Nhà cổ Bình Thủy - Cần Thơ và những giai thoại bí ẩn

09/12/2017 23:34

Theo dõi trên

Nằm ở phía Tây Nam vàm sông Cần Thơ, có nhiều con rạch lớn nhỏ, nước ngọt phù sa quanh năm tươi mát, vùng đất Bình Thủy - Long Tuyền đã lôi cuốn ngày càng nhiều cư dân đến đây sinh sống, lập nghiệp và để lại cho đời sau những dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc khá nổi tiếng, trong đó tiêu biểu nhất là Nhà thờ họ Dương.

Gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam Bộ khoảng cuối thể kỷ 18, tính đến nay đã trải qua 6 thế hệ. Ông Dương Văn Vị (thế hệ thứ 3) là người quyết định chọn vùng đất gần vàm rạch Bình Thủy làm nơi xây dựng cơ nghiệp.
 

Ngôi nhà được ông Dương Văn Vị xây dựng lần đầu tiên bằng gỗ, lợp ngói vào năm 1870 để thờ tổ tiên, sau thời gian sử dụng trên 30 năm ông đã cho thiết kế xây dựng lại.
 
Năm 1904, sau khi ông mất, con trai út là Dương Chấn Kỷ (một điền chủ giầu có) đã tiếp tục công việc này đến khoảng năm 1911 mới hoàn thiện. Công trình có hình khối kiến trúc độc đáo vừa mang nét cổ kính, trang nghiêm, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã. Đây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn ở Bình Thủy (Cần Thơ) nên người dân thường gọi là nhà cổ Bình Thủy.
 

Ngoài ra, vào những năm 1980, hậu duệ đời thứ 5 là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, ông đã sưu tầm nhiều giống lan quý, tổ chức chơi lan, từ đó tên gọi “Vườn lan Bình Thủy” ra đời và tồn tại đến nay.
 

Có một giai thoại về việc kí kết hợp đồng làm nhà giữa ông Dương Chấn Kỷ với thầy Ba Nghĩa (người thiết kế, cải tạo lại ngôi nhà) như sau: Hồi đó ở xứ này có một ông thầy tên Ba Nghĩa- nhưng dân quanh vùng quen gọi là ông Lỗ Ban- cất nhà đẹp lắm. Điều đáng nói là ông ta hơi dị hình, dị tướng. Ông chỉ cao độ một thước lẻ mấy phân, xương sống thì cong vòng khiến dáng dấp nhìn nghiêng cứ như một dấu hỏi.
 
Tư niên mãn mùa, ông ở trần vận độc một cái quần ngắn bằng lãnh đen, trên đầu chít một chiếc khăn điều đỏ chót. Hai món vật bất li thân của ông thầy Lỗ Ban này là một cái nẻ mực và một chiếc rìu. Chỉ với hai bảo bối đó, ông đã đẽo không biết bao nhiêu cây cột lim tròn vành vạnh.
 

Nhưng với gia tộc họ Dương, ông Dương Chấn Kỷ đưa ra điều kiện khá ngặt: “Thầy cất nhà cho tôi đẹp rực rỡ hơn người thì khỏi nói nhưng cốt sao khi cất xong tôi phải giàu lên mới được”. Ông thầy Ba nghĩ ngợi rồi bảo: “Ngặt nỗi cái nghề này, gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt”. Ông Chấn Kỷ phẩy tay rồi nói: “Đừng lo. Tôi đảm bảo với thầy, mỗi tháng tôi sẽ chu cấp cho thầy một đấu gạo với ba cắc bạc cho đến mãn đời”.
 

Thực hư cái hợp đồng xây dựng kì dị đó thế nào thì không biết, có điều dân quanh vùng đồn thổi rằng khi lên đòn dong, ông thầy Lỗ Ban có ếm bùa, bỏ ngãi nên ông Dương Chấn Kỷ mới giàu đến vậy.
 

Nhà thờ họ Dương là một công trình nằm trong quần thể kiến trúc được phân bố khá đậm đặc dọc sông Bình Thủy- làng Long Tuyền xưa. Ngôi nhà tọa lạc trên diện tích khoảng 6.000m2 theo hướng Đông Tây. Nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn. Không gian gồm: Nhà trước (5 gian), dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung.
 
Ngăn cách nhà trước, nhà sau, nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người dân Việt ở Nam Bộ.
 

Tuy kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông-Tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân.
 
Tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữa cốt cách dân tộc, làm cho bộ mặt văn hóa của vùng đất ngày ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Chính sự tiếp thu, vận dụng tài tình, hợp lý đã làm cho công trình có một phong cách riêng, thể hiện rõ nét lối kiến trúc giao thời giữa hai thế kỷ 19-20 của tầng lớp dân giầu có ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng.
 



Nét độc đáo của nhà cổ Bình Thủy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm bối cảnh phim. Trong đó có đạo diễn gạo cội Jean Jacques Annaud với bộ phim “Người tình” với sự góp mặt của hai diễn viên nổi tiếng Lương Gia Huy và Jane March. Khi từ giã đất Cần Thơ về Pháp, J.J. Annaud thú nhận: “Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây.

Với những giá trị đặc biệt, năm 2009, Nhà thờ họ Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
 
Xuân Thanh
(Pháp luật & Xã hội)

Bạn đang đọc bài viết "Nhà cổ Bình Thủy - Cần Thơ và những giai thoại bí ẩn" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.