Nhà thơ Hồ Minh Thông và “căn cước” Hà Tĩnh

22/07/2024 17:59

Theo dõi trên

Không nhà thơ nào giấu được mình trong thơ, từ quê hương, nguồn cội, gia đình, bạn bè... Hay nói cách khác, đó là những đề tài “muôn thuở” để các nhà thơ sáng tạo, “lao động cảm xúc”. Hồ Minh Thông - nhà thơ nữ Hà Tĩnh không ngoại lệ. Quê hương trở thành tiếng lòng vừa da diết, trìu mến, vừa rấm rứt trong thơ chị.

ho-minh-thong-1235436536-1721645799.jpg
Nhà thơ Hồ Minh Thông tại sự kiện kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024)

Ở tập thơ mới nhất Lạy tạ hoàng hôn, NXB Hội Nhà văn năm 2024, thơ về quê hương Hà Tĩnh của chị gồm 13 bài. Chị viết về các địa danh Hà Tĩnh trong các bài: “Chiều thành Sen”, “Sông Cụt”, “Núi Nài”, “Mắt biếc dòng La”, “Nhắn về Linh Cảm” và “Mây trắng Hồng Lam”...

Với Đức Thọ, vùng đất nổi tiếng “địa linh nhân kiệt” các địa danh, tên sông, tên làng như Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La, Tam Soa còn xuất hiện trong một số bài thơ khác. Đặc biệt, sông La dường như thành nguồn cảm xúc vô tận trong thơ Hồ Minh Thông. Ở tập thơ Đêm trở dạ, NXB Văn học năm 2019, còn có các bài “Tháng ba sông”, “Sông La - một ngày em đến”. Đó là dòng sông thơ trong tâm hồn chị.

Thành phố Hà Tĩnh là nơi Hồ Minh Thông sinh ra, lớn lên và lập thân, lập nghiệp. Đó là “vùng kỷ niệm” trong tâm hồn nhà thơ. “Chiều Thành Sen tím biếc áo ai bay / Bóng diều liệng ánh mắt em biêng biếc / Sông Rào Cái hiền hòa chiều tĩnh mịch / Ai bên cầu như bóng một người thương”, (Chiều Thành Sen). 

Thành phố trẻ, trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh còn được biết đến với “từ khóa” nhận diện “Thành Sen”. Qua bốn câu thơ đầu trong “Chiều Thành Sen” của Hồ Minh Thông đã vẽ lên một thành phố bình yên, nhung nhớ với “bóng diều”, “mắt em biếc”, “bóng một người thương”. Thành phố “bước ra” từ những con đường làng, từ lam lũ, tảo tần trên vai mẹ một thời, chưa lâu. Ký ức còn nguyên từ những ngày “đường tới thành phố”.

....

Mẹ gánh gồng tan chợ, đã hoàng hôn
Chị lao công đếm thời gian trên chổi
Dòng người xe vội rẽ về muôn lối
Chiều Hào Thành giữ lại một vầng mây

(Chiều Thành Sen)

Hà Tĩnh thân thương với hình ảnh “mẹ gánh gồng”, “chị lao công”, “dòng người xe vội vã”. Cảm thức thời gian và không gian trong thơ chị có vẻ đẹp trong lành, thánh thiện, nhân bản. Con người của thành phố cần cù lao động vì những khát khao, không riêng cho thân phận mà cho rộng dài năm tháng. “Chị lao công đếm thời gian trên chổi” không chỉ đẹp về thi ảnh mà đã cất lên tiếng nói của một biểu tượng. “Thời gian trên chổi” không phải mong xong việc để trở về nhà; mà đó là “thời gian” của hy vọng; rằng thành phố mỗi ngày sẽ xanh hơn, đẹp hơn. 

ho-minh-thong-1235436-1721645859.jpg
Hà Tĩnh trong thơ Hồ Minh Thông đong đầy hoài niệm

Ngoài bài “Thành Sen”, hiện thực cuộc sống khúc xạ qua tâm hồn Hồ Minh Thông thành những “hiện thực tinh thần” trong “Mênh mang Thành Sen” và “Những ánh mắt cười” - Bài này chị sáng tác khi Thành phố kỷ niệm 15 năm ra đời, xây dựng và trưởng thành. “Mẹ bâng khuâng nhớ thương những ký ức Thành Sen / Thị xã chiều mưa bóng cha gầy bạt gió / Những giọt trong veo đọng đầy con đò nhỏ / Chở khát vọng người về những bến bờ xa”, (Mênh mang Thành Sen).

Hà Tĩnh trong thơ Hồ Minh Thông đong đầy hoài niệm. Dáng cha, bóng mẹ hòa cùng bóng hình quê hương, không tách ra được. Chị vui mừng khi thành phố ngày một chuyển mình.

...

Kìa anh, kia những công viên 
Những toà nhà cao vời vợi 
Những nẻo đường dài chờ đợi 
Người về, xây những ước mơ

(Những ánh mắt cười)

Hồ Minh Thông sinh ra bên dòng sông Cụt. “Ngày mẹ sinh tôi / cha hối hả chạy băng qua sông Cụt / gió Lào thổi mùa hè đắng đót / mẹ vỡ ối đầm đìa / sông vẫn cạn khô”, (Sông Cụt). Chị xác tín gốc gác trong thơ, thời gian và hoàn cảnh khi mình sinh ra. Hay nói cách khác, ngoài bố mẹ, dòng sông Cụt chứng kiến nhà thơ sinh ra.

...

Tôi nhìn thấy dáng sông trong những vì sao
nơi mắt mẹ in bóng hoàng hôn những chiều giặt áo 
nơi nỗi buồn chảy vào tôi hoang hoải 
đọng lại đôi vần phía dang dở câu thơ…

(Sông Cụt)

Sông Cụt, tên dòng sông thật giản dị, nhưng Núi Nài - Sông Cụt từ lâu đã trở thành tên gọi biểu tượng. Sông Cụt đi vào thơ Hồ Minh Thông với tư cách dòng sông ký ức, với những hình ảnh thân thương mẹ ngồi giặt áo ở bến, bản thân nhà thơ có những nỗi buồn hoang hoải, chảy mãi thành dòng thương nhớ.

Núi Nài, địa danh văn hóa của thành phố Hà Tĩnh xuất hiện trong Lạy tạ hoàng hôn của Hồ Minh Thông ở bài “Chuyện Núi Nài”, chị đề từ “Tưởng nhớ Liệt sĩ Nguyễn Văn Nam”. Đây là một bài thơ về đề tài hậu chiến, cảm thức thơ buồn, nhưng đẹp. 

Chiến tranh không bao giờ là “trò đùa”. Sự mất mát hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước của nhiều thế hệ thanh niên Hà Tĩnh, không thể không xảy ra, nhưng đau thương luôn ở lại, ám ảnh. “Mẹ nâng vầng mây hồng / Từ trời chiều lộng gió / Hồn con thành chim nhỏ / Hót giữa chiều nghĩa trang”, (Chuyện Núi Nài). Lá vàng còn trên cây, lá xanh đã rụng là nỗi đau muôn thuở; mẹ chờ con, vọng con, đó là mất mát bởi chiến tranh. 

ho-minh-thong-436-1721645905.jpg
Một số tác phẩm của nhà thơ Hồ Minh Thông

Thi nhân từ cổ chí kim không ai được “yên ổn” trong tâm hồn. Với nhà thơ trẻ, thế hệ 8X, sinh ra khi đất nước đã hòa bình nhưng đã biết trăn trở với hiện thực mất mát, dẫu không phải là hiện thực trực tiếp. “Chuyện Núi Nài” đã hướng người đọc đến hiện thực của suy ngẫm, lắng đọng. Đó là một đóng góp của Hồ Minh Thông với mảng đề tài hậu chiến.

Hồ Minh Thông là tác giả thơ khi xuất hiện đã “trình làng” một “khuôn mặt thơ” khác; dần dần người yêu thơ nhận diện ra một phong cách. Thơ chị lúc bàng bạc, liêu trai, thủy mặc; lúc sâu lắng, chứa cất suy tư; nhưng tất cả đều chở đầy cảm xúc. Đọc thơ Hồ Minh Thông nhận ra chị luôn bày tỏ chân thực những khát khao thánh thiện, đến những đớn đau của trái tim trước “nhiễu điều” ở cuộc đời. Đấy cũng là thiên chức của nhà thơ và cũng là lý do cuộc đời cần thơ. 

Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop từng viết nhiều về làng quê. Mỗi lần trở về làng ông được gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của mình. 

Hồ Minh Thông thuộc về Hà Tĩnh, chị viết “trả nợ” nỗi cô đơn bất biến trong tâm hồn người làm thơ, trả nghĩa quê hương đã sinh thành, đùm bọc, cưu mang; kể cả tri ân những thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. “Những cánh chim lành”, bài thơ về đề tài lịch sử. 

“Trước mộ Người thắp một nén tâm nhang / Bóng tiền nhân ảo mờ trong hương khói / Nghe trong gió đại ngàn bao lời gọi / Những cánh chim lành bay trong nắng quê hương”, (Những cánh chim lành). Đây là bài thơ chị viết sau một lần viếng mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Bản chất của thơ là tình, là điệu, là hồn. Nếu thiếu cảm xúc thơ sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên như vị vàng ươm ngọt thơm vốn có của nắng. Thơ về Hà Tĩnh của Hồ Minh Thông tràn ngập cảm xúc của tâm hồn, đọc thơ chị thêm yêu, thêm hiểu “Hà Tĩnh mình thương”./.

Hồng Lĩnh
Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ Hồ Minh Thông và “căn cước” Hà Tĩnh" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.