Nói đến kiến trúc của đình làng không thể không nhắc đến giá trị về mặt điêu khắc dân gian. Đây là không gian cho nền nghệ thuật điêu khắc dân gian phát triển mạnh mẽ. Trên các bộ vì, tất cả các đầu bẩy, đầu dư, đấu, xà kẻ, ván gió, ván nong... là nơi các nghệ sĩ điêu khắc dân gian chạm khắc các đề tài tái hiện cuộc sống và lao động của con người, cảnh sắc thiên nhiên, đất nước. Chính điều này đã làm nên giá trị lịch sử sâu sắc cho đình làng.
Kiến trúc đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa, độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc Việt truyền thống, là kho tàng hết sức phong phú của điêu khắc Việt Nam trong lịch sử. Điêu khắc cũng tồn tại ở chùa, đền, các kiến trúc tôn giáo khác, nhưng không ở đâu nó được biểu hiện hết mình như ở đình. Nói điêu khắc đình làng cũng là nói đến nghệ thuật trang trí đình làng.
Nghi môn đình Xuân Lôi.
Điêu khắc ở đây là điêu khắc trang trí. Người thợ làm đình chẳng những thành thạo trong việc dựng đình mà còn biết tô điểm cho ngôi đình thêm đẹp. Hầu như trên các thành phần của kiến trúc đình làng đều được các nghệ nhân xưa dùng bàn tay điêu luyện của mình chạm khắc thành những hình mẫu có giá trị nghệ thuật cao.
Có thể nói đình là một khối điêu khắc trong không gian, đầy chi tiết tinh tế, nhưng cũng đầy tính khoa học kiến trúc. Nói về đường nét, đình là nơi hội tụ những mô típ trang trí tuyệt hảo, gồm nhiều xu hướng: hiện thực, cách điệu và đồ họa. Chính sự giàu có và phong phú về nghệ thuật điêu khắc dân gian mà các ngôi đình đã làm nên những giá trị kiến trúc thuần Việt rất quý giá.
Toàn cảnh đình Xuân Lôi.
Đình Xuân Lôi là ngôi đình được xây dựng vào thời Lê, bia hậu cho biết đình được xây dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ hai ( 1706). Ngôi đình hiện nay được xây dựng trong 3 năm: 1932 xây dựng hậu cung và 1935 xây duuyựng toà đại bái. Công việc chuẩn bị cho việc xây dựng đình làng theo truyền ngôn kéo dài 3 thế hệ. Cùng với việc chuẩn bị tập kết nguyên vật liệu để làm đình thì làng Xuân Lôi là làng nghề mộc truyền thống, do vậy song song với công việc tập kết nguyên liệu, kinh phí thì cũng tiến hành một số phần việc có thể làm trước, nhất là những mảng chạm khắc.Tuy việc xây dựng đình được tiến hành vào năm 1932, 1935 nhưng thực tế đã được tạo dựng trước đó hàng chục năm bằng đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Xuân Lôi nên đình Xuân Lôi là một công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tinh xảo trên khung kiến trúc và một số đồ thờ tự
Nghệ thuật chạm khắc trên hệ thống bẩy hiên
Đình Xuân Lôi có 6 bẩy hiên, trên các bẩy hiên được chạm trổ cúc, trúc , mai hóa rồng với kỹ thuật chạm kênh bong, nổi chìm tạo hình rất tinh xảo và là những bức tranh rất sinh động bởi được chạm khắc cùng chim muông, hoa lá đan xen.
Bốn bẩy hiên giữa đều chạm khắc những đề tài rất phong phú và sinh động. Hai bức chạm khắc trúc hoá rồng: những thân cây trúc uốn lượn, gốc trúc hoá thành đầu rồng, những cành trúc thành tay rồng, những lá trúc như gãy lại để biến thành móng vuốt rồng sắc nhọn. Toàn bộ cánh trúc biến thành một con rồng oai phong nhưng lại rất mền mại, thân trúc thẳng, lá trúc loà xoà, ngoài cảnh trúc hoá rồng lại có đôi hươu sao chạy vào phía trong nhưng ngoảnh đầu nhìn lại con hươu đang đuổi mình từ phía ngoài, trên cành trúc có đôi chim đang đậu nghỉ ngơi, như đang suy nghĩ chốn thanh bình nhưng lại đầy sinh động. Ở mỗi bức trúc hóa rồng lại có những thế trúc uốn lượn , thế đậu của chim, thế chạy của nai rất sinh động và hài hoà.
Hai bức chạm mây hoá rồng. Đây là hai bức chạm khắc đối diện nhau của bẩy hiên gian trung tâm. Con rồng ở đây được chạm khắc thành hình con rồng uốn lượn như đang bay trong mây, con rồng bay từ phía ngoài vào phía trong, những vân mây biến thành móng vuốt của rồng và đuôi rồng, phần đuôi rồng vân mây như sóng nước xoáy.
Các mảng chạm trên bẩy hiên.
Các mảng chạm được thực hiện theo kiểu chạm kênh bong, chạm lộng và tạo hình, chạm khắc chìm nổi tạo nên một bức tranh có chiều sâu rất sinh động và phong phú trong cách thể hiện như một sự biến hoá thực sự của mai của trúc thành rồng. Qua đây ta có thể nhận thấy tài năng và sự khéo léo của những người thợ. Họ đã gửi gắm hết tâm tư, tình cảm cũng như những ước vọng của mỗi người dân làng Xuân Lôi để hoàn thành những tác phẩm, biến những khúc gỗ thô cứng trở nên có dáng mềm mại, có hồn hơn.
Ngoài các mảng chạm khắc trên thân bẩy hiên thì cùng hoà điệu với đó là những mảng chạm ở ván rong trên bẩy hiên làm mở rộng không gian và tôn thêm vẻ đẹp của các mảng chạm.
Dưới hai bẩy hiên hai phía đầu hồi có hai con rồng được chạm khắc tạo hình. Hai con rồng này uốn lượn ôm vào hai cột quân, đội bẩy hiên lên, tuy để trang trí nhưng cũng tạo nên một sự gánh đỡ chắc chắn của mái đình như một con sơn, 2 con rồng này được chạm khắc cách điệu theo thể mây hoá rồng. Những áng mây tạo thành thân rồng, tay chân, đuôi rồng, bờm rồng ngoài ra những áng mây còn đan xen những lá lật tạo ra một con rồng như co mình lại, gáy rồng đỡ lấy bẩy hiên, bờm rồng chờm lên bảy hiên, đầu rồng như đưa cổ ra gánh đỡ bảy hiên, mặt rồng tỏ vẻ một sự gánh đỡ nặng nề, gắng sức, tạo ra một thế rồng rất độc đáo để nâng đỡ bảy hiên của 2 vì chái và phía trên đầu đao đình như được bay vút lên mây trời.
Chạm khắc các vì nách
Các vì nách của toà đại bái đều được thực hiện chạm khắc công phu, riêng 4 vì nách tiền đều làm kiểu chồng rường, gồm 4 thanh rường và xà nách phía sau đầu dư, mũi né của bảy hiên, trở thành một mảng cốn để thực hiện chạm khắc. Đề tài chủ yếu ở đây là rồng và phượng, hoa sen, hoa cúc. Mỗi mảng chạm thường có ba con rồng, một chim phượng.
Các con rồng ở vị trí khác nhau và tư thế mỗi con cũng khác nhau. Có con rồng khuỳnh chân, nhe răng và móng vuốt sắc nhọn trông oai phong lẫm liệt, có con rồng như bay trong mây, đuôi rồng có xoáy nước vân mây, có con rồng thì ở dưới như bay lên để đùa vui với những con rồng ở phía trên, có con rồng mặt mày tươi tỉnh, tay cầm biển chữ “Thọ” , giơ lên và hướng ra phía ngoài.
Độc đáo các mảng chạm trên vì nách.
Có hai bức chạm rồng cuốn thuỷ, có bức rồng cuốn hút cả một bụi sen lẫn tôm cá, có bức thì hút con cá chép to có vây, mang cá đang dựng đứng lên, uốn mình như đang muốn thoát khỏi miệng rồng, dưới đó thì con rùa đang bơi chậm chạp, đàn cá tôm khác vẫn vui đùa dưới hồ sen.
Những con phượng trong các mảng chạm luôn ở tư thế bay bám vào đuôi con rồng của đầu dư, ngoài rồng, phượng, cá, tôm, sen, ở mỗi mảng chạm đều có hoa cúc đan xen nhau.
Các bức chạm khắc được thể hiện vô cùng sinh động với các đề tài phong phú mang chất liệu dân gian, mỗi bức chạm là một bức tranh khắc gỗ với kỹ thuật chạm lộng, kênh bong, chạm chìm nổi rất tinh xảo.