Nguyễn Thị Bình - Nhà ngoại giao hàng đầu

10/05/2018 23:55

Theo dõi trên

Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, ròng rã 4 năm, từ năm 1968 đến năm 1973 mới kết thúc. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó có duy nhất một nữ trưởng đoàn - Bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927, tại tỉnh Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp. Nguyên quán thân phụ bà, ông Nguyễn Đồng Hợi lại ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông nội bà là Nghĩa binh trong phong trào Cần Vương. Ông ngoại là nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng Phan Chu Trinh.
 


Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu

Lúc nhỏ, bà Nguyễn Thị Bình theo học tại Trường Lyce’e Sisowath (tại Phnôm Pênh Campuchia). Bà học rất khá, nhất là môn Toán. Nhưng thân mẫu bà mất sớm, khi bà mới 16 tuổi, là chị cả của đàn em 5 đứa, cả trai lẫn gái. Có lẽ chính hoàn cảnh ấy đã tạo cho bà ngay từ nhỏ tính cách nổi bật, quán xuyến, đi suốt cuộc đời bà và giúp bà thành công.
 
Năm 1945, vừa học hết Tú tài phần một, bà bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước, như: cứu tế nạn đói, tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn, chuyển vũ khí ra chiến khu,… Cha ra chiến khu trong kháng chiến, bà ở lại thành phố, vừa chăm lo cho các em, vừa hoạt động xã hội, tham gia các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên, phụ nữ , vận động trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn ủng hộ cách mạng. Tâm sự về bước ngoặt đưa mình đến con đường hoạt động chính trị, bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “ Mẹ tôi mất sớm, ba tôi nói rằng: Con cố gắng học vì bản thân con có tới 5 em cần con giúp đỡ. Nếu con học tốt, con có vị trí trong xã hội, nếu ba đi rồi con có thể lo được cho các em”. Ngày đó, tôi có ước mơ làm bác sĩ vì tôi thấy mẹ tôi ốm, mời bác sĩ khó khăn lắm, lúc mời được, lúc không. Tôi nghĩ người ốm cần phải có bác sĩ tốt. Cho nên, tôi dự định học trở thành bác sĩ. Đến năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra thì tất cả đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến. Cũng vì nhờ trình độ về văn hóa nhất định (hết tú tài) nên đi vào kháng chiến tôi có ý thức học những điều mình chưa biết như về cách mạng, về duy vật biện chứng... nhờ vậy trình độ chính trị được nâng cao. Năm 20 tuổi tôi đã là Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ cứu quốc của TP Sài Gòn – Chợ Lớn. Lúc đó, phong trào Phụ nữ cứu quốc hoạt động rất mạnh nhưng trong bí mật, sau đó tôi làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ”.
 
Năm 1948, bà Nguyễn Thị Bình được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, bà bị địch bắt, chúng giam bà tại khám Chí Hòa. Năm 1954, vừa được ra tù, bà tham gia phong trào đòi thi hành Hiệp định Giơ ne vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuối năm 1955, bà được tổ chức điều ra miền Bắc.
 
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Là người có trình độ tiếng Pháp tốt, đã tham gia các hoạt động yêu nước, có kinh nghiệm vận động, tuyên truyền nhân dân, truyền thống gia đình yêu nước, bà Nguyễn Thị Bình đã được Đảng cử tham gia Ủy viên Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam hoạt động đối ngoại.
 
Sau thắng lợi của quân và dân ta trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hóa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris. Giữa năm 1968, bà được tổ chức cử tham gia trận địa mới “vừa đánh vừa đàm”. Đây là trách nhiệm hết sức nặng nề. Theo ý kiến của đồng chí Xuân Thủy, được Bác Hồ đồng ý, bà Nguyễn Thị Bình được chọn làm Trưởng đoàn trù bị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đi dự Hội nghị bốn bên tại Paris và sau đó làm Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhiều năm sau, nhớ lại bước ngoặt công tác này, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Vì tôi vừa có trình độ văn hóa nhất định và biết tiếng Pháp, tiếng Anh lúc đó còn bập bẹ. Nhờ tiếng Pháp đó mà tôi rất thuận lợi trong công việc. Lúc bấy giờ, cách mạng cần một người có bản lĩnh chính trị, có trình độ văn hóa, ngoại ngữ để làm đối ngoại và tôi đã được lựa chọn đi làm trưởng đoàn đàm phán của Hội nghị Paris. Không lâu sau, tôi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khi ấy còn trẻ mới 41 tuổi, nhưng lúc đó do yêu cầu công việc. Tuy còn trẻ nhưng tôi tự tin mình có thể làm được. Thực tế, ngay bản thân tôi luôn có ý thức học tập và đặt nhiệm vụ: hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua”. Bà cũng nhận định “Trong cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa một dân tộc nhỏ chống một đế quốc lớn mà dẫn đầu phái đoàn đàm phán là một nữ đại biểu thì vừa gây sự chú ý, vừa tranh thủ được thiện cảm của dư luận thế giới, tạo thêm thuận lợi cho hoạt động đối ngoại”. Việc được cử làm Trưởng đoàn, bà viết “Tôi bước vào nghề ngoại giao bằng hoạt động thực tiễn do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, chứ không có điều kiện được học tập tại các trường lớp quan hệ quốc tế nào. Nhưng tôi có may mắn được gặp anh Xuân Thủy mà tôi coi như một người thầy trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại của mình. Tôi nhớ mãi lời anh nhắc nhở như một chân lý: “Làm ngoại giao không cần đao to búa lớn, mà cần sự thuyết phục bằng lý lẽ, bằng tình cảm và bằng thực tế”.
 
Trong Nhật ký của đồng chí Xuân Thủy viết về ngày đầu tiên bà Nguyễn Thị Bình tới Paris: “Ngày 4/11/1968. Đoàn chị Nguyễn Thị Bình đến Paris. 11 giờ 30, máy bay dân dụng Liên Xô đưa đoàn chị Nguyễn Thị B ình đến sân bay Bourget. Đoàn gồm 6 người (2 nữ, 4 nam). Chị Nguyễn Thị Bình nhanh nhẹn, tươi cười từ máy bay bước xuống…Khi ra xe, người bao vây đông đặc làm cho chị Bình không thể nào bắt tay chào những người ra đón. Hôm nay, có các vị đại sứ Liên Xô, Ba Lan, Bungari, Hung ga ri, Tiệp khắc, CHDC Đức, Rumani, An giê ri; đại diện thương mại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Pháp; đại diện các tổ chức như Hội hữu nghị Pháp – Việt, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Hòa bình Pháp… Ngay sau đó, ta thu lượm dư luận trong giới báo chí và người Pháp cảm tình với ta. Theo nữ nhà báo Madeleine Riffaud, thiên hạ nhận xét: Việt cộng đã thắng lợi lớn qua sự đón tiếp bà Bình ở Paris. Bà Bình như bà hoàng, được đón như quốc trưởng, đủ nghi thức chính qui. Bà Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris. Rất tuyệt! Thật hiếm có”.
 
Và thế là, suốt hơn 4 năm ròng rã, từ năm 1968 đến 1973, cứ vào thứ Năm hàng tuần, người dân Paris, bà con Việt kiều ở Paris lại chứng kiến “Madam Bình” (cách họ quen dùng để gọi bà) với phong thái lịch lãm, sang trọng, trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam, bên ngoài khoác áo vét, có khi là áo có cổ lông sẫm màu, tới Nhà Hội nghị Quốc tế ở phố Klêbe để bà tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn. Trong thời gian này, bà tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đi các nước châu Á, châu Âu, châu Phi,… tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nước cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và chuẩn bị thông tin, các đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho những cuộc đàm phán mới. Những năm tháng đàm phán, hình ảnh “Madam Bình” thật sự gây ấn tượng khi xuất hiện trên các trang báo phương Tây, bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc cứng rắn, khi dí dỏm ví von, làm thế giới nể trọng, nhân dân ta nức lòng. Bà là một đại diện tiêu biểu cho đội quân tóc dài, cho phong trào phụ nữ Việt Nam “Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Cùng với chiến trường, bà góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi của cuộc “đấu trí” lớn chống kẻ thù xâm lược và bán nước. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Nhiều năm sau, nhớ lại sự kiện này, bà Nguyễn Thị Bình viết: “Tôi nghĩ, không biết trong điều kiện bình thường tôi có may mắn đó không (làm các nhiệm vụ quan trọng – NMS) nhưng thực tế, tôi có may mắn và thực sự tôi có năng lực nhất định để đảm đương nhiệm vụ. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khá nặng nề nhưng rất vinh quang ở Hội nghị Paris”.
 
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Hội nghị Paris, bà Nguyễn Thị Bình tiếp tục đảm trách nhiệm vụ Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam và là Bí thư Ban cán sự CP 72. CP 72 đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống địch vi phạm Hiệp định Paris, lãnh đạo hơn 20 sứ quán ở nước ngoài, tiếp đón, nhận trình quốc thư của nhiều đại sứ và đón khách quốc tế vào thăm vùng giải phóng của Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại Quảng Trị.
 
Đất nước thống nhất, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra đời. Năm 1976, bà Nguyễn Thị Bình được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD của nước Việt Nam thống nhất. Từ là nhà hoạt động ngoại giao nổi tiếng, giờ đây chuyển sang làm giáo dục, theo bà Nguyễn Thị Bình tâm sự sau này, thì đó là cái “duyên”. Song, đó cũng là điều hợp lý: “Trước đây, khi hoạt động ở Sài Gòn – Chợ Lớn tôi cũng có đi dạy học. Mặc dù không học sư phạm nhưng do học giỏi Toán nên tôi chuyên về dạy môn Toán, đi kèm cặp học sinh mà bây giờ gọi là “gia sư”. Sau khi làm ngoại giao về nước, các đồng chí bảo tôi làm Bộ trưởng Bộ GD. Lúc đó, các đồng chí nói: “Cô đã đi làm cô giáo rồi cho nên làm giáo dục chắc được”. Giai đoạn đó làm giáo dục quan trọng lắm. Tôi cũng lo, nhưng các đồng chí thuyết phục, tín nhiệm thì tôi cố gắng làm. Khi về làm Bộ GD, người ta nói ở Bộ này có nhiều cây đa, cây đề, nhiều giáo sư, trong khi đó tôi không phải là giáo sư. Tôi nghĩ rằng, mình có bản lĩnh của mình và xác định quan điểm làm việc rõ ràng: “Tôi sẽ lắng nghe tất cả các đồng chí sau đó tôi sẽ quyết định, tôi mong các đồng chí ủng hộ”. Trong thời gian 10 năm tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục được sự ủng hộ anh em trong cơ quan nên 10 năm tôi có sự đóng góp nhất định”. Suốt 11 năm (từ 1976 đến 1987), điều hành cả bộ máy giáo dục chuyển động đi lên cùng kinh tế – xã hội đất nước, vấn đề con người luôn là mối quan tâm, trăn trở thu hút tâm trí của bà và các đồng sự. Cũng chính giai đoạn này, với sự tham mưu của bà, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ghi nhận và khẳng định vị thế nhà giáo. Đó là cải tiến thang lương, tính thâm niên cho giáo viên, thực hiện chính sách đề bạt cán bộ nữ, tôn vinh Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôn vinh các danh hiện NGND, NDUT, ghi nhận sự cống hiến thầm lặng của hàng vạn, hàng nghìn nhà giáo có danh và vô danh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã ghi “Dấu ấn giáo dục Nguyễn Thị Bình” để lại cuối cùng và sâu thẳm là tình yêu thương với con người, vì con người. Đó cũng là lý do vì sao ngành giáo dục đã để lại nơi Bà một dấu ấn sâu đậm. Ai cũng cảm nhận được điều đó, kể cả khi Bà trở về với trọng trách ngoại giao sau đó khi được Quốc hội phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, rồi Phó Trưởng ban Đối ngoại TƯ Đảng (1987-1992), Ủy viên BCHTƯ Đảng (khóa V, tháng 3/1991). Bà là một trong không nhiều người có thời gian là Đại biểu Quốc hội lâu, 26 năm, từ Khóa VI đến Khóa X (1976 – 2002).
 
Năm 1992, đã vào tuổi 65, biết là đã quá cái tuổi nghỉ hưu theo qui định, bà Nguyễn Thị Bình sung sướng chuẩn bị cùng gia đình về TP Hồ Chí Minh để nghỉ sau 36 năm xa miền Nam sống ở Hà Nội. Nhưng rồi....“Đầu năm 1992, đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng đến thăm tôi. Đồng chí cho biết các đồng chí trong Bộ Chính trị dự định tôi làm Phó Chủ tịch nước trong kỳ Quốc hội tới. Thật bất ngờ đối với tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là từ chối vì lúc đó tôi cũng đã 65 tuổi, quá tuổi nghỉ hưu theo quy định chung, hơn nữa tôi đã có kế hoạch về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cảm ơn đồng chí Đỗ Mười và trả lời: “Rất tiếc là khi tôi còn trẻ, có thể cống hiến nhiều, các đồng chí đã đánh giá chưa đúng về tôi...Nay đã đến lúc tôi phải nghỉ”. Thực sự tôi không cố tình nhưng tự nhiên đã bộc lộ tâm tư bấy lâu nay của mình. Nhưng rồi tôi tự nghĩ: Mình có làm gì là vì đất nước, không phải vì mục đích nào khác. Cuối cùng tôi đồng ý nhận nhiệm vụ mới tiếp tục công tác”. Năm 1992, tại kỳ họp Quốc hội Khóa IX, bà Nguyễn Thị Bình được bầu làm Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bà giữ chức vụ này liên tục trong 10 năm, trong hai nhiệm kỳ. Trong thời gian làm Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Bà đã hoàn thành tốt cương vị chủ trì thắng lợi Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội gồm đại biểu đông đủ của 55 nước thành viên, phần lớn do Tổng thống hay Thủ tướng dẫn đầu. Bà luôn có ý thức quan tâm đến các vấn đề văn hóa – xã hội, đặc biệt là sự tiến bộ của phụ nữ. Theo bà, muốn tiến bộ, phụ nữ phải có tinh thần tiến thủ: “Phụ nữ không tiến bộ chính là bản thân phụ nữ chưa có tinh thần tiến thủ. Hiện có một số phụ nữ thành đạt do họ có tinh thần tiến thủ. Theo tôi, trước hết phải có trình độ về mặt văn hóa, kiến thức cơ bản nhưng phải có trình độ nghề nghiệp. Hiện nay, trình độ văn hóa chung không có ý nghĩa gì mà phải có nghề nghiệp thực sự đóng góp cho xã hội. Tất cả đòi hỏi bản lĩnh của người phụ nữ cần phải phấn đấu để có vị trí trong gia đình, trong xã hội như thế nào. Tuy nhiên, phụ nữ trong mọi trường hợp không thể không làm nhiệm vụ làm mẹ. Làm sao để vấn đề này không là gánh nặng mà nó hài hòa trong cuộc sống của mình. Như vậy, phụ nữ vừa có hạnh phúc, vừa có công danh”.
 
Tháng 7/2002, bà kết thúc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước thứ hai nhẹ nhàng và thoải mái, cảm thấy mình đã cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ được phân công. Trước đó, bà đã vinh dự nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Nghỉ hưu, nhưng bà vẫn canh cánh nỗi lo âu nhiều vấn đề phức tạp của xã hội. Đó là đất nước ta đã có những phát triển có thể xem là tính chất bước ngoặt, đặc biệt về kinh tế. Tuy nhiên, cũng rõ ràng là mặt văn hóa xã hội đã không cùng nhịp bước đồng bộ. Vấn đề giáo dục có một vai trò cơ bản, quan trọng, nhưng chúng ta đã chậm bước, cách quá xa so với yêu cầu của nhiệm vụ, thật sự đã trở nên lạc hậu nghiêm trọng. Bà nguyện với mình “chừng nào còn chút sức lực, dù không còn làm việc trực tiếp ở trong bộ máy Nhà nước, bà cũng nguyện sẽ dồn hết cố gắng của mình vào lĩnh vực quan trọng và có ý nghĩa quyết định này”.
 
Sau 50 năm hoạt động liên tục, những tưởng đã đến lúc được nghỉ ngơi, lo việc gia đình, đi chơi với bạn bè, nhưng.... người ta thấy bà vẫn bận rộn. Bà tham gia làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Kovaleskaia, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Tháng 4/2003, bà cùng một số đồng chí đứng ra thành lập Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới. Ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ra mắt, do đồng chí Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp làm Chủ tịch, bà Nguyễn Thị Bình được mời làm Chủ tịch danh dự của Hội. Bà xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, hội thảo quốc tế, vẫn phát biểu sôi nổi về hòa bình, phát triển về giáo dục, vì những bé thơ bất hạnh, vì quyền bình đẳng của phụ nữ; Bà vẫn viết sách, báo và góp ý cho Chính phủ về chiến lược giáo dục, đào tạo con người. Trong bao nhiêu công việc bận rộn mà không thể từ nan đó, bà đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo. Từ trải nghiệm về sự nghiệp của mình, bà khẳng định: “Phải có trình độ giáo dục nhất định thì mới làm được nhiệm vụ. So với các đồng chí lúc đó thì tôi được học nhiều nhưng so với thời điểm bây giờ phải nói các chị em học hơn tôi rất nhiều. Trình độ văn hóa hết sức quan trọng nhưng cũng còn cần ý chí phấn đấu để đóng góp cho đất nước một cách xứng đáng hơn. Với ý thức như vậy, nên tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong tất cả các nhiệm vụ được giao. Năm nay tôi 85 tuổi, tiếp tục nghiên cứu đề tài giáo dục”. Theo bà Nguyễn Thị Bình, giáo dục là chìa khóa quan trọng nhất của phát triển. Với danh nghĩa của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, bà đã chủ trì đề tài nghiên cứu về cải cách giáo dục, và cùng anh em tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về giáo dục với mong muốn đóng góp vào sự nghiệp lớn này.
 
 
Đúng sinh nhật 85 tuổi (26/5/2012), bà Nguyễn Thị Bình đã cho xuất bản cuốn Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước (Nxb Tri thức). Trong cuốn tự truyện này, bà “ chỉ viết về những sự kiện đánh dấu sự thay đổi trong cuộc sống của tôi. Tôi cũng có mong muốn nói lên suy nghĩ, suy tư, cảm xúc mạnh mẽ của thế hệ thanh niên thời chúng tôi trong giai đoạn cách mạng – thời kỳ đẹp đẽ nhất”. Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Cầm cuốn sách mọi người có tâm lý tò mò chờ đợi chuyện ly kỳ ở Hội nghị Paris – cuộc hội đàm dài nhất lịch sử ngoại giao. Nếu chờ đợi theo góc này chắc không được thỏa mãn hoàn toàn. Nhưng có một sự ly kỳ khác, có thể sâu sắc hơn về một con người, con đường và nguồn gốc tạo nên sức mạnh của người phụ nữ nhỏ nhắn và khiêm nhường này”. Qua hồi ký của bà Nguyexn Thị Bình, ta có thể nhận ra ở bà sự kết hợp đặc biệt giữa bình dân – tinh hoa, giản dị – sang trọng, mềm mại – kiên định. Người có sức trẻ tâm hồn và trí tuệ, do kết hợp kiên định và dám chấp nhận thay đổi, tiếp nhận cái mới. Khi được hỏi tác giả liệu có điều gì nuối tiếc suốt thời trẻ, bà Nguyễn Thị Bình nói: “Nếu mình là người tự trọng, thì luôn phải biết tự phê bình. Có những điều đáng làm tốt hơn, nhưng trình độ hạn chế hoặc hoàn cảnh không thể làm tốt hơn. Cho nên nếu nói trong cuộc đời không có gì nuối tiếc thì không phải, nhưng chưa đến mức phải ân hận”. Bà tự phê bình “Giá mà trong thời kỳ đàm phán ở Paris, tiếng Anh của tôi cũng tốt như tiếng Pháp, thì với vị trí khi đó, tôi có thể làm được nhiều điều hơn. Thời kỳ sau này làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, có nhiều khuyết điểm hiện nay có từ thời chúng tôi. Khi ấy tôi chưa làm được tốt không phải vì không muốn, mà do trình độ có hạn, sự chỉ đạo chưa đầy đủ”. Trong cuốn Hồi ký, khi nói về cuộc sống tình cảm riêng, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định “Tôi là người hạnh phúc”, vì “đã lấy được người mình yêu”. Đó là Đại tá QĐND Việt Nam Đinh Khang. Ông bà gặp nhau năm 1944, nhưng phải 11 năm sau (năm 1955), hai người mới có điều kiện tổ chức lễ cưới. Ông bà có hai con, một trai, một gái đều đã thành đạt. “Tôi là người hạnh phúc” - đó là bà khiêm tốn chỉ nói về tình cảm riêng của mình. Thực ra, hạnh phúc của bà lớn lao hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Bình được lòng dân yêu mến, kính trọng của gia đình, người thân, toàn Đảng, toàn dân, bạn bề trong nước và quốc tế. Nhà văn Nguyên Ngọc thật đúng khi nói về bà Nguyễn Thị Bình: “Có thể nói mà không sợ quá, rằng có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới... Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin...”.
 
Nguyễn Thuỳ Linh

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Thị Bình - Nhà ngoại giao hàng đầu" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.