Nhà cổ hơn trăm năm tuổi ở miền Tây

05/05/2018 15:39

Theo dõi trên

Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ năm 1890. Với nhiều họa tiết, điêu khắc bằng gỗ được xem là có một không hai ở miền Tây.



Nhà cổ Huỳnh phủ 128 năm tuổi - Ảnh: Vietnamnet.vn

Đến nhà cổ Huỳnh Phủ, du khách như lạc vào một “biệt phủ” xưa để ngắm nhìn những hoạt tiết, nghệ thuật điêu khắc gỗ tài hoa của ông cha ta thời trước. Người sở hữu ngôi nhà cổ độc đáo đáo này là ông Huỳnh Ngọc Thu, 58 tuổi (cháu đời thứ 6 của ông Huỳnh Ngọc Khiêm (còn gọi Hương Liêm (1843 - 1927) - người đã làm nên công trình kiến trúc điêu khắc gỗ rất độc đáo này).

Nhà có 48 cây cột tròn, lớn, hoàn toàn bằng gỗ lim và căm xe. Bước vào trong, khách tham quan sẽ bị choáng ngợp bởi hình ảnh những bức chạm khắc vô cùng tinh tế và công phu.




Mái nhà được lợp ngói cổ có nơi lấy ánh sáng tự nhiên - Ảnh: Dân Trí




Cửa gỗ bên ngoài cũng làm rất cầu kỳ - Ảnh: Báo Dân Trí.

Nhiều hình thù rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày như cua, cá, tôm, kì lân, phụng được thể hiện rất tỉ mỉ. Tất cả như một bức tranh dân gian sống động mang rõ nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Vào sâu hơn, nơi đây là không gian thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên được đặt trang trọng giữa nhà. Đây được xem là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc. Tất cả những phiến gỗ bàn thờ đều được chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng. Bộ liễn ốp cột cẩn ốc xà cừ là một tác phẩm độc đáo trong ngôi nhà.

Các công trình phụ gồm có bảy gian. Tất cả dùng để chứa lúa, nơi ở của thợ và nhà bếp. Kết cấu của những gian nhà này không được kiên cố bằng nhà chính nên đã nhanh chóng xuống cấp.

Nhìn các công trình chạm khắc gỗ dày đặc và tỉ mỉ ở nội thất ngôi nhà, chúng ta thấy thời gian xây dựng kéo dài là hoàn toàn hợp lý khi mà ở thời điểm đó toàn bộ các công việc từ cưa, xẻ gỗ đến tiện, đục, bào, chạm đều được làm bằng thủ công.

Đây là một ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp thuộc dạng hiếm hoi của tỉnh Bến Tre. Nội thất ngôi nhà trang trí các bức hoành phi sơn son thếp vàng, liễn áp cột cẩn ốc xà cừ, các hoa văn chạm khắc gỗ thể hiện các đề tài như bát bửu, tứ linh, tứ quí, sen hạc, tùng lộc, bách điểu, Nhị Thập Tứ Hiếu,… Công trình ngoài nội dung  trang trí còn mang ý nghĩa cầu mong đa phúc, đa lộc, an khang, thịnh vượng cho gia chủ.

Nhà cổ Huỳnh Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 1251/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2011.

Hiện tại, ngôi nhà cổ độc đáo này nằm ở vùng sâu của huyện ven biển Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) nhưng mỗi ngày cũng có vài chục khách du lịch thích khám phá đến tham quan. Đến ngôi nhà cổ này, gia chủ sẽ hướng dẫn tận tình nhưng phí thì “ai cho bao nhiêu tùy thích” nên du khách không chỉ thích kiến trúc độc đáo mà còn cả cung cách phục vụ nhiệt tình bởi lớp hậu duệ của gia tộc danh giá này.


P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Nhà cổ hơn trăm năm tuổi ở miền Tây" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.