
Ông Ba Thoại đang trò chuyện với phóng viên
Được mệnh danh là “con mắt của biển” chuyên cứu người cũng như tàu thuyền bị nạn trên biển. Ở tuổi 55, Ba Thoại đang là tổ trưởng tập đoàn 10 tàu cá nổi tiếng ở vùng biển Hòa Hiệp. Người đàn ông chất phác, hiền lành nhưng luôn quyết liệt trong bao nhiêu tình huống cấp kỳ sóng nước.
“Con mắt của biển”… cứu người
Đến làng biển Phú Lạc, hỏi thăm nhà ông Ba Thoại, người dân nơi đây ai cũng nhiệt tình “vẽ đường” để chúng tôi tìm đến. Đi qua mấy con đường rẽ trái, rẽ phải ngoằn ngoèo nhỏ xíu, chúng tôi gặp một người đàn ông khoảng chừng năm mươi mấy tuổi, liền hỏi thăm: “Ở đây chú biết ông Ba Thoại không? Chú chỉ giúp cháu đường đến nhà chú ấy. Cháu đi nãy giờ mà đường nhiều quá nên…bí”. Người đàn ông cười: “Ở làng này có một Ba Thoại, Ba Thoại đó đang đứng trước mặt cháu nè”. Biết là phóng viên, ông Ba Thoại mời chúng tôi về nhà và bắt đầu kể về những câu chuyện cứu người, cứu thuyền bị nạn trên biển của mình hơn 10 năm qua.
Nghề đi biển của ông Ba Thoại bắt đầu từ năm 1979 và qua những năm tháng lênh đênh trên biển ông rút ra nhiều kinh nghiệm khi đối đầu với từng con sóng dữ, từng trận bão táp, từng sự cố lúc hành nghề nơi đầu sóng ngọn gió. Ông Thoại kể: “Năm 1988, lần đầu tiên tôi hoảng hồn trên biển, lần đó tôi tưởng mình chết rồi chứ. Chiếc thuyền tôi đi gặp phải sự cố chết máy nhưng lúc đó trời sóng to gió lớn, thuyền thì nhỏ nên chao đảo ngả nghiêng. Bốn người bạn đi trên chiếc thuyền cố bình tĩnh và ra hiệu để thuyền khác tới cứu. Trong lúc đó, tôi bất ngờ trượt chân rớt xuống biển nhưng cũng may biết bơi nên cố bám trụ với chiếc phao người bạn đi cùng bỏ xuống. Khi tôi lên được thuyền và được thuyền khác tới cứu thì tay chân tôi đã mỏi nhừ, toàn thân như cọng bún. Nhớ lại lần đó đến giờ tôi vẫn còn thấy ớn lạnh”.
Rồi những ngày tháng lênh đênh trên biển, ông Thoại gặp nhiều sự cố cũng như chứng kiến nhiều người đi biển gặp nạn. Những lúc đó, ông không ngại hiểm nguy sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn. Lần đầu tiên ông vào “nghề cứu người” là tháng 8/2003, trong một đêm mưu gió bão bùng. “Năm 2003 là năm gia đình tôi dành dụm đóng được chiếc tàu nhỏ để ra khơi, còn trước đó tôi toàn đi công cho người ta. Lúc đó khoảng 8 giờ tối, trời mưa rất to, khi thuyền tôi đang chạy vào bờ thì thấy cách gần 1km đèn đỏ của một chiếc thuyền nhấp nháy liên tục nhưng không thấy thuyền chạy. Biết có điều chẳng lành nên tôi cho thuyền chạy lại xem tình hình thế nào. Tới nơi thì phát hiện chiếc thuyền của hai cha con ngư dân ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bị hư máy, người con đang lên cơn sốt miên man nên lập tức tôi cùng mấy anh em trên thuyền lai dắt thuyền bạn vào bờ và đưa người con đến nhà y tá trong xã để chữa chạy. Tôi không nhớ rõ tên người cha nhưng người con tên Huỳnh Ngọc Hải, 18 tuổi. Tôi nhớ là vì đêm hôm đó tôi túc trực chăm sóc cho Hải, sáng hôm sau Hải tỉnh dậy kể cho tôi nghe sự cố trên tàu”.
Một đêm cuối năm 2008, biển động rất mạnh, ông Ba Thoại lái chiếc thuyền trở về sau chuyến đánh bắt. Đang căng mắt giữa biển đêm mênh mông, tay tập trung lái chiếc thuyền vượt qua những đợt sóng lớn, ông chợt nói với mấy người con đi cùng: “Hình như có tiếng kêu cứu ở hướng Hòn Gầm thì phải”. Nói xong, ông quay bánh lái và tăng tốc về Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Giữa màn đêm, trời mưa giăng kín, gió càng lúc càng mạnh, sóng càng lúc càng dữ, nhiều lúc thuyền như muốn đánh úp. Đến nơi, ông lờ mờ thấy 3 bóng người đang chấp chới trên chiếc thuyền vỏ lườn đã ngập nước, một người đang cố dùng chiếc áo phất mạnh, ra hiệu cầu cứu. Khi thuyền lại gần, ông Thoại thấy một người đàn ông khoảng 50 tuổi cùng hai đứa trẻ độ mười hai, mười ba tuổi như đang sắp quỵ. Vừa thấy ông Thoại cho thuyền cập mạn, người đàn ông mặt đầy nước mắt vội quỳ thụp xuống trên chiếc thuyền vỏ lườn sắp chìm, chắp tay vái lạy liên hồi. Tức khắc, mấy cha con ông Thoại thả chiếc thúng chai xuống biển, áp sát vào thuyền bị nạn rồi buộc dây kéo, lần lượt đưa hai đứa trẻ và người đàn ông sắp kiệt sức lên thuyền của mình.
Ông Thoại kể: “Sau khi được thoa dầu nóng, người đàn ông cùng hai đứa trẻ dần hồi tỉnh. Trên đường vào đất liền, người đàn ông cho biết ổng tên Phú, ba cha con ông sống ở làng chài Vũng La (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) ra khơi đánh bắt cách đó hai đêm. Vừa ra giữa biển, thuyền bỗng hỏng máy, ổng hì hục sửa mãi nhưng vẫn không được. Đến nửa đêm, biển bắt đầu động mạnh, sóng lớn đánh đứt dây neo làm chiếc thuyền trôi tự do. Gần hai ngày đêm, 3 cha con ổng nhìn thấy 3, 4 chiếc tàu đi ngang, dù đã cố sức phất tín hiệu cầu cứu nhưng không tàu nào nhìn thấy. Chiếc vỏ lườn không chịu nổi sóng lớn nên nước vào ngập lút, dù 3 cha con đã cố sức tát nước ra ngoài. Thuyền càng lúc càng chìm, ông bất lực và đau đớn khi nhìn 2 đứa con trai mình sắp chết chìm cùng chiếc thuyền. Khi niềm hy vọng gần tắt thì mấy cha con ông gặp được thuyền của tôi”.
Trung tá Trịnh Đình Bá, Trưởng đồn biên phòng Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, ông Ba Thoại đã cứu cả trăm người đi biển với gần 20 tàu thuyền bị nạn. Nhiều trường hợp ông cứu xong rồi bà con mới báo cho đồn biên phòng biết. Trường hợp có nhiều người cùng tàu thuyền lớn bị nạn thì ông Thoại báo cho chúng tôi để cùng ứng cứu. Có người ví ông là “con mắt của biển”, họ bảo là do bề dày kinh nghiệm sóng nước, độ nhạy cao, sự cảm nhận sâu khiến ông có khả năng hướng con mắt đến nơi có chuyện chẳng lành để cứu người. Có lẽ cũng nhờ con mắt tinh tường trên biển, mà ông Ba Thoại là người đầu tiên phát hiện tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép ở vùng biển Bãi Môn, huyện Đông Hòa giúp các lực lượng chức năng xử lý kịp thời”.


Chỗ dựa của làng chài
Theo tìm hiểu, khi mới 4 tuổi, Ba Thoại đã mồ côi cha. 12 tuổi, Ba Thoại làm đủ mọi thứ nghề mà người ta thuê mình có thể làm được để kiếm sống, phụ giúp mẹ nuôi các em. Ngay từ năm vào nghề đi biển, Ba Thoại là một đảng viên trẻ, một trung đội trưởng dân quân biển nổi tiếng năng động, góp phần giữ yên vùng biển phía Nam của Phú Yên. Khi chính quyền rút lên làm cán bộ địa phương, Ba Thoại đã từ chối và quyết định gắn bó với nghề biển. Ở làng biển Phú Lạc, khi nhắc đến tên Ba Thoại ai cũng tỏ ra nể trọng, quý mến, xem ông như chỗ dựa của làng. Mỗi khi có chuyện trục trặc trong đi biển, bà con thường đến nhờ ông. “Mỗi khi biết có người đang bị nạn, anh Ba không bao giờ bỏ cuộc và đã đi là quyết cứu bằng được”, lão ngư Trần Văn Tấn ở Phú Lạc nói.
Ông Nguyễn Văn Bình (SN 1961, chủ một tàu cá ở Phú Lạc) xem ông Ba Thoại là người sinh ra mình lần thứ hai. Ông kể: “Hôm ấy, thuyền của tôi trúng mẻ cá ồ rất lớn. Chiều tối, trên đường vào bờ, thuyền bị gãy láp. Lúc này sóng lớn đánh khiến thuyền chao đảo, nước tràn qua mạn thuyền. Trong lúc hoảng loạn, tôi mở máy bộ đàm gọi cầu may xem có ai đó nghe được thì đến cứu. Khi đó anh Ba Thoại vừa xuất bến ra biển, khi nghe tôi kêu cứu liền bảo tôi bình tĩnh, giữ liên lạc. Gần nửa tiếng đồng hồ sau, anh cho thuyền chạy đến ứng cứu. Trời tối đen, sóng gió mỗi lúc càng lớn nhưng anh Ba Thoại vẫn quyết tâm cứu giúp cả người và thuyền của tôi. Chuyến đi biển đó anh Ba Thoại gần như mất trắng phí tổn, vậy mà trên đường về lúc nào anh cũng động viên tôi. Vào bờ, tôi nài nỉ xin được trả phần tiền dầu cho anh nhưng anh nhất quyết không lấy”.
Khi chúng tôi hỏi đến việc có ai sau khi được cứu, họ đến trả ở ông không thì ông Thoại cười hiền: “Nhiều lắm chứ, nhiều người sau khi được tôi cứu và sau một thời gian họ ăn nên làm ra, họ quay lại đây tìm đến tôi để trả ơn. Họ đem theo quà cáp, có khi tiền bạc nhưng tôi kiến quyết khước từ trả nghĩa bằng vật chất mà chỉ vui vẻ ghi nhận bằng tấm lòng. Cứ thấy người bị nạn là cứu, chuyện đó cũng bình thường, chứ tôi có bao giờ nghĩ cứu người để được trả ơn đâu”.
Được biết, ông Ba Thoại cũng là người đầu tiên dưới 60 tuổi được bà con làng chài tín nhiệm vào vai trò lạch trưởng. “Bà con tin tưởng, quý trọng Ba Thoại bởi ông là một lạch trưởng mẫu mực, mọi việc làm cho bà con đều xuất phát từ cái tâm, cái tình. Khi Phú Lạc lập tổ tàu thuyền an toàn, cả làng biển này đều nhất trí bầu ông làm tổ trưởng. Chính ông đã vận động bà con ngư dân tập hợp thành từng tổ, nhóm đoàn kết làm ăn, hỗ trợ nhau khi khó khăn. Đến nay tổ tàu thuyền an toàn Phú Lạc là một trong những tổ tàu thuyền thành công nhất ở tỉnh Phú Yên, hầu hết các thành viên đều làm ăn hiệu quả, thu nhập ổn định. Mặt khác, tổ tàu thuyền này còn góp phần lớn trong việc bảo vệ an ninh trật tự vùng biển”, ông Nguyễn Khăn, Trưởng thôn Phú Lạc, cho biết.
Dù đã 35 năm hành nghề trên biển nhưng tài sản lớn nhất hiện giờ của gia đình ông Ba Thoại chỉ là chiếc thuyền cũ kỹ có công suất 56 CV nhỏ nhất ở làng chài Phú Lạc. Bao năm nay, vợ chồng ông cùng 6 người con vẫn ở trong căn nhà cấp bốn nhỏ xíu nằm gần bãi biển. “Nghề biển chưa giúp gia đình tôi khá giả song không hiểu sao khi làm nghề này tôi lại có duyên cứu người bị nạn. Nhiều lần, khi đang đánh bắt hoặc tập trung lái thuyền, tôi linh cảm có người đang bị nạn đâu đó. Dù chỉ nghe mơ hồ, loáng thoáng tiếng kêu cứu nhưng nghĩ đến hình ảnh tang thương, đau khổ của những gia đình bị mất người thân, tôi quyết tâm tìm bằng được người bị nạn. Mỗi lần cứu xong, lòng tôi thấy nhẹ nhõm và thanh thản lạ thường”, ông Ba Thoại chia sẻ.
Cẩm Trinh