Yêu chiêng từ thuở còn thơ
Ông Thực năm nay đã bước sang tuổi 76, nhưng khi đàm luận chuyện cồng chiêng, ông lại minh mẫn lạ thường. Nói đến cồng chiêng, ông có thể thuyết giảng cả ngày. Có cảm tưởng, ông có thể chép lại thành nguyên một bộ sách dày về chiêng.
Những kiến thức sâu rộng về chiêng có được là do ông đã dành cảmột đời ngang dọc xứ Mường học chiêng, sưu tầm chiêng. Khi còn niên thiếu, những bạn đồng trang lứa chơi bi, đánh đáo thì ông lại theo đội văn nghệ xã đi biểu diễn để học lỏm nghề.
Ông kể, thích cồng chiêng, nên tự nhủ lòng phải học cho bằng được nghề này. Không những biết đánh mà phải đánh cho thật giỏi. “Cứ mỗi lần có đội văn nghệ đến xã diễn, tôi lại tìm cách lẻn đến nơi có chiêng, liền dùng dùi đánh “pheng” một tiếng rồi bỏ chạy. Tiếng chiêng giòn, lại đanh, nghe mà sướng cái tai. Có lần lẻn đánh trộm, khi tiếng chiêng vừa ngân lên cuốn hút lấy mình, tôi cứ đứng ngẩn ngơ, thế là bị người ta phát hiện liền túm tóc giật ngược”.
Sau này, khi tham gia đội văn nghệ xã chính thức, ông bắt đầu học chiêng từ những người trong đội. Ban đầu, chỉ làm quen với chiêng tủm, rồi chuyển sang chiêng khấm, chiêng cái. Bài chiêng đầu tiên được học là đánh “sắc bùa”. Sắc bùa có nghĩa là “đón người đến, tiễn người đi”. Đó là bài học nhập môn của văn hóa cồng chiêng Mường.
Đến tuổi thanh niên, ông Thực đã đi biểu diễn khắp bốn vùng Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Tên tuổi của ông sớm nổi như sấm. Ngoài đi biểu diễn cồng chiêng tại các lễ hội văn hóa lớn của xã, huyện, tỉnh, ông còn tham gia biểu diễn ở hội đánh cá, đi săn đoọc moong, đám cưới, đám giỗ, mừng nhà mới… Ít có một lễ hội vui, buồn nào có đội cồng chiêng mà không có mặt ông.
Bán gia tài để mua chiêng
Người Mường biết đánh chiêng có hàng vạn, hàng nghìn, nhưng người biết giữ phách cho dàn chiêng và tạo nên cái “hồn” trong tiếng chiêng đã là rất hiếm. Còn người dùng bàn tay xoa vào núm chiêng tạo ra nhạc điệu ngân vang thì trên đời hiện tôi mới biết có duy nhất ông Nguyễn Văn Thực.(NSƯT, nhà nghiên cứu văn học dân gian Bùi Chí Thanh)
Theo ông Thực, ngày trước, quê ông được gọi là làng Mường Chăm. Mường Chăm tứ bề được bao bọc bởi những cánh rừng ngút ngàn, xanh tươi vút tầm mắt. Hằng năm, mỗi lần vào phiên chợ Bờ, người dân ởkhắp các làng bên như Mường Vang, Mường Bi, Mường Thàng đều đi từ hôm trước. Đi suốt ngày đêm nhưng cũng có khi vừa đi vừa ngủ lại ởbản ông, rồi sáng sớm mới lên đường đi tiếp. Vào những đêm đó, bếp lửa được nhóm lên, trai gái nắm tay nhau nhảy vòng quay.
Buổi văn nghệ ấy có khi kéo dài cho đến tàn canh hoặc tận sáng hôm sau vàkhông bao giờ thiếu tiết mục đánh chiêng với ba bài truyền thống Đi đường đón khách (đón khách đến, đưa khách đi), Bến Dậm sang Bờ (đưa Vua quan đi chơi bến Dậm và chợ Bờ) và bài Vui hội. Âm thanh cồng, chiêng là tiếng nói của cõi lòng, là sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của người Mường.
Sau này, nhiều người vì cuộc sống mưu sinh đã phải bán chiêng. “Xót lắm chú ạ. Trông thấy cảnh ấy, tôi không cầm được lòng mình. Tôi quyết định bằng giá nào cũng phải mua lại số nhạc cụ ấy. Kẻo để nó mai một và thất truyền đi, buồn lắm”. Nói rồi ông mang cho khách xem chiếc chiêng hiếm sưu tập được.
Trông ở ngoài sù sì, nhưng khi chạm tay vào có cảm giác mịn màng. Ông vô tình mua được trong một chuyến đi Thanh Hóa. Ông lấy một ít nước thoa lên mặt chiêng. Bỗng tiếng chiêng đánh lên trở nên vang, trầm hùng, như tiếng tù và gọi quân. Ông cho biết, chỉ có những chiếc chiêng cổ mới xoa lên được tiếng như vậy.
Ông cùng một ba lô, một xe đạp lên đường, rong ruổi khắp Mường Bi, Mường Vang, Mường Đậu, rồi lên cả Mộc Châu, ngược vào vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa), để tìm cách mua lại chiêng. Bán đi rất nhiều gia tài đểcótiền mua chiêng, nhưng ông Thực luôn nghĩ, có những thứ linh hồn nặng gấp trăm lần thể xác, nặng gấp nghìn lần tiền bạc.
Sau nhiều năm lăn lội qua các bản làng, ông đã mua được 20 cái chiêng, với âm loại khác nhau. Chiêng nhiều, nhưng để có được một dàn nhạc chiêng hoàn chỉnh thì chưa đủ. Ngoài chiêng con, phải có chiêng cái. Năm 1994, lặn lội vào tận vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa), ông tìm được một chiếc chiêng cái với giá 1,8 triệu đồng. Lúc bấy giờ, số tiền này với gia đình ông là quá lớn. Năm đó, ông lại phải bán nốt hai con trâu mới gom đủ tiền để mua.
Có chiêng rồi, cốt yếu làm sao có người học. Ban đầu ông dạy các thành viên trong chính gia đình mình, các cháu nội, ngoại. Cứ mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật, hàng xóm chung quanh nghe tiếng chiêng vui nhộn tại nhà ông, mọi người cứ lần lượt kéo nhau đến xem. Lâu dần họ yêu, rồi mê tiếng chiêng, rồi nhiều người muốn học đánh chiêng, lập nên thành đội cồng chiêng, dưới sự chỉ huy của ông Thực.
Vì say mê và thấu hiểu cồng chiêng, ông sáng tạo thêm nhiều kiểu đánh chiêng mới. Nghệ sĩ ưu tú, nhà nghiên cứu văn học dân gian Bùi Chí Thanh cho biết: “Người Mường biết đánh chiêng có hàng vạn, hàng nghìn, nhưng người biết giữ phách cho dàn chiêng và tạo nên cái “hồn” trong tiếng chiêng đã là rất hiếm. Còn người dùng bàn tay xoa vào núm chiêng tạo ra nhạc điệu ngân vang thì trên đời hiện tôi mới biết có duy nhất ông Nguyễn Văn Thực”.
Năm 2011, ông Thực được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam của tỉnh Hòa Bình. Đây là phần thưởng xứng đáng với một người đã dành cảcuộc đời níu giữ một phần hồn thiêng trong văn hóa Mường.