Thanh Chương

Ngôi đình lưu giữ “báu vật”, ghi dấu thời khai hoang, lập làng ở An Giang

07/03/2017 14:41

Theo dõi trên

Tọa lạc bên triền núi Sập (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang), ngôi đình ngót nghét 200 tuổi, thờ danh thần Thoại Ngọc Hầu lưu giữ nhiều câu chuyện kỳ thú.



 Đình thần Thoại Ngọc Hầu

Lai lịch ngôi đình

Theo sử sách, năm 1818 Nguyễn Văn Thoại chỉ huy đào kênh Thoại Hà (Đông Xuyên) và đến năm 1822 ông lập làng Thoại Sơn. Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, ông cho tạc bia và dựng miếu ở triền núi thờ Sơn thần. Sau khi ông mất (năm 1829), người dân dựng lên ngôi đình thờ ông và các bậc tiền hiền có công mở cõi. Năm 1942, do quá tôn kính bậc khai cơ, một đoàn bô lão uy tín do ông Tô Văn Chí dẫn đầu ra kinh đô Huế dâng biểu gặp vua để xin sắc thần. Ròng rã hơn tháng trời, vua Bảo Đại ban sắc truy phong Thoại Ngọc Hầu là Trung Đẳng thần làng Thoại Sơn. Sắc ban ngày 15 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 18 (1943) và người dân lấy ngày này tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm. Ông Tô Văn Chí là thân sinh của thủ lĩnh Thanh niên tiền phong huyện Thoại Sơn Tô Kim Mới và là người có công lập chùa Bà Chúa Xứ (Huỳnh Long Tam tự) nổi tiếng ở Núi Sập.

Đình thần Thoại Ngọc Hâu có diện tích khuôn viên 8.536 m2 (ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập) được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, lớn nhất vào năm 1960 và đại trùng tu vào năm 1971. Năm 1960, Tổng thống Ngô Đình Diệm sau dự lễ khánh thành Khu trù mật Ba Thê đã ghé thăm đình dâng hương, trồng dừa, cho làm bảng gỗ sao chép Bia đá “Thoại Sơn” (hiện lưu giữ tại Thảo Cầm Viên-TP Hồ Chí Minh) và tài trợ làm cổng chính ngôi đình. Tháng 10-2016, Mạnh Thường Quân, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ để bê-tông hóa toàn bộ diện tích 1.825 m2 sân đình, lát gạch đạt chuẩn 630m2 nội thất, lắp đặt 24 bóng đèn les, thay 10 bàn thờ bằng đá hoa cương và thay toàn bộ cửa trong đình bằng gỗ căm xe.

Những câu chuyện kỳ thú

Ông từ giữ đình Nguyễn Trung Nhựt nhớ lại: Ngôi đình này có nhiều câu chuyện kỳ thú và đóng góp nhiều “công trạng” cho dân cho nước. Đầu năm 1946, khi giặc Pháp đưa tàu chiến từ Cần Thơ lên uy hiếp Long Xuyên, Châu Đốc, Quân khu 9 đã cấp tốc thành lập Trường Quân chính Quang Trung ngay trong đình thần. Tại đây, Tỉnh ủy An Giang cử 80 cán bộ, chiến sĩ tham dự lớp huấn luyện quân sự và đây chính là lực lượng vũ trang nòng cốt của địa phương, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ Nhân dân, đánh trả, ngăn chặn sự đàn áp của giặc Pháp. Khi Pháp trở lại xâm lược nước ta, đình thần Thoại Ngọc Hầu là nơi tập hợp lực lượng Thanh niên tiền phong huyện.



Bia đá “Thoại Sơn”

“Mỗi năm đến ngày 19-5, người dân lại dâng hương, tổ chức mừng sinh nhật Bác. Khi đó, một tổ vài người được phân công treo cờ Đảng trên đỉnh pháo đài Núi Sập. Cờ treo xong, đưới đình đánh trống mõ và hô “Hồ Chí Minh muôn năm” làm người dân vô cùng phấn khởi. Giặc Pháp cho người lên núi hạ cờ thì bị trúng mìn nên không dám bắn vào đình. Không nhổ được cờ trên đỉnh pháo đài, địch bố trí hẳn một lực lượng, rồi xây bót canh gác luôn trên đó”.

“Báu vật” Quốc gia

Bia đá “Thoại Sơn” là Di tích lịch sử Quốc gia được Bộ Văn hóa (lúc đó) ra quyết định công nhân ngày 28-9-1990. Đầu bia chạm 2 chữ Thoại Sơn, chiều cao 3 mét, ngang 1,2 mét, bề dày 20cm, mặt bia chạm 629 chữ Hán, nét còn sắc và đẹp dù đã 2 thế kỷ. Hiện, bia còn lưu giữ trong đình, ở ngay vị trí ban đầu. Đây là 1 trong 3 di tích lịch sử, loại bi ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới thời phong kiến còn lưu giữ đến ngày nay. Theo sử sách, bia do Thoại Ngọc Hầu nhờ Đốc học Gia Định thành là Cao Bá soạn, rồi sau lại nhờ Thiêm sự Công bộ phụng thủ Châu Đốc đồn tiền lương quân vụ Đoàn Hầu soạn lại cho đúng. Bia là một áng văn hay, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kể lại việc Thoại Ngọc Hầu dâng chỉ vua đốc thúc đào kênh khó nhọc và đội ơn vua cho lấy tên làm tên núi, tên làng. Ngoài bia bá, ở đình còn sắc phong của vua Bảo Đại và nhiều cây dầu sống trên thế kỷ…

Ông Huỳnh Ngọc Danh, Chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập-Trưởng ban Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XVI và Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu thông tin: “Lễ hội sẽ diễn ra vào sáng mồng 10-3 âm lịch, bảo đảm nét văn hóa truyền thống dân tộc; tạo khí thế vui tươi phấn khởi trong Nhân dân. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức Danh thần Thoại Ngọc Hầu và các bậc tiền nhân có công khai mở vùng đất Thoại Sơn”.


Nguyễn Rạng

Nguồn: Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Ngôi đình lưu giữ “báu vật”, ghi dấu thời khai hoang, lập làng ở An Giang" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.