Người phụ nữ vắt sữa mình cứu sống thương binh

23/08/2017 14:38

Theo dõi trên

Ở xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) những năm chống Mỹ cứu nước có lan truyền câu thơ: “Em ra trận giữa chừng bị đạn. Mẹ chưa về, sữa chị nuôi em”. “Sữa chị nuôi em” là chuyện có thật. Đó là chuyện người chị xứ dừa vắt sữa mình cứu sống thương binh cách đây 45 năm về trước.

Có dịp ngang qua xã Hoài Châu, tôi may mắn gặp bà Võ Thị Đào (82 tuổi, hiện ở thôn Gia An, xã Hoài Châu) khi bà đang nhận lương tại trụ sở thôn Gia An. Trong lúc đang chờ nhận lương, bà kể tôi nghe câu chuyện gặp lại người thương binh mà mình từng vắt sữa cứu sống ngày trước thật xúc động.
 


Bà Võ Thị Đào (bìa trái) kể chuyện vắt sữa cứu sống thương binh.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Đào giọng vẫn cứng cáp: “Ấy là vào một ngày đầu tháng 4/2010, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức thăm lại chiến trường xưa. Khi đoàn về xã Hoài Châu, anh Lã Viết Quang lặng lẽ tìm ông Nguyễn Đức Yên (Chủ tịch UBND xã Hoài Châu) để dò la tung tích người chị cho sữa. Sau khi nghe chuyện của anh Quang, ông Yên đã âm thầm tạo sự bất ngờ. Và, chị em chúng tôi đã gặp nhau trong niềm xúc động”.

Hôm ấy, khi người mình từng cứu sống đứng trước mặt, ôm chầm lấy mình, bà Đào quá bất ngờ và như không tin vào mắt mình. Bà vội bảo ông Quang kéo ống quần bên phải lên, khi nhìn thấy vết thương nơi gót chân, bà liền bảo: “Đúng là anh rồi. Vậy là anh vẫn còn sống an lành”. 

Vậy đó, họ gặp lại nhau trong niềm vui hạnh ngộ, trước sự chứng kiến của những người từng là đồng chí đồng đội họ và những người con của mảnh đất Hoài Châu anh hùng. Rồi trước bao người, ông Quang nhắc lại: “Hồi ấy, chị vắt sữa mình rồi đưa tôi. Tôi cầm ly sữa đưa lên miệng mà nước mắt chảy ròng. Vừa uống tôi vừa nghẹn ngào nói với chị: “Em năm nay 29 tuổi. Ly sữa này của chị đã cứu sống em. Ly sữa này của chị đã sinh ra em lần hai”. Nghe những lời đó, bà Đào không sao cầm được nước mắt. Nước mắt chảy nhưng lòng bà vui, vui lắm!

Ông Nguyễn Đức Yên nhớ lại: “Lúc đó, nghe anh Quang hỏi thăm người phụ nữ vắt sữa cứu sống mình, tôi liền nghĩ ngay đến bà Đào. Sau khi tìm hiểu kỹ và chắc như đinh đóng cột, hôm sau tôi mời bà Đào lên hội trường UBND xã và giới thiệu có một thương binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng muốn tìm người đã vắt sữa cứu mình thoát chết. Bà Đào ngớ người ra, còn ông Quang thì không cầm được xúc động liền ôm chầm ân nhân”.

Được biết, thời gian này, ông Quang đến nhà thăm bà Đào và ở đây mấy ngày để chị em tâm sự. Vài tháng sau, ông Quang đặt vé tàu mời bà Đào ra Hà Nội, nơi con ông đang làm việc. Vợ chồng ông Quang từ Thanh Hóa ra, đưa bà Đào tham quan khắp Hà Nội. Sau này, con trai ông Quang, mỗi khi có dịp vào Nam đều ghé lại nhà để thăm bà Đào. 

Ngồi trò chuyện, bà Đào lục lại trí nhớ về ngày mình cứu sống ông Quang. Theo đó, vào một ngày tháng 8/1972, bà cùng 3 người phụ nữ khác ở Gia An là Nguyễn Thị Khanh, Võ Thị Lạc và Võ Thị An đi chợ Tam Quan mua lương thực tiếp tế cho bộ đội. Trên đường về đến xóm 1 thì gặp trận càn dữ dội của địch. Địch bắn như vãi đạn trên đầu. Khi đi ngang qua hầm công sự của bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng, bà Đào nghe có tiếng rên la vọng ra. Bà cùng 3 người phụ nữ kia liền ném tất tần tật rau muống, mắm, cá... mua về tiếp tế cho chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng) đang đóng quân trong làng, rồi cả 4 người cùng nhảy xuống hầm tìm đến nơi có tiếng rên la. Biết chiến sĩ của ta bị thương, mặc dù trong mưa bom bão đạn nhưng không ai sợ, mà rất bình tĩnh khôn khéo thay nhau dìu người thương binh ra khỏi hầm, rồi vượt qua khỏi làn đạn, đến một căn hầm bí mật an toàn.

Tại đây, sau khi xé áo làm ga băng bó vết thương, bà Đào thấy người chiến sĩ giải phóng đã kiệt sức vì máu ra rất nhiều, miệng khô cứng và liên tục đòi nước. Trong lúc nguy cấp, cả 4 người đều không biết tìm nước ở đâu. Lúc này, bà Đào cảm thấy bầu ngực mình căng tức vì từ sáng bị kẹt giữa trận địa không về nhà kịp cho đứa con gái út Lê Thị Ánh Tuyết, mới 4 tháng tuổi bú. Thế là trong đầu bà nghĩ đến vắt sữa mình thay nước. Nhìn trong hầm có cái ly, bà vắt nhanh dòng sữa nóng hổi vào ly rồi cho anh thương binh uống. Và như một sự thần kỳ, chính nhờ dòng sữa ấy, anh thương binh đã dần tỉnh lại.

Sau này, bà Đào mới biết người thương binh ấy là Trung đội trưởng Lã Viết Quang thuộc Tiểu đoàn 4. Hôm đó đang cùng du kích địa phương xung trận chống càn, bảo vệ xã Hoài Châu thì bị đạn pháo của địch làm bị thương. Sau đó, anh Quang được chuyển lên tuyến trên, rồi ra miền Bắc trị thương. 

Đất nước thống nhất, bà Đào sống với hai người con của mình trong căn nhà đơn sơn tại Gia An sau khi những người thân của bà lần lượt hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng rồi, tinh thần bà Đào lại suy sụp khi đứa con trai của bà mất do tai nạn giao thông ở TP.Hồ Chí Minh năm 1996. Rồi năm 2010, đứa con gái út của bà qua Pháp định cư nên ngày ngày, bà cùng những người mẹ đã đi qua một thời bom đạn bầu bạn, tâm sự với nhau. Ở đó, người mẹ từng vắt sữa mình cứu sống thương binh vẫn miên man nghĩ về những năm tháng khói lửa, nhớ chồng con, những người đồng đội đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
 
Lê Hường

Bạn đang đọc bài viết "Người phụ nữ vắt sữa mình cứu sống thương binh" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.