Chuyên viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận nhưng nhà văn Hồ Anh Thái cũng đã có những sách dành riêng cho thiếu nhi. Gần đây nhất là tập truyện “Lớn rồi hết sợ” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành đầu tháng 9.2022
Tập truyện là hồi ức tuổi thơ của Hồ Anh Thái, một cậu bé nhút nhát sợ nói to, gặp ai cũng chỉ lý nhí chào, sợ mèo, sợ độ cao, sợ bị đường dính tay cùng nhiều cái sợ khác mà tác giả thú nhận có những nỗi ám ảnh ấu thơ vẫn đeo đẳng ông cho đến mãi sau này.
Nhưng qua các câu chuyện được trình bày trong “Lớn rồi hết sợ”, người đọc cũng nhận thấy những cố gắng không ngừng nghỉ của một thị dân nghèo sinh trưởng trong chiến tranh chống Mỹ, qua thời bao cấp đầy gian khó để trở thành một nhà ngoại giao chuyện nghiệp, nhà văn nổi tiếng trong làng văn Việt Nam sau 1975 với nhiều sách được dịch ra hơn 10 thứ tiếng, phát hành ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Cuốn sách hơn 250 trang cho người đọc tiếp cận một gia đình công chức người Hà Nội gốc Nghệ An trong một dòng họ nổi tiếng có tiến sỹ Hồ Sỹ Dương với giai thoại vượt lên gian khó để trở thành một vị quan danh tiếng dưới triều nhà Lê. Chính truyền thống ấy đã tạo nên những con người đa dạng tính cách, luôn nung nấu ý chí vượt khó và sống mạnh mẽ trước thời cuộc dù trong bom rơi đạn nổ hay những ngày sơ tán phải ở nhờ, qua bữa bằng món canh tập tàng chỉ với vài cọng rau. Dường như chính điều kiện sống đã hun đúc nên lối sống mạnh mẽ của một dòng họ.
Những câu chuyện được kể giản dị, thong dong, không cầu kỳ dắt người đọc ghé thăm một gia đình mà người cha luôn nghiêm khắc với cậu con út nhút nhát. Nhưng cũng người cha ấy lại là một người đa cảm, vui tính, thông thạo tiếng Pháp và tiếng Trung. Ông không cấm đoán con trai đọc tiểu thuyết phương Tây như bao bậc cha mẹ khác, dù Hồ Anh Thái ngày đó mới lên 8 tuổi. Người cha có một trí nhớ mà thời bây giờ sẽ thấy khó tin khi thuộc làu hàng nghìn bài thơ cổ, thơ tiến chiến của Anh Thơ, Nguyễn Bính… Người cha vì gia đình đã trải qua nhiều nghề như thu vé tàu, canh gác nhà ga ở Lào thời Pháp thuộc. Về sau ông là biên tập viên Đài tiếng nói Việt Nam, một tay cờ tướng và là trọng tài bóng đá hạng A.
Đó là bà mẹ sinh trưởng trong một dòng tộc Nho học xứ Nghệ cũng rất mê văn chương. Bà hát ru con bằng “Chinh phụ ngâm” và các thể thơ cổ khác. Bà muốn con trai sau này sẽ theo hội họa, một lĩnh vực mà bà cũng yêu thích. Một người mẹ tần tảo, đau yếu nhưng cũng kiên quyết khi cho con chuyển trường để tránh bị kỳ thị hay lúc ốm đau, nhà chỉ có một người đàn ông là cậu con út, bà nhất quyết nói anh thanh niên 17 tuổi tiêm ngay cho cháu mình.
Đó là những người anh, người chị của gia đình Hồ Anh Thái. Mỗi người một tính cách, chẳng ai giống ai tạo thành một gia đình tưởng như sẽ phức tạp nhưng những tinh cách ấy lại bổ sung cho nhau trở thành một gia đình sống nghiêm túc và cũng đầy nội lực. Người anh cả thâm trầm, sớm trưởng thành là một trong những giáo viên đầu tiên của đảo Cát Bà hồi những năm 1960, rồi Phó Chủ tịch huyện đảo Cát Hải. Một người anh nữa biết nhìn trước sự phát triển của công nghệ máy móc mà chọn ngành kỹ sư đầu máy diesel nhưng không gặp may mắn. Một người anh khác thừa hưởng tính cách của cha, chẳng sợ ai và cũng chẳng sợ gì, sau này là Tổng Biên tập Báo Đại Biểu Nhân Dân. Các chị thì nhìn chung là những phụ nữ truyền thống và theo nghề giáo.
Cái nhút nhát của thời niên thiếu có lẽ cũng là một thứ tác nhân giúp cho cậu bé Hồ Anh Thái ngày nào luôn nỗ lực để vượt lên nỗi sợ. Cậu tập diễn thuyết, diễn chèo, học ngoại ngữ và luôn chăm chỉ để trở thành học sinh giỏi, tìm cách làm quen với các cô bán sách để được mua những quyển mới nhất. Cậu nhịn ăn đến sắt người lại để có tiền mua sách. Hết cấp 1 đã có tủ sách riêng của mình. Người 15 tuổi đã lặng lẽ viết và gửi đăng báo. 17 tuổi đã có truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn Nghệ quân đội mà gia đình và các bạn bè văn chương của cha cũng không biết.
Là người hăng hái đi, hăng hái tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật như chèo, điện ảnh, đam mê hội họa, Hồ Anh Thái mang đến cho người đọc nhiều câu chuyện lý thú về các văn nghệ sỹ gạo cội như Hoàng Trung Thông, Anh Thơ, Ý Nhi… với những câu chuyện rất đời. Người đọc như lạc bước về những vùng quê Bắc Bộ như Phủ Giày, đặc biệt là Hải Phòng, huyện đảo Cát Hải, nơi đã theo vào những tiểu thuyết của Hồ Anh Thái về sau này. Làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu (Nghệ An) với những cánh đồng lúa mướt xanh, bờ tre và nhà thờ họ Hồ cũng được nhà văn dành cho những tình cảm đầy mến yêu, dù 36 tuổi rồi Hồ Anh Thái mới có dịp về thăm quê.
Bằng giọng văn dí dỏm vốn có, Hồ Anh Thái dẫn dắt người đọc đi qua một quãng đời tuổi thơ của ông từ bữa ăn nhai phải con sên khi 5 tuổi cho đến lúc trưởng thành. Chuyện về gia đình, con cháu và những người ông từng gắn bó, các cô bán sách, thầy cô, những người gặp khi sơ tán tránh bom, người Hải Phòng nơi người anh của nhà văn dạy học và công tác… Người đọc sẽ ngẫm ngợi, sẽ cười tủm tỉm, cười thành tiếng trước nhiều tình tiết hài hước được tác giả khéo léo sắp đặt không kém phần tài tình và cũng gợi cảm giác tự nhiên.