Người cắt tóc gần nửa thế kỷ dưới gốc đa 600 tuổi

21/03/2017 08:21

Theo dõi trên

50 năm cát tóc dưới gốc đa 600 tuổi, ông trở thành lão làng ở đất này. Những câu chuyện đời người, đời cây và cả những biến đổi nghiệt ngã của thời cuộc ông đều thấu.

Người dân làng An Thị vẫn thường gọi cái quán cắt tóc nằm dưới gốc đa hơn 600 năm tuổi của làng là quán “ông Quảng”, năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông gắn với nghề mưu sinh này cũng hơn 40 năm nay, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Đà Nẵng. Cả đời người gắn bó với cây đa, “mưu sinh để vui sống với đời” – ông vui vẻ chia sẻ.

Gọi là quán chứ thực ra cũng chỉ là mấy tấm bạt tạm che mưa che nắng. Quán cắt tóc nằm nép mình dưới cây đa An Thị hơn 600 năm tuổi. Quán nhỏ trên đường Nguyễn Công Trứ - An Hải Tây –Sơn Trà chỉ cần hỏi cây đa An Thị là người dân ai ai cũng biết bởi vốn lẽ nó đã gắn với sự đổi thay từng ngày của nơi đây. Chỉ với tấm bạt, cái gương, cái hộp đồ nghề đã cũ …tôi thắc mắc sao bao nhiêu năm mà ông không “sắm thêm” để tân trang cho quán, nhưng nge câu chuyện ông kể, tôi mới nhận ra cái đẹp của cái quán nhỏ dưới gốc đa này.

Ông quê ở Quảng Nam, theo cha ra Đà Nẵng này từ khi 6 tuổi, thời nhỏ đi bán cà-rem nhưng sau vất vả quá nên qua học nghề cắt tóc và bén duyên cho tới bây giờ. Năm nay đã ngoài 60, thế là cũng hơn 40 năm ông mở quán cắt tóc dưới gốc đa. Căn nhà nhỏ nằm ngay phía sau cây đa, giờ chỉ còn mình ông, con cái đi làm ăn xa cả. "Sáng tối bầu bạn với gốc đa già “kiếm ít tiền mưu sinh mà sống với đời thôi chú ạ” – ông lạc quan chia sẻ. Theo ông, cây đa An Thị cũng không ai dám chắc bao nhiêu tuổi, chỉ biết các cụ trong làng vẫn thường bảo con cháu nó có hơn 600 năm, rồi cứ thế mà cộng thêm tuổi vào cho nó, mà dặn dò lại con cháu sau này. Cứ thế bên gốc đa, cuộc sống của ông Quảng lại cứ lạc quan như mọi ngày, một hôm có được 5 tới 7 khách, đủ sống qua ngày nhưng ông chẳng bao giờ lo lắng vướng bận.
 



Ông Quảng gắn bó với gốc đa và cái quán hớt tóc bình dân này hơn 40 năm có lẻ.

Ông kể về cuộc đời gần 40 năm mưu sinh ở đây và cũng là “nhân chứng” cho sự đổi thay từng ngày của thành phố, “Người ta làm đường mà phải nấn vòng đấy chú, cây đa như di tích, ai mà dám động vào, tôi ở đây làm nghề cũng lo hương khói dọn dẹp gốc cây cho đàng hoàng, nhà ngay phía sau giờ còn một mình, lấy cây đa bầu bạn mà sống”. Ông chia sẻ vì sao không mở quán mới: “Chú thấy đấy, mặt bằng bây giờ đắt đỏ mà cái nghề này chỉ đủ sống thôi, chứ già rồi bươn ba chi được nữa. Mà cái hay là đi xa nhớ lắm chú ạ, tí nữa chiều mát là có mấy ông bạn già ra đây uống nước chè ngồi tán chuyện, vui lắm”.

Cái quán ông chỉ là vài ba cái bạt tạm, nhưng ngồi lâu mới biết, đúng là không cần che chắn gì nhiều thật. Mặc cho trời mưa hay nắng, tán cây cũng đủ che chở cho cái quán nhỏ của ông. Ngồi dưới gốc đa, uống cốc nước chè nge ông kể về sự đổi thay của thành phố : “Trước ở ngoài kia là bến phà, trong này là chợ Hà Thân nhộn nhịp lắm, sau này phát triển người ta dời chợ đi, rồi xây cây cầu Sông Hàn. Cây cầu đó là khởi đầu cho sự phát triển, từ ngày có nó thành phố này đổi thay lên nhiều. Trước đây dân đây cũng nghèo như tôi bây giờ, nhưng nhờ phát triển làm đường xá nên buôn bán kinh doanh được, người ta cũng chọn cây đa làm trung tâm mà mở quán hàng, còn tôi thì người ta “chừa” cho ngay cái gốc” – ông vui vẻ kể.

Cuộc đời ông cũng lắm thăng trầm, tuổi già bây giờ chỉ còn mưu sinh tự nuôi bản thân, bởi ông không muốn con cái vướng bận. “Nhờ cây kéo cây lược ở đây mà nuôi con ăn học, trước kia người ta cắt nhiều, chứ bây giờ chỉ còn khách quen là mấy ông bạn già quanh xóm”. Có mấy người thời trước vào miền nam làm ăn, bây giờ ra Đà Nẵng cũng không quên ghé cây đa và cắt tóc ở quán ông. Ai cũng ngạc nhiên trước sự đổi thay của làng An Thị. Nhiều người thắc mắc sao ông không theo con theo cháu hay sửa quán lại cho đàng hoàng, nhưng ngồi nge ông kể chuyện Đà Nẵng mới thấy quý cái sự mộc mạc, chất phác của cái quán “ông Quảng”.




Cây đa An Thị, minh chứng trường tồn giữa những biến thiên lịch sử ở đất này.

Giờ đây quán không còn đơn thuần là nghề mưu sinh của ông, mà còn là nét đẹp người dân An thị, là chốn dừng chân của biết bao du khách thập phương, của những con người xa xứ. “Tôi cố bỏ mà không bỏ được đấy!” – ông cười lớn – “Nhiều lúc cũng muốn tìm cái nghề khác làm thêm ít tiền, nhưng đi xa lại buồn, thiếu mấy ông bạn già, thiếu mấy người khách xa xứ về cứ vừa cắt vừa hỏi ông chuyện đổi thay của làng An Thị.”

Bên gốc đa hơn 600 tuổi, mình ông mưu sinh tự nuôi bản thân và vui sống cho đời. Một góc trầm tĩnh của thành phố Đà Nẵng đang từng ngày đổi thay, vẫn có những góc phố, những con người giản đơn, chân chất như cái quán “ông Quảng” dưới gốc đa An Thị. Một dời người, một đời cây. Mấy ai thấu được sự bình yên và thanh thản giữa phố phường nhộn nhịp đang đổi thay từng ngày này...


Nguyễn Huy

Nguồn: phununews.vn
Bạn đang đọc bài viết "Người cắt tóc gần nửa thế kỷ dưới gốc đa 600 tuổi " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.