phẩm, băng đĩa của mình sáng tác để kiểm chứng. Một công việc quan trọng không kém là cô phải xác định một người thầy để theo học. Xác định bằng cách tìm hiểu, điều tra tên tuổi, xem thầy thuộc trường phái trào lưu nào, cá tính âm nhạc ra sao, thuộc phái cấp tiến hay bảo thủ… Nếu cảm thấy gần gũi và phù hợp thì đặt nguyện vọng.
Trong tâm hồn non nớt của cô gái Kim Ngọc bấy giờ chưa thể lường hết được những điều gì mình sẽ trải qua. Hành trang cô mang theo sang Đức là những kiến thức âm nhạc đã học 16 năm tại nước nhà và vốn ngoại ngữ tàm tạm.
Đơn độc trên nước Đức giữa cộng đồng du sinh đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc,… bất đồng ngôn ngữ, là người Việt Nam duy nhất giữa một môi trường hoàn toàn khác biệt khiến Kim Ngọc như bị tách biệt, cô lập. Và hơn thế, nước Đức là quốc gia có nền văn hóa và triết học đồ sộ, sống và học tập trong môi trường như vậy cô cảm thấy choáng ngợp, thấy mình nhỏ bé vô cùng. Nhưng dần dần, cô bắt nhịp, hòa với nhịp sống mới, và cô trở nên quen thuộc với đất nước này. Cô tìm thấy một niềm say mê mới ở một nền giáo dục hoàn toàn khác biệt, mới mẻ so với Việt Nam.
Từ năm 2001 đến 2004 tại Đại học âm nhạc Cologne (Đức) Kim Ngọc chuyên tâm vào việc học, sáng tác và trình diễn ngẫu hứng với Johannes Fritzsch, Stockhausen và Paulo Alvares. Kể từ ngày ấy, Kim Ngọc đã công diễn 4 tác phẩm music-theatre tại Đức và Mỹ, giành được nhiều sự quan tâm của khán giả. Gần đây nhất là giao hưởng ngắn “Sự vắng mặt” được đặt hàng và sản xuất bởi Muenchener Biennale, một liên hoan âm nhạc lớn nhất châu Âu dành cho music-theatre tại Munich, CHLB Đức.
Được đào tạo âm nhạc Hàn lâm nghiêm túc và cũng đã từng có những bứt phá cá nhân. Hiện tại con đường đi của Ngọc tương đối khác và mạnh mẽ hơn những khuôn khổ của trường Nhạc.
Tối 27/4/2008, tại Viện Goethe, Hà Nội, nghệ sỹ trẻ Trần Kim Ngọc giới thiệu Vở music-theatre “Ai đem con nhện giăng mùng”, tác phẩm mới do chính cô viết kịch bản, nhạc, đạo diễn, trình diễn, thiết kế sân khấu. Tiếp theo là vở “Cùng nhau đơn độc”- ê kíp trình diễn (và cũng là nhân vật, nghệ sĩ tham gia) lên tới 10 người cùng biến tấu. Bên cạnh chùm giao hưởng ngắn “tự họa” với các tác phẩm như “Những ngón chân”, “cái eo lưng”,… được dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trình diễn. Các tác phẩm khác của Kim Ngọc đã vang lên ở nhiều liên hoan âm nhạc thể nghiệm quốc tế, số lượt công chúng nước ngoài được thưởng thức music-theatre của Kim Ngọc gấp nhiều lần lượt xem của khán giả trong nước.
Một thập kỷ hoạt động, Kim Ngọc - đại diện hàng đầu của nhạc đương đại Việt Nam vẫn chưa ra đĩa đầu tay. Lý do “chưa có điều kiện tiền bạc để làm”.
Khởi đầu sự nghiệp âm nhạc cô sáng tác giao hưởng, sau đó viết ca khúc, và bây giờ là experimental music (nhạc thể nghiệm), digital music (nhạc số), computer music (nhạc máy tính)…
Nghệ thuật thể nghiệm là một trong những trào lưu của âm nhạc đương đại. Khi học âm nhạc đương đại, nhạc sĩ Kim Ngọc cảm thấy nghệ thuật thể nghiệm gần gũi với thể tạng của mình, hơn nữa lại không câu nệ về hình thức, về format (định dạng) nên người nghệ sĩ có thể tự do tìm một định dạng cho mình, kiếm tìm chân trời mới, phá vỡ cái sẵn có. Năm 2004, khi Ngọc du học trở về, cô đã có nhiều chuyến thực tế, đem những âm thanh trong cuộc sống vào tác phẩm của mình: tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng trao đổi của con người, tiếng trẻ bi bô, cười trong vắt, âm thanh của những dụng cụ trong sinh hoạt con người, tiếng nước chảy, thậm chí là tiếng thời gian chuyển từ thời điểm này sang thời điểm khác trong một ngày…
Hoạt động tại trung tâm Đom Đóm
Nghệ thuật thể nghiệp vẫn còn rất mới mẻ và lạ lẫm đối với người Việt Nam, dù trên thực tế các nghệ sĩ Việt Nam đã đem loại hình này trình diễn trên khăp nước nhà. Để loại hình nghệ thuật này gẫn gũi hơn với khán giả yêu nhạc Việt Nam đó là một thách thức lớn, một chặng đường đầy chông gai của những người kiên cường với nó. Đối với nhạc sĩ Kim Ngọc, phương án mà cô đề xuất để nghệ thuật thể nghiệm tiến gần hơn với con người, xã hội Việt Nam là dự án Đom đóm - trung tâm nghệ thuật thể nghiệm.
Đom đóm là một loại côn trùng mang trong mình đốm sáng nhỏ bé, cũng như mong muốn của người nghệ sĩ muốn xây dựng một động cơ nhỏ, ngôi nhà nhỏ trong không gian văn hóa rộng lớn của Việt Nam. Và ánh sáng của đom đóm tuy nhỏ bé nhưng lại sáng, tỏa sáng lâu dài, bền bỉ, có một sức sống mãnh liệt, một sự xả thân. Đom đóm mãi tỏa sáng trừ khi phải chết đi. Đây là hình ảnh đẹp, gần gũi, khiêm tốn và bền bỉ. Nhạc sĩ Kim Ngọc lí giải quyết định chọn cái tên Đom đóm.
Trung tâm Đom Đóm với Kim Ngọc không chỉ là nhà, là chốn đi về dành cho các nghệ sĩ khi tham gia các hoạt động nghệ thuật thử nghiệm mà cô còn muốn thông qua các chương trình nghệ sĩ cư trú có thể bảo trợ phần nào cho các hoạt động của nghệ sĩ Việt Nam, đảm bảo cho các nghệ sĩ có thể cư trú tại đây trong một thời gian nhất định, toàn tâm toàn ý thực hiện, thử nghiệm các tác phẩm nghệ thuật của mình mà không cần phải bận tâm đến những áp lực bên ngoài cuộc sống.
Trung tâm nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm do Trần Kim Ngọc sáng lập phối hợp cùng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Malmoe và dàn nhạc Ars Nova (Thụy Điển), mở cửa từ tháng 4/2013 với 3 lớp học: Âm nhạc điện tử, Hòa tấu nhạc đương đại và Trình diễn ngẫu hứng. Đom Đóm là nơi duy nhất hiện nay tại Việt Nam đào tạo về âm nhạc thể nghiệm, và cũng là nơi các nghệ sĩ thể nghiệm gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu tác phẩm.
Một khi nghệ thuật với Ngọc không phải là mục đích - mà giống như tình yêu, nghệ thuật là kết quả của đời sống, nhận thức về tồn tại của mình với thế giới xung quanh, là cách cô tri giác đời sống này ở mức cao nhất. Kim Ngọc ý thức hơn ai hết, thân phận của một dòng nhạc đứng bên lề nền công nghiệp giải trí và chưa có được sự hỗ trợ từ các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, giáo dục chính thống. Dùng từ underground để nói về dòng nhạc mình theo đuổi - dòng nhạc tồn tại trong thế giới ngầm.
Kim Ngọc bày tỏ, sống ở Việt Nam đôi khi tôi không thấy mình có quyền nghe cái gì, không nghe cái gì. Mọi âm thanh hỗn độn tràn đến, xâm lấn cuộc sống của tôi từ mọi phía. Con người thì nháo nhác sống, chỉ vừa đủ thời gian cho kiếm sống và những thư giãn sinh học. Cái mà làm nên chất lượng sống ở đây, hơn bao giờ hết lại chính là sự im lặng. Đây không phải là một phát hiện mới nhưng tôi đang thực sự trải nghiệm giá trị của nó.