Vở kịch Dòng xoáy nghiệt ngã về đề tài thương binh
- Nhà văn BÍCH NGÂN: Ý tưởng sáng tác đến với tôi sau một lần đi thăm viện quân y, gặp nhiều chiến sĩ trẻ trở về sau cuộc chiến với đôi chân đã không còn. Thế nhưng, nếu viết về chiến tranh, về những trận đánh, những ám ảnh khốc liệt thì thật sự đã có rất nhiều tác giả đã viết và viết tốt hơn tôi rất nhiều. Điều tôi muốn viết về thương binh không phải là chiến tranh, thứ đã cướp đi một phần thân thể họ mà là cuộc sống sau đó, cuộc sống vốn dĩ bình thường lại trở nên bất thường vì sự thay đổi của chính người lính. Cũng vì vậy, nhân vật chính trong Thế giới xô lệch tuy là một người lính nhưng ngay ngày đầu ra trận lại bị một quả mìn tiện đứt 2 chân. Chiến tranh với anh kết thúc ngay ngày đầu tiên ra trận.
Cũng như vậy, trong tác phẩm sân khấu Dòng xoáy nghiệt ngã, nhân vật chính cũng là một thương binh nhưng bị thương ở đầu và mất trí nhớ. Chiến tranh với anh đã không còn tồn tại kể từ giây phút bị thương đó. Với tôi, thương binh là người lính đặc biệt, khác với nhiều người lính khác kết thúc chiến tranh trở về với cuộc sống đời thường thì chiến tranh chỉ còn là những hoài niệm, có thể là ám ảnh hay những kỷ niệm khó quên nhưng dù sao cũng đã ở sau lưng.
Với thương binh, chiến tranh vẫn còn đó, một cuộc chiến khác, cuộc chiến của sự hòa nhập, cuộc chiến của sự tồn tại. Và dù rằng không chủ tâm nhắc đến chiến tranh nhưng chiến tranh vẫn hiện diện trong suốt các tác phẩm của tôi bởi vết thương chiến tranh khác với những vết thương khác khi nó khắc dấu lên người lính sự pha trộn giữa vinh quang và đau đớn, giữa kiêu hãnh và bi kịch của cuộc sống.
- Vừa là tác giả đồng thời cũng là một người làm trong lĩnh vực xuất bản, theo chị trở ngại chính nào khi còn quá ít tác giả viết về đề tài này cũng như những đề tài khác như công nhân, nông dân?
- Trong suốt thời gian giữ vai trò xây dựng bản thảo ở các nhà xuất bản tôi từng công tác, chưa bao giờ tôi được nhận một bản thảo viết về thương binh. Là người đã viết về họ, theo tôi lý do đầu tiên phải nhắc đến thì đây là đề tài quá khó. Nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, về người lính hay, hấp dẫn bởi tác giả là người trong cuộc, hiểu, cảm nhận trực tiếp để viết nên. Còn thương binh thì mấy ai tìm hiểu về họ, mấy ai biết sau những vinh danh, sau những chào đón và cả những lời có cánh thì họ sẽ sống thế nào, cảm nhận ra sao khi cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi với họ. Trong một xã hội đầy áp lực, người bình thường đã phải gian nan, vất vả kiếm sống, thì một người bị thương tật sẽ phải khó khăn hơn biết bao nhiêu lần. Nỗi đau còn nặng nề hơn khi thương binh thường còn trẻ, vốn nhiều hoài bão, đầy ước mơ… và thậm chí khi chiến tranh đã khép lại từ lâu, người thương binh trẻ giờ không còn trẻ nữa càng có ít ai viết về họ, viết về những gì họ đã trải qua.
Ngoài ra, còn có một lý do nữa khiến có quá ít tác phẩm viết về đề tài thương binh là do sự thiếu quan tâm, đầu tư cho người sáng tác trong mảng đề tài này. Đây không phải là dạng tác phẩm thời sự, hấp dẫn người đọc nên ít được các đơn vị xuất bản quan tâm, đầu tư quảng bá, giới thiệu, khi xuất bản nằm lặng lẽ đâu đó trên quầy sách rồi cũng lặng lẽ bị quên lãng. Nếu thực sự để các tác phẩm này được bạn đọc biết đến nhiều hơn, cần có sự nỗ lực chung, một mặt khuyến khích các tác giả sáng tác, mặt khác hỗ trợ để sách đến với bạn đọc.
- Không chỉ văn học, chị còn là nhà biên kịch với nhiều vở kịch được đánh giá cao. Sắp tới, chị có kế hoạch hay dự án nào cho đề tài thương binh, cả ở văn học và sân khấu?
- Hiện nay, tôi đang trong quá trình hoàn tất một truyện ngắn cũng viết về thương binh. Ngoài ra, ở hướng kịch bản sân khấu, tôi cũng đang thực hiện một kịch bản cùng đề tài. Với cả hai, nội dung xin tạm giữ bí mật nhưng hướng vẫn là cuộc sống của họ trong thời bình. Với tôi, cuộc sống bình thường với họ lại là một cuộc chiến và trách nhiệm của người sáng tác là san sẻ, phản ánh cuộc chiến đó qua ngòi bút để người đọc, người xem nhớ và hiểu phần nào về những người đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ quốc, cho hòa bình hôm nay.
(Theo SGGP)