Người Việt tiếp nhận các vị thần phương Nam

22/03/2021 15:31

Theo dõi trên

Trong đời sống tín ngưỡng làng xã người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ, thành hoàng đầy uy quyền và được khắc họa ngày càng rõ nét bởi chủ trương cá thể hoá, cụ thể hóa bằng các nhân vật lịch sử, tận từ thời Hùng Vương, cho đến Bà Trưng, Bà Triệu... của các triều đại phong kiến, đặc biệt là dưới thời Lê, cho đến thời Nguyễn.

Ở đó, hiện diện một cách phổ quát khắp nơi, chủ yếu, chính là những nam thần, làm nên hình ảnh điển hình của một Ông Thành hoàng làng Việt nơi đây.

Tuy nhiên, trên hành trình đi về phương Nam, người Việt đã phải tiếp xúc với một xứ sở mà về đại thể, có thể bắt gặp nhiều yếu tố văn hóa không tương đồng, bởi trên khắp lãnh thổ của các tiểu quốc thuộc vương quốc Champa, Bà Mẹ Xứ Sở PohIư Nagar có mặt mọi nơi. Điều gì sẽ xảy ra khi Ông Thành hoàng và Bà Mẹ Xứ Sở gặp nhau? Sẽ là một cú sốc văn hóa cực lớn nếu người Việt không có sự chuẩn bị để tiếp xúc, chuyền hóa, và dần dần làm nên dấu ấn văn hóa miền Trung đặc trưng. Đến miền Trung, người Việt đã tích hợp, chuyển hóa một cách phù hợp, tài tình hình ảnh Ông và Bà, xóa nhòa lằn ranh bất tương đồng có nguy cơ gây sốc rất lớn khi dung hợp hai yếu tố chính yếu là Bổn thổ Thành hoàng đầy phiếm xưng, là phông nền căn bản cho việc hình thành, nâng cấp tín ngưỡng Khai canh Khai khẩn và văn hóa dòng họ đặc trưng trong đời sống văn hóa làng Việt miền Trung.
 
Quá trình chuẩn bị đó diễn ra từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, đồng thời từ cả làng xã lẫn nhà nước phong kiến mà trước tiên, chúng tôi muốn đề cập đến sự tiếp xúc, chuyển hóa các vị nữ thần phương Nam của người Việt.
 
Đi về phương Nam là một nét đại cương trong lịch sử Việt Nam bởi suy cho cùng, đó cũng chính là sinh lộ độc đạo một khi từ châu thổ Bắc Bộ, người Việt không thể đi về phía đông, phía bắc và phía tây được nữa. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh đó, ở một môi trường tự nhiên lẫn xã hội hoàn toàn khác lạ, người Việt gặp ai và có thể ứng xử như thế nào cho phù hợp, thích ứng để tồn tại và quan trọng hơn, tác động tích cực trở lại cho quá trình đi về phương nam đó được diễn ra thuận lợi, mạnh mẽ hơn.
 
Xem xét vấn đề trong bối cảnh lịch sử đất nước, mở rộng ra là cả khu vực, thì rõ ràng, Việt Nam là một vùng đệm có tính bản lề nối kết Đông Á và Đông Nam Á, và cụ thể hơn, miền Trung - hẹp hơn là vùng đất nằm giữa Hoành Sơn và Hải Vân Sơn - chính là cái bản lề trong vùng đệm ấy. Vượt qua Hoành Sơn, người Việt với lớp áo Hán hóa sâu dày, đã phải tiếp xúc với vô vàn những biểu hiện đầy lạ lẫm trong đời sống văn hóa, để rồi từng bước tiếp thu, chuyển hóa.
 
Victor Goloubew trong Lời tựa cho Dẫn nhập nghiên cứu Annam và Champa (1934) đã mô tả miền Trung là một dải đất hẹp, nối liền hai châu thổ Bắc bộ và Nam bộ: “Dải đất hẹp này hình như cứ xô ra biển, có vô số dòng sông rạch ngang dải đất này,... là xứ có nhiều bãi cát trắng và nhiều vách đá tầng bậc, đây là xứ sở của truyện cổ tích và vô số vị thần linh huyền bí...”. Và trong số các vị thần linh huyền bí đó, trước tiên, đáng chú ý chính là các vị nữ thần.
 
Chính sử chỉ đề cập đến những sự kiện quan trọng, nhất là trong các chiến thắng quân sự, ngoại giao. Tuy nhiên, từ mốc son lịch sử của cuộc Nam chinh năm 1069 được thực hiện bởi vua Lý Thánh Tông, Việt điện u linh tập (được biên soạn năm 1329) cũng còn cho biết hệ thống thần linh Việt được tịch nhập một vị nữ thần mới có nguồn gốc Champa.
 
 
Tháp Bà Pô Nagar, Nha Trang

Chuyện kể rằng: “Xưa kia, Lý Thành Tông nam chinh Chiêm Thành, đến cửa biển Hoàn Hải thoắt bị gió to mưa lớn, sóng cuộn ầm ầm, long thuyền dao động cơ hồ muốn chuyển; nguy cấp không ngờ, vua rất lo sợ. Giữa lúc đang bàng hoàng, vua bỗng thấy một ngưòi con gái uớc độ hai mươi tuổi, mặt tựa hoa đào, mày đậm màu dương liễu, mắt sáng như sao, miệng cười như hoa nở; nàng mặc áo trắng, quần lục, lưng mang đai, dịu dàng bước đến bạch với vua rằng: “Thiếp là tinh của đại địa Nam quốc thác cư ở làng Thuỷ Vân đã lâu lắm, xem thời mà ra nếu gặp được lúc tốt. Bây giờ gặp được Long nhan, chí nguyện bình sinh được thỏa, cúi xin bệ hạ di chuyển này hết sức mẫn cán, toàn thu hoạch thắng lợi. Thiếp tuy là bồ liễu mong manh cũng nguyền đem sức mọn mặc nhiên phù tá Bệ hạ; ngày khải hoàn, thiếp xin chực ở đây để bái yết...”. Sau đó tăng thống Huệ Lâm Sinh giải mã, cho rằng thần nói thác sinh trên cây, ở làng Thuỷ Vân nên cho người tìm thấy được một cái cây, đầu giống hình người, hình như có dấu sơn cũ như đã thấy trong mộng. Vua mới lập hiệu là Hậu Thổ Phu Nhân, đặt hương án trong ngự thuyền, “tự nhiên sóng gió êm lặng, cây cối hết lay chuyển. Không chỉ có thế mà suốt hành trình, lúc lâm trận, lại “như có Thần giúp, quả được đại thắng”. Tuy nhiên, sau ngày khải hoàn, “ngự thuyền đậu tại chỗ cũ, sắc lệnh lập đến, gió mưa lại nổi lên như xưa” nên ngay sau khi về kinh, vua phải cho lập đền thờ ở làng An Lãng, “rất có linh ứng, hễ có người nào phỉ báng nguyền rủa, lập tức mắc phải tai họa. Không chỉ có vậy, đến đời vua Lý Anh Tông, nhân trời đại hạn, quần thần xin đắp một cái đàn hình tròn ở Nam Giao để tế trời, “thỉnh Nguyên Quân làm đàn chủ”. Đến đây, thần Nguyên Quân lại tiếp tục báo mộng khi cho biết “bàn bộ có thần Câu Mang làm mưa rất giỏi” nên mới có chuyện vua cho rước thần Hậu Tắc phối thờ với trời, thần Hậu Thổ phối với đất, lập đàn ở Nam Giao mà đảo, “quả nhiên được mưa to xối xả”. Vua sắc Hậu Thổ Phu Nhân có Câu Mang Thần Quân là chủ về việc mùa xuân, từ nay về sau phàm đến lễ lập xuân, có con trâu đất phải đem về nạp ở đền thờ. Cho đến năm Trùng Hưng nguyên niên, sắc phong Hậu Thổ Địa Kỳ Nguyên Quân; 4 năm sau gia phong hai chữ Nguyên Trung; năm Hưng Long thứ 21, gia phong 4 mỹ tự Ứng Thiên Hóa Dục”.
 
Từ một giấc mơ, hóa giải mọi tai uơng giúp đoàn quân Nam chinh thắng trận trở về, tích hợp một vị thần mới với một đền thờ qui mô, linh hiển. Vị thần mới trong đời sống tín ngưỡng truyền thống Việt nên gốc gác thực sự không rõ ràng. Do vậy mà trong Việt Điện U Linh Tập, mục Tiếm bình nhấn mạnh: “Trước khi vua nhập mộng thì mé biển một gốc cây khô. Một ngày tìm đến thuyền vua mà hiệu linh, thu góp gió mưa, đuổi êm sóng cả, giúp võ công ở Lâm Áp, khởi đền thờ ở Lãng Hương, làm Hoàn Khẩu đàn chủ, làm Hậu Thổ Phu Nhân, nhưng xét đến lai lịch, chỉ xưng là Đại Địa Chi Tinh, danh tịch mịt mờ, không được rõ ràng cho lắm, sự tích rất khó hiểu. Mà sao anh linh rõ rệt, vang dội cõi trần, hễ có cầu tạnh, đảo mưa, lập tức hiệu nghiệm, thời được vua phong hưởng cũng là rất phải. Còn chiếu phụng bao phong các chữ đó thì kín đáo, duy có hai chữ Nguyên Trung không hiểu ra làm sao”.

Có ý kiến cho rằng Hậu Thổ Phu Nhân được tác giả của Việt Điện U Linh Tập xếp vào mục “hào khí anh linh”, khi đã hội nhập vào hệ thống thần linh của người Việt, với danh hiệu đầy đủ Ứng Thiên Hóa Dục Nguyên Trung Hậu Thổ Địa Kỳ Nguyên Quân. Ở đây, có thể nhận ra dấu ấn “kín đáo” qua danh hiệu Hậu Thổ Địa Kỳ Nguyên Quân khá tương khớp về ý nghĩa của Poh Inư Nagar. Còn Ứng Thiên Hóa Dục, là chữ phong tặng thêm thể hiện đức tính của Địa (Đất), được khái quát trong khái niệm “Khôn” của “Dịch” mà một cách biểu hiện đó là hình tưọng “Mẫu”.
 
Bối cảnh đó dần dần buộc người Việt phải có thể ứng xử phù hợp trên cơ sở nhấn mạnh (1) những yếu tố Việt, (2) những yếu tố phi Việt và (3) quá trình dung hòa giữa chúng. Quá trình này đã sớm diễn ra, gắn liền với lịch sử nam tiến của người Việt, mà dấu ấn từ thời Lý - Trần, đến nay vẫn còn được nhận ra, qua âm nhạc, kiến trúc..., dù rằng chưa có ý kiến nào phân tích một cách rốt ráo, cặn kẽ.
 
Sử sách ghi nhận đền Chế Thắng Phu nhân ở Hà Tĩnh là nơi thờ bà phi Nguyễn Thị Bích Châu, tự nguyện hiến sinh để cầu mong cho đợt Nam chinh năm 1377 của vua Trần Duệ Tôn thắng lợi. Sự kiện này không thấy được đề cập đến trong Toàn thư, phần nói về Trần Duệ Tôn.
 
Tương tự là Lê Lợi năm 1425 từng hiến tế bà vợ thứ ba (mẹ vua Lê Thái Tông) cho thần Phổ Hộ ở sông Lam. Sự kiện này cũng không thấy Toàn thư đề cập nhưng Lam Sơn thực lục lại nói rất rõ: Tới thành cửa sông Hưng-nguyên, chỗ ấy có đền thờ thần (tục gọi là thần Quả). Nhà-vua đêm chiêm bao thấy thần-nhân nói với Nhà-vua rằng: Xin một người vợ lẽ của Tướng-quân sẽ xin phù-hộ Tướng-quân, đánh được giặc Ngô, để gây nên nghiệp Đế. Ngày mai Nhà-vua vời các vợ lẽ đến hỏi rằng: - Ai chịu làm vợ lẽ cho Thần? Ta được Thiên-hạ sẽ truyền cho con làm Thiên-tử! Khi ấy mẹ vua Thái-tông húy là Trần Thị Ngọc Trần, quỳ xuống nói với Nhà-vua rằng: - Túc hạ giữ đúng lời giao-ước, thiếp xin chịu nhận việc ấy. Ngày sau chớ phụ con thiếp. Nhà-vua giao-ước với các quan văn, võ, y như lời ấy. Ngày 24 tháng ba, Nhà-vua giao Ngọc Trần cho thần Phổ Hộ bắt lấy, chết ngay trước mắt! Đến khi bình giặc Ngô, Nhà-vua lên ngôi, nói rằng: “Ta là chúa Bách Thần!”. Sai người động Nhân-trầm là Lê Cố đem hài-cốt về đến xã Thịnh-mỹ. Chiều đến chưa kịp qua sông, ngủ ở nơi chợ! Một đêm mối đùn thành đống đất, lấp lên huyệt thành mộ. Sứ-giả thấy điềm lạ về tâu. Nhà-vua nói: - Thần-nhân đã y lời hẹn! Liền truyền ở lại nơi ấy, lập điện Hiển-nhân để phụng thờ. Ấy là đức Cung-từ Hoàng Thái Hậu. Đền Hà Lỗ ở sông Ô Lâu vẫn tồn tại tục hiến tế người chưa xa theo ghi nhận của Ô châu cận lục...
 
Như vậy, trên hành trình đi về phương nam, tiếp xúc với những tập tục, lễ nghi xa lạ, người Việt vẫn thực hành nhưng đã mang một lớp áo Việt.
 
Sự tiếp xúc văn hóa giữa người Việt di cư miền Bắc và các cộng đồng tộc người bản địa tiền trú trên địa bàn miền Trung hiện nay diễn ra suốt một quá trình lịch sử dài lâu, mà buổi đầu, người Việt vẫn còn là thiểu số. Thuỷ thiên bản cho thấy điều đó qua nỗi lo của ông Phạm Quán: Ở đây người Chiêm Thành đông, người mình ít, sợ sau này sinh hạ con cháu, người Sở kẻ Tề nhuốm theo phong tục họ... Cứ như chỗ ngài đang ở, người mình nhiều, người Chiêm Thành ít, ngày sau họ sẽ hóa theo ta, có nên thuần phong mỹ tục. Vậy ta xin được đến đây ở nhập với ông, ông có đồng ý không?
 
Chính thức thì năm 1499, nhà Lê còn ban hành chiếu chỉ cấm người Việt kết hôn với phụ nữ bản địa: “Tháng Tám, ngày 9 (Kỷ Mùi - 1499), có chiếu rằng: Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu”. Trước đó, tháng 10 năm Giáp Dần (1374), đã có chiếu cấm quân dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, Lào.
 
Đợt di cư ồ ạt, mang dấu ấn thời đại rõ nét gắn liền với sự kiện vào Nam năm Mậu Ngọ (1558) của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng, với tâm thế xác lập một trung tâm chính trị mới trong lịch sử Việt Nam. Buổi đầu đầy khó khăn, từ một vị trấn thủ, nhu cầu QUÂN TÌNH đậm tính sách lược được đặt ra cấp thiết, đặc biệt là trong chiến cuộc đầu tiên với quân Lập Bạo năm 1570. Tín ngưỡng bản địa thờ nữ thần, thuỷ thần được tích hợp vào một cô gái áo xanh báo mộng giúp sức, mang lại chiến thắng đầu tiên cho Nguyễn Hoàng, sau đó trở thành Qua Qua Phu nhân.
 
Từ những bước dừng chân đầu tiên ở Ái Tử, trước hiện tượng người dân bản địa mang 7 chum nước đến vẩy mừng tân trấn thủ, lời giải thích của Quốc cữu Nguyễn Ư Dĩ rất có ý nghĩa: “Đấy là phúc trời cho đó. Việc trời tất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến nhà dân đem Nước dâng lên, có lẽ là điềm được Nước đó chăng”. Từ nhu cầu quân tình sau trận chiến Ái Tử, phải mất 31 năm (1601), ý thức xây dựng vùng đất mới Nam Hà mới được khẳng định khi Chúa Tiên giải quyết được vấn đề Dân Tình mang tính chiến lược: Phật giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống, trên cơ sở tích hợp tín ngưỡng bản điạ, thông qua việc tái lập chùa Thiên Mụ, từ một giai thoại, truyền tích bà trời Áo Đỏ.

Vai trò và mối quan hệ giữa làng, xã và nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề tín ngưỡng, giai đoạn này là rất quan trọng, không phải tới thời Chúa Tiên mới khai sinh chùa Thiên Mụ mà trước đó, Ô châu cận mục (1553) từng ghi nhận tầm vóc của ngôi cổ tự này. Tương tự là ngôi chùa Thiên Mụ nằm ở một ngọn đồi thuộc xã Hà Khê. Chúng tôi đã từng chứng minh sự tiệm tiến tiếp thu một di sản tín ngưỡng tâm linh bản địa của người Việt trước ngôi đền thờ Bà mẹ Xứ Sở: Từ Poh Inư Nagar trở thành Thiên Y A Na, tích hợp các yếu tố Thiên Thần, Nữ thần, Sơn thần, Thuỷ thần trong Ngọc Trản Sơn từ, nâng cấp lên thành Thánh Mẫu của Thiên Tiên Thánh giáo vào cuối thời Nguyễn. Lúc này, làng Hải Cát vốn thờ vị Bổn Thổ Thành Hoàng đầy tính phiếm xưng, đã nhanh chóng có sự tôn xưng, tịch nhập Thánh Mẫu làm Thành Hoàng thứ hai của làng.
 
Điểm đáng chú ý là trước khi Nguyễn Hoàng đến, người Việt di cư đã “Việt Hoá” vị Nữ thần Bà Mẹ Xứ Sở này bằng cách phiên âm, chuyển hoá làm cho bà trở thành bà Thiên Mụ (Poh Inư Nagar → Thiên Y A Na → Bà Mẹ Đất Trời/ Xứ Sở → Thiên Mẫu → Thiên Mụ/ dân gian).

Sự hiện diện hầu khắp tại làng xã của các vị nữ thần buộc cộng đồng Việt di cư phải có phương cách tiếp cận phù hợp, từ thái độ “kính nhi viễn chi, dần dần đến “kính như tại”.

Theo quan niệm Chămpa, Po Nagar là người tạo dựng ra trái đất và có đến 97 người chồng. Tượng bà vốn khoả thân, người Việt đã mặc quần áo cho bà theo kiểu Phật giáo.

Những điểm thiêng, nơi cứ ngụ của các Yang, trước tiên, thường được tiếp cận, cụ thể hoá thành những điểm thờ Bà, cụ thể là Bà Dàng, có khi lại được chuyển hoá theo cấp độ Hán Việt cao hơn thành Bà Dương, gắn liền với những thạch tượng, đương nhiên trở thành Bà Thái Dương, chuyển hoá một cách trọn vẹn thành Thái Dương Phu Nhân theo đúng Phẩm Trật, điển lệ Phong Kiến. Xuất lộ đầy bí hiểm từ mặt đất, hoặc từ những lùm bụi rậm rạp, danh từ /tính từ Lồi cũng được dùng để chỉ những đối tượng thờ phụng vốn xa lạ với người Việt; hoặc định danh Hời theo lối chỉ dẫn những đối tượng “Phi Việt” ở phương Nam, tựa như Nam man theo quan điểm phân biệt của một khu trung tâm, phát xuất từ chủ nghĩa Đại Hán. Điểm đặc biệt cần chú ý ở đây chính là phương thức tiếp cận rất đặc thù của từng cộng đồng làng xã, để rồi có sự định danh rất phong phú và đa dạng nhưng chung quy, đa phần đều là hiện thân của Bà Mẹ Xứ Sở.
 
Minh hoạ cho vấn đề này trên địa bàn Quảng Nam, có thể thấy rất rõ điều đó: Bà Thu Bồn ở phường Rạch (Quế Sơn), Bà Thu Bồn ở làng Thu Bồn (Duy Xuyên), Bà Phiếm Ái ở Đại Lộc, Bà Chiêm Sơn, Bô Bô Đại Vương ở Cù Lao Chàm, thần Thạch Đương ở làng Thanh Quýt, Bà Diêm Phố ở Tam Kỳ, Bà Chúa Ngọc làng Phong Thử… “Người ta thờ cúng nhiều vị nữ thần đến mức độ kỳ lạ… trong một tần số được nhấn mạnh với cái tên Bà Đá, Bà Lồi, Bà Ngọc, Bà Thái Dương”, thậm chí nhiều pho tượng, linh vật giống đực, vẫn được thờ cúng dưới danh xưng Bà Lồi.
 
Kết quả khảo sát của hội Folklore Đông Dương về đời sống văn hoá làng xã Quảng Nam những năm 1940 - 1944 cũng cho biết nhiều thông tin quan trọng: Bà Thiên Y được thờ ở làng Làng Văn Quật, làng Phú Xuân (Duy Xuyên), vị Dương Phu Nhân ở làng Lang Châu, Bà Giàng (Quế Trạch), Bà Giàng Phi (hai làng Mông Lãnh, Dưỡng Mông)…
 
Thành hoàng là một vị thần tối thượng trong đời sống làng xã người Việt vùng châu thổ Bắc bộ, nhưng rõ ràng vẫn là một vị thần thổ địa đặc thù của mỗi một vùng đất cụ thể. Người Việt di cư vào Nam, chỉ có thể mang theo lưu ảnh qua danh xưng Thành Hoàng. Trên một vùng đất đã từng có chủ với tín ngưỡng bản địa phổ biến dành cho các vị thần Xứ Sở, chuyển thành Bổn Thổ/ Bản Cảnh/ Bản Xã với yếu tố danh xưng Thành Hoàng của làng Việt, trở thành một vị thần Bổn Thổ Thành Hoàng phổ biến ở mọi làng xã nhưng đầy tính phiếm xưng, bởi không dễ gì phác hoạ nên được diện mạo, hay tính chất của thần. Nhận định của Nguyễn Từ Chi về tính chất lỏng lẻo, thiếu rõ ràng của các vị thần trong làng Việt miền Trung đặc biệt đúng trong trường hợp vị bổn thổ Thành Hoàng.
 
Thần điện làng Việt miền Trung là kết quả của cả một quá trình tích hợp, tiếp biến dài lâu mà ở đó, có sự hiện diện của các vị thần linh gốc Việt lẫn phi Việt. Trên một phông nền chung như vậy, có thể nói là những “nguyên liệu thô sơ”, người Việt đã sáng tạo, nâng cấp và cụ thể hoá ngày càng rõ ràng hơn các đối tượng thờ cúng để phục vụ cho nhu cầu đời sống tâm linh trên vùng đất mới. Yếu tố “Việt” và “phi Việt” tồn tại song hành, mà cụ thể là ở chính trong các vị nữ thần: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, rồi đến Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc, đều ở hàm Thượng đẳng thần.
 
Trên vùng đệm miền Trung Việt Nam, sự va chạm ảnh hưởng giữa hai nền văn minh Trung - Ấn, mà cụ thể là giữa hai quốc gia Đại Việt - Champa đã được chuyển hoá, dung hoà, giảm thiểu nguy cơ đụng độ mang tính xung đột, trước hết là nhờ quá trình tiếp thu ảnh hưởng, tích hợp các vị nữ thần mới phương Nam vào trong thần điện làng Việt miền Trung.
 
Ths Trần Đình Hằng

Bạn đang đọc bài viết "Người Việt tiếp nhận các vị thần phương Nam" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.