Nghệ nhân Út Thành giới thiệu những tác phẩm của mình.
Đã từ lâu, những cổng hoa đó ít xuất hiện trên đường quê thì bây giờ nhiều người thích thú khi gợi lại một chút hồn quê…
Tôi men theo con đường rải nhựa đến dự đám cưới một người bạn. Ở dưới quê, khi sắp đám cưới thì tụi trai tráng rủ nhau đi chặt lá dừa, lá đủng đỉnh, lá dừa nước non,… để trang hoàng cho ngày vui trọng đại.
Cổng cưới, mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ là quan trọng nhất, bởi đập vào mắt quan khách hai họ là hình ảnh quê hương, chút yên bình của xóm nhỏ…
Cổng cưới quê được làm nhiều thứ cây nhà lá vườn: lá dừa, cây chuối trổ buồng hay cái “lưỡi mèo” để trang hoàng. Ngày xưa là vậy nhưng giờ hình ảnh của cái cổng hoa kiểu này đã dần ít đi, để thay bằng những cổng hoa vải, tạo hình bằng khung sắt tiện lợi.
Thế nhưng, vẫn còn những người chuyên làm cổng hoa, mâm quả bàn thờ với những nguyên liệu bình dị. Những con người đó là những nghệ nhân giữ lại chút hồn quê.
Chúng tôi đến nhà nghệ nhân Út Thành (Nguyễn Hữu Thành) ở xã Long Phước (Long Hồ) để tìm hiểu về nghề làm cổng hoa, mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ gia tiên. Chú Út Thành cho biết, bây giờ nhiều loại cổng bằng hoa giả.
Từ nhà khách cho đến trang trí đều có dịch vụ nên cũng ít người “chơi” cổng hoa làm bằng các nguyên liệu “cây nhà lá vườn”. Tuy nhiên, cái nghề đến với bản thân như một cái duyên. Được làm và sống với hình ảnh cổng hoa xưa như để giữ lại chút hồn quê, gửi gắm vào từng đường nét, từng mảnh ghép tạo hình.
Nghệ nhân Út Thành cho biết, đã theo nghề này hơn 10 năm. Nghề này không ai chỉ bảo ai nhiều mà quan trọng là quan sát và tự tìm ý tưởng. “Ngày đó, vừa đi vừa học hỏi, tích cóp kinh nghiệm để làm. Từ ban đầu chỉ có vài kiểu cơ bản dần dà rồi biến hóa thành nhiều hình tượng với những ý nghĩa khác nhau, phù hợp từng hoàn cảnh”- nghệ nhân chia sẻ.
Tuy bây giờ dịch vụ cưới hỏi rất tiện lợi nhưng một số nhà vẫn thích trang trí cổng cưới, mâm ngũ quả. Nguyên liệu là các loại cây lá quen thuộc, bình dị nhưng khi hoàn thành sẽ trở nên những tác phẩm nghệ thuật- mà ở đó- người thực hiện là những nghệ sĩ đa tài, tỉ mỉ và khéo léo.
Cổng hoa cưới Long- Phụng được kết từ các loại nguyên liệu “cây nhà lá vườn” như giữ lại chút hồn quê.
Theo nghệ nhân Út Thành, giá mỗi mâm ngũ quả khoảng 800 ngàn đến 1 triệu đồng, cổng hoa cưới giá từ 3,5- 4 triệu đồng.
Tuy so với các dịch vụ sản phẩm khác có phần cao hơn nhưng- theo chú Út Thành- đó là cả tâm tư, tình cảm và công sức mà các anh em bỏ ra: “Làm mâm ngũ quả Long- Phụng mất hơn 1 ngày, còn cổng hoa cưới thì tùy vào kích thước, hình dáng mà làm có khi hơn 2 ngày trời.
Nhưng quan trọng hơn cả chính là sự tỉ mỉ cũng như kiên trì gắn kết các loại nguyên liệu lại để cho ra sản phẩm hoàn thiện, mang đậm màu sắc nghệ thuật. Đó cũng là ý nghĩa mà các anh em nghệ nhân, đặc biệt là hội viên của CLB Nghệ thuật tạo hình trái cây muốn gửi đến gia đình và đôi tân lang, tân nương trong ngày cưới.
Nghệ nhân Út Thành cũng chia sẻ thêm, những ngày cận tết hay ra giêng là những ngày tất bật nhất. Những tháng còn lại chỉ làm “lai rai” nên đa số anh em đều có nghề tay trái để mưu sinh cho cuộc sống. Nhưng theo nghệ nhân Út Thành, đa số anh em đều rất đam mê mà cố gắng duy trì nghề và môn nghệ thuật này.
“Đám cưới với cổng hoa, mâm ngũ quả chưng bàn thờ còn mang âm hưởng truyền thống với một chút hồn quê giữa cuộc sống hiện đại. Vì thế, anh em nghệ nhân còn muốn giữ đến đời sau…”- nghệ nhân Út Thành tâm sự.
Đám cưới với nhiều lời chúc tụng của bà con dòng họ, bạn bè. Đôi vợ chồng trẻ cũng “nức mũi” bởi nhận được nhiều lời khen về cổng hoa cưới, mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Đôi lúc, giữa thời hiện đại, cũng cần có cái gì đó “hơi quê quê” để gợi nhớ cái cảm giác chặt lá dừa, lá đủng đỉnh hay trái dừa nước non để trang trí cổng hoa, nhà cưới...
Nghệ nhân Út Thành tên thật là Nguyễn Hữu Thành- là hội viên của CLB Nghệ thuật tạo hình trái cây (Hội Sinh vật cảnh Vĩnh Long). Nghệ nhân Út Thành đã đạt nhiều giải thưởng từ các hội thi từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Các tác phẩm của Út Thành đã phần nào gợi nhớ đến những đám cưới truyền thống, cũng như lời chú Út Thành nói: “Làm nghề này, xem như là giữ lại chút quê xưa…”
Theo Báo Vĩnh Long