Ngôi nhà là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Việt và Pháp. Bên ngoài kiến trúc Pháp, bên trong kết cấu gỗ truyền thống, mái chóp, mặt tiền và sàn lót gạch bông. Đầu cột dạng phức hợp, các cột hành lang tạo kiểu truyền thống “tam quan tứ trụ” mỗi gian kết hợp với vòm vòng cung, lan can tiện “lục bình”.
Nhà chính ba gian, chiều ngang khoảng 15m, chiều sâu lòng nhà 13m, hiên rộng 2m. Trên bờ nóc hai mái nhà trang trí chi tiết tinh xảo kiểu dinh thự Pháp. Gian trung tâm của nhà giữa treo tấm hoành phi lớn, viết chữ Hán “Phạm Phủ Đường,” tức nhà của họ Phạm. Hai bên gian giữa là các bàn thờ gia tiên.
Nét lộng lẫy nhất của nội thất ngôi nhà là bộ bao lam bằng gỗ kết dính cả ba gian nhà, trên khắc chạm tinh tế hình long, phụng, chim muông, hoa lá sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra, các vật dụng: Tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, bộ đi văng, phản nằm... đều làm bằng gỗ lim hoặc căm xe từ cuối thế kỷ XIX gần như nguyên vẹn.
Hiện nay, nhà cổ Cai Cường do ông Võ Huỳnh Long, con cháu đời thứ ba của dòng họ Phạm kế thừa, quản lý. Nhằm quảng bá rộng rãi ngôi nhà cổ hơn 100 năm này, Công ty CP Du lịch Cửu Long đã thuê ngôi nhà để phục vụ du lịch. Đến nhà Cai Cường, du khách được thưởng thức đờn ca tài tử, đặc sản miệt vườn. Đặc biệt, du khách có thể nghỉ qua đêm tại hai phòng ngủ của gia đình ông Cai Cường để tường tận thêm về nếp sống một đại địa chủ “miệt vườn” Nam Bộ.