Người anh hùng xây 1.600 cây cầu cho Bến Tre

01/05/2015 13:51

Theo dõi trên

Tính đến năm 2014, anh hùng Trịnh Văn Y đã hoàn thành 1.600 cây cầu cho quê hương Bến Tre.

Sinh ra trên mảnh đất Bến Tre dọc ngang sông rạch, 17 tuổi Trịnh Văn Y đã tham gia cách mạng rồi trở thành Bí thư chi bộ, kiêm Xã đội chánh, người trực tiếp lãnh đạo cuộc “Đồng Khởi” tại địa phương mình.

Trong những năm đánh Mỹ gian khổ, ác liệt, anh đã bám đất, bám dân, một tấc không đi, một ly không rời, vượt qua mọi thử thách khốc liệt của “chiến tranh đặc biệt”, rồi “chiến tranh cục bộ”, và “Việt Nam hóa chiến tranh. Bến Tre với “Đội quân tóc dài” độc đáo và nổi tiếng, vẫn kiên cường đứng vững. Lớn lên cùng với phong trào, anh trở thành người lãnh đạo của huyện, khi về tỉnh anh làm Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đến năm 2001 mới được nghỉ hưu.



Nhiều năm sống và chiến đấu trên mảnh đất dọc, ngang kênh rạch, anh thường chứng kiến đồng đội, đồng bào mình hy sinh trên các sông, rạch. Anh rất thấm thía câu nói cửa  miệng: “Sống ngâm da, chết ngâm xương”, nhưng đó là vì chiến tranh.

Từ ngày hòa bình, anh vẫn phải nhìn thấy những cảnh chết thảm thương của các cháu học sinh đi học phải qua “cầu khỉ”  bị ngã, hoặc bơi qua sông bị chìm, hoặc lật ghe mà chết. Anh thấy mình còn nợ dân, chưa làm tròn trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, bảo đảm an toàn cho dân, anh đã nung nấu một ý tưởng sẽ thay các cây “cầu khỉ”, các bến đò ngang của tỉnh mình bằng các cầu bê tông vững chắc để nhân dân qua lại dễ dàng.

Cây cầu đầu tiên anh làm là cây cầu Trường Học, đặt tên là cầu “Trường Học” là vì cầu đó bắc qua con rạch rộng gần 30 mét để các cháu sang trường học.

Nhìn địa hình trong tỉnh, anh thấy phải làm hàng trăm cây cầu mới đáp ứng được việc đi lại thuận tiện cho nhân dân. Với cương vị đã từng là người lãnh đạo của tỉnh, Trịnh Văn Y nghĩ cần phải có một tổ chức và xã hội hóa việc xây cầu mới có thể thực hiện được việc xây dựng nhiều cây cầu. Và anh đã sáng lập ra “Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Bến Tre”. Hội đã tồn tại và phát triển từ năm 2001 đến nay, đã có hàng trăm hội viên mà 80% là có trình độ đại học và trên đại học, anh Y được bầu làm Chủ tịch Hội liên tục ba nhiệm kỳ từ 2001 đến 2016.

Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Bến Tre có các ban kỹ thuật cầu đường, có trung tâm tư vấn, văn phòng riêng và các cơ quan phục vụ.

Việc tổ chức xây cầu trên địa bàn hàng trăm kênh rạch là việc hợp lòng dân, được nhân dân hết lòng ủng hộ, lãnh đạo và chính quyền tỉnh Bến Tre và các huyện, xã ở cơ sở cũng vào cuộc, do đó nó trở thành phong trào của địa phương.

Ngày 10/10/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Chủ tịch Hội KHKT cầu đường tỉnh Bến Tre Trịnh Văn Y (Trịnh Mai Sơn) vì có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 1999 đến năm 2008.

Qua 9 năm xây cầu, đến năm 2010 -  nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trịnh Văn Y bàn với Hội phải xây được chiếc cầu thứ 1000, để chào mừng ngày hội lớn của dân tộc tại Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khi khánh thành cây cầu cũng là thời điểm đoàn 28 Anh hùng và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu của Bến Tre, nhập vào Đoàn 1000 Anh hùng và Mẹ Việt Nam Anh hùng, bắt đầu cuộc hành quân về Thủ đô Hà Nội.

Sau cuộc hành quân lịch sử có một không hai đó, thành tích của Trịnh Văn Y được cả nước trân trọng. Như được tiếp thêm sức mạnh, từ 2010 đến 2014, anh đã tổ chức làm thêm được 600 cây cầu nữa.

Việc xây cầu rất hợp lòng dân nên được nhân dân hết lòng ủng hộ. Các xã Phước Long, Thuận Điền ở Giồng Trôm thấy phong trào xây cầu sôi nổi, đã bảo nhau góp tiền rồi đến gặp đề nghị anh giúp địa phương mình xây cầu.

Trịnh Văn Y có sáng kiến tổ chức “Chương trình vận động hỗ trợ giao thông nông thôn”, được Tỉnh ủy Bến Tre thông qua, được Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật và Hội Cầu đường Việt Nam ủng hộ. Thế là thành phong trào toàn quốc. Sau một thời gian kiểm tra, chương trình này đã nhanh chóng được mọi giới ủng hộ.

Bản thân anh còn tự góp 500m2 đất để làm đường và bỏ tiền riêng ra xây được 3 cây cầu.

Tiền  khen thưởng thi đua, hội phí, hoặc tiền được mọi người yêu quý tặng, và hơn 200 triệu tiền hồ sơ thiết kế, Hội đã không chia nhau mà tập trung làm được 15 cây cầu cho địa phương.

Hữu xạ tự nhiên hương, khi có được lòng tin của người dân và các cơ quan, chính quyền, phong trào càng mở rộng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tài trợ 58 tỷ, làm được 38 cây cầu lớn. Linh mục Trần Quốc Hùng và Ban Quới Chức nhà thờ La Mã xã Hưng  Nhượng, huyện Giồng Trôm tài trợ 6,7 tỷ đồng và 100 USD làm con lộ nhựa rộng 4,5 mét, dài 1,6km và một cầu trên tuyến đường. Nhà thờ Vĩnh Thành huyện Chợ Lách…

Âm vang của “Chương trình hỗ trợ giao thông nông thôn” đã vang sang các quốc gia khác trên thế giới. Ông Toni – Nhà từ thiện người Thụy Sĩ, tài trợ một số tiền tương đương với 25 tỷ đồng, xây được 48 cây cầu. Quỹ Schmitz CHLB Đức và Bộ hợp tác kinh tế và Liên bang CHLB Đức tài trợ số tiền tương đương 15 tỷ đồng Việt Nam, xây được 191 cầu. Bà Trần Thị An Nghiên, Việt kiều Mỹ, giúp 1 tỷ 819 triệu đồng Việt Nam, làm được 6 cây cầu và 8 km lộ bêtông nông thôn. Bà Võ Thị Bon - Việt kiều Mỹ, giúp 3 tỷ 378 triệu tiền Việt Nam, làm được 52 cây cầu, 6,5 km lộ giao thông và 10 căn nhà tình thương. Bà Trương Thiên Kim - Việt kiều Úúc, giúp 1 tỷ đồng Việt Nam, làm được 22 cây cầu và 23 cây nước sinh hoạt cho nông thôn…

Những sáng kiến của Trịnh Văn Y và kết quả 1.600 cây cầu đã góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn ở Bến Tre, hạn chế được các tai nạn sông nước, giúp giao thông thuận lợi, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Đại tá Nguyễn Huy Toàn
Theo Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Người anh hùng xây 1.600 cây cầu cho Bến Tre" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.