Người mẹ Việt Nam anh hùng bên dòng Sông Phó Đáy

06/09/2017 10:12

Theo dõi trên

Mẹ Nguyễn Thị Sửu, ở thôn Đại Lợi, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt I-1994. Năm nay, mẹ tròn 105 tuổi là người cao tuổi nhất trong số Mẹ VNAH còn sống của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng ít người biết rằng gần chục năm về trước, mẹ từng bị đơn vị nhận phụng dưỡng là một Công ty ở tỉnh Phú Thọ do làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản đã “bỏ rơi”...

 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sửu 105 tuổi (ảnh trái) và người con dâu Nguyễn Thị Viết năm nay 67 tuổi

Còn nhớ vào giữa năm 2007, tôi đi cùng đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về tiếp xúc cử tri tại xã Đồng Ích (Lập Thạch), có cử tri đã phản ánh với các đại biểu là Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sửu, 95 tuổi ở thôn Đại Lữ đã bị đơn vị nhận phụng dưỡng là một Công ty ở tỉnh Phú Thọ do làm ăn thu lỗ dẫn đến phá sản đã “bỏ rơi” mẹ 6 tháng mà không có ý kiến gì, đã khiến mọi người ngỡ ngàng xót xa. Ngay sau cuộc tiếp xúc cử tri trở về Tòa soạn, tôi viết bài “Một Bà mẹ VNAH bị bỏ quên” đăng trên mục “Ý kiến cử tri” Báo Vĩnh Phúc. Sau khi báo phát hành tới bạn đọc, lãnh đạo tỉnh đã có sự chỉ đạo phải quan tâm tới mẹ. Sau đó, Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn đề nghị được nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sửu đến cuối đời. Ngày lãnh đạo Bưu điện tỉnh đến nhận phụng dưỡng mẹ Sửu, tôi cũng được mời về dự, chứng kiến niềm vui xen lẫn sự bùi ngùi trên gương mặt mẹ Sửu. Ai cũng cảm động trước tấm lòng nhân hậu của cán bộ, đoàn viên công đoàn Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc. Thế là từ nay mẹ Sửu lại thêm có những người con của ngành Bưu điện tỉnh động viên, chăm sóc.
 
Mới đây, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày TBLS, tôi gọi điện cho đồng chí Giám đốc Bưu điện tỉnh hỏi chuyện về Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sửu, người mà Bưu diện tỉnh đang nhận phụng dưỡng đến cuối đời, đồng chí Lê Đình Tuyến, Giám đốc Bưu điển tỉnh vui vẻ và muốn tôi lên nhà gặp lại mẹ. Trước khi đến nhà mẹ Sửu, tôi tìm đến Bưu điện huyện Lập Thạch (đơn vị được Bưu điện tỉnh ủy quyền chăm sóc phụng dưỡng thường xuyên), mặc dù rất bận việc, nhưng chị Đinh Thị Thu Hiền, Giám đốc Bưu điện huyện Lập Thạch vẫn rất vui vẻ tiếp chúng tôi và cho biết: Dù bận nhiều việc nhưng các anh, chị vẫn thường xuyên về thăm mẹ Sửu, nhất là những ngày lễ, Tết, toàn thể CBCNV lại về thăm mẹ. Hiện nay, mẹ vẫn khỏa mạnh và sống rất vui vẻ. Chị Hiền cho biết thêm: Xuân 2017 mẹ mừng thọ 105 tuổi, cả cơ quan chị  về chúc thọ mẹ vui lắm.
 
 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sửu vui bên con cháu.
 
Trong nắng buổi chiều, ngồi trên chiếc xe máy từ trụ sở UBND xã về thăm mẹ Sửu ở xóm Đại Lợi, dừng chân trước một căn nhà cấp 4 mới xây dựng khang trang sạch sẽ, thoáng mát đó là nhà mẹ Sửu.
 
Dù không hẹn trước, nhưng khi nghe thấy giọng người quen, một bà cụ già lọm khọm lưng còng gập đất, tay chống chiếc ghế nhựa chậm chạp ra sân đón chúng tôi, anh Thắng giới thiệu: Mẹ Sửu đó anh ạ! Dù tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, tai không còn được tinh tỏng, nhưng mẹ vẫn minh mẫn. Mẹ nhớ như in cái gia đình bé nhỏ ngày xưa của mẹ nghèo xác, nghèo xơ, suốt ngày bố mẹ đi cày thuê, cuốc mướn cho địa chủ nuôi mấy anh em mà “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”.
 
Mẹ Sửu là con út được cả nhà chiều chuộng, nhưng cô Sửu xinh đẹp, ngoan hiền chịu khó luôn chăm chỉ làm mọi việc giúp  gia đình. Năm 17 tuổi, cụ Sửu lấy chồng cùng thôn vài năm sau chống mất sớm để lại cho cụ 2 người con trai; người con lớn mẹ đặt tên là Nguyễn Hữu Kỷ để tỏ lòng tri âm, tri kỷ với người chồng; người con trai thứ hai là Nguyễn Chiến Thắng với mong muốn suốt đời anh sẽ Thắng lợi trong cuộc sống.
 
Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt, anh Kỷ viết đơn tình nguyện xung phong vào bộ đội để lại hậu phương người vợ và người con gái bé bỏng cho mẹ. Năm 1968, cuộc Tổng tiến công, nổi dậy của quân và dân ta với quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, lúc đó anh Thắng đang làm công nhân lâm nghiệp ở Cao Bằng lại tiếp tục làm đơn xung phong nhập ngũ.
 
Thế là 2 người con trai của mẹ đều ra chiến trường đến tháng 2-1969, mẹ Sửu vẫn nhận được thư của anh Kỷ gửi về trong thư viết “Con vẫn mạnh khỏe, công tác chiến đấu tốt, mẹ đừng lo nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, ngày chiến thắng con sẽ trở về...” Nhưng đến ngày 31-5-1969, chiến tranh đã cướp đi người con trai lớn của mẹ đó là anh Nguyễn Hữu Kỷ, để lại người vợ trẻ và đứa con gái bé bỏng cho mẹ.
 
Nỗi đau chưa nguôi ngoai, chưa đầy 2 năm sau  vào ngày 4- 4-1971, anh Nguyễn Chiến Thắng người con trai út mà mẹ vô cùng yêu thương lại hy sinh. Nhận giấy báo tử, mẹ ngất đi, ngất lại ốm đau triền miên. Có nỗi đau nào hơn, mẹ khóc hàng tháng ròng khiến đôi mắt mờ đi, nhờ bà con hàng xóm, chính quyền động viên mà me gắng vượt lên nỗi đau mất mát “thờ chống, nuôi cháu”. Thấu hiểu nỗi đau của mẹ, người con dâu thứ hai là đảng viên Nguyễn Thị Viết (năm nay 67 tuổi) đã không chịu đi bước nữa ở lại nuôi mẹ, nuôi con gái anh Kỷ.
 
Nén nỗi đau mất mát, mẹ dồn tình thương cho con dâu và cháu nội; động viên con cháu học tập, lao động phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa mới ấm no, hạnh phúc. Dù tuổi cao sức yếu, mẹ vẫn còn nhớ và bình tâm nói với chúng tôi: “Chiến tranh mà các con ơi; đóng góp được gì cho giải phóng đất nước là mẹ hạnh phúc lắm rồi. Mẹ không còn thằng Kỷ, thằng Thắng nhưng mẹ vẫn còn hàng trăm người con của Bưu điện tỉnh và các anh cán bộ xã vẫn thường xuyên thăm hỏi chăm sóc khi ốm đau.
 
Mẹ cho biết “Tết Đinh Dậu vừa qua, mẹ mừng thọ 106 tuổi, các con ở Bưu điện tỉnh về đông lắm không nhớ hết tên lại còn tặng quà mừng thọ chu đáo lắm”. Rồi mẹ chỉ sang bà Viết, năm nay đã 67 tuổi là vợ của liệt sỹ Nguyễn Chiến Thắng nói: “Mẹ Viết nó tốt lắm ở lại suốt đời với mẹ. Nếu không có mẹ Viết đây khi ốm đau sẽ rất vất vả”. Rồi mẹ nhìn ra xa xôi với đôi mắt đã mờ đục, dường như mẹ đang nghĩ về tương lai của người con dâu rồi đây lại “vò võ một mình” ai chăm lo khi đau ốm.
 
Không đơi lâu, mẹ Sửu quay sang chúng tôi nói: “Nếu viết đăng báo, các con nói rằng mẹ sống đầy đủ và vui vẻ nhé. Cho mẹ cảm ơn Đảng và Nhà nước và cảm ơn Bưu điện tỉnh đã chăm sóc, phụng dưỡng mẹ những năm qua. Mẹ cũng xin được gửi lời cảm ơn tới Công ty ở Phú Thọ đã nhận phụng dưỡng mẹ nhiều năm trước nhưng do làm ăn thu lỗ mà phá sản không tiếp tục không vì thế mà mẹ trách, mẹ quên đâu”-  và không quên nói về người con dâu hiếu thảo Nguyễn Thị Viết: "Ở đời, có mấy người hiếu thảo hy sinh cả đời mình cho gia đình bên chồng như bà Viết đây con ơi".
 
Chồng hy sinh nơi chiến trường, một mình bà ở lại chăm sóc mẹ từ bữa ăn đến giấc ngủ, rồi nuôi con anh trai xây dựng gia đình cho nó không quản ngại khó khăn vất vả suốt đời vì mẹ, vì cháu… 
 
Rời nhà mẹ Sửu vào cuối chiều khi nắng đã nhạt; nhìn đàn trâu thong dong về ngõ mà thấy sự bình yên đến thanh thản ở làng cổ Đại Lợi bên dòng sông Phó Đáy. Bất chợt một giọng hát từ chiếc loa truyền thanh xã vang lên giai điệu “Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng” tha thiết, ấm áp và lắng sâu- Đó là sự tri ân của thế hệ hôm nay với các mẹ người đã góp công sức cho ngày chiến thắng “Độc lập tự do hôm nay”.
 
Tôi ám ảnh mãi về hình ảnh mẹ Sửu đã hơn 106 tuổi ngồi bên người con dâu đã bước qua tuổi “Thất thập cổ lai hy”, 50 năm tuổi Đảng đang ân cần chải lại tóc cho mẹ Sửu như một bức tượng đài giữa đời thường ở trước hiên nhà nhìn ra xa xôi vẫn một niềm tin sắt son giữa đời.
 
Hồng Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Người mẹ Việt Nam anh hùng bên dòng Sông Phó Đáy" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.