“Nghệ nhân 9X” Vũ Xuân Tích chia sẻ về nghề gỗ truyền thống
Thổi hồn cho gỗ
Thôn Đông Giao được coi là làng nghề chuyên sản xuất đồ gỗ phong thủy, tâm linh, mỹ nghệ… Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với nhiều tuyệt tác từ gỗ. Nằm lẫn trong nhiều cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ, nổi bật có cơ sở sản xuất đồ gỗ Xuân Tích. Điều lạ ở cơ sở này là người chủ Vũ Xuân Tích mới 27 tuổi. Cái tuổi mà ít người làm nên công trạng, nói gì đến làm chủ một cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ.
Nhìn qua vẻ bề ngoài, không ai biết rằng, anh Tích là chủ một cơ sở sản xuất gỗ. Hơn nữa, dáng gầy gò, nói năng “nhát gừng”, càng thể hiện anh giống một công nhân hơn. Tuy nhiên, chính nét giản dị này của anh lại được anh em trong xưởng Xuân Tích yêu mến. Anh Tích là con trai cả, mặc dù được gia đình khuyến khích học hành, nhưng anh chỉ học hết lớp 9 đã tự ý nghỉ. Có lẽ do từ nhỏ đã nghe tiếng “bào xẻ” của gỗ nên anh thấy “thèm” mỗi khi xa xưởng đến lớp học. Nghề gỗ được coi là nghề truyền thống của Đông Dao, và đương nhiên, từ đời ông bà, bố mẹ anh Tích đã làm cái nghề “đục đẽo” này.
Anh Tích nói vui, từ khi trong bụng mẹ, anh đã cùng mẹ tạo tác những tác phẩm nghệ thuật gỗ rồi. Nên không biết từ khi nào, anh đã “nghiện”, ước ao khi lớn lên chính tay mình sẽ tạo tác ra những bức tượng, bình hoa, bông hoa, con vật mà mình thích. Khi anh quyết định thôi học lại là lúc nghề gỗ “chết”, sức mua giảm, nên nhiều công nhân, nghệ nhân không mấy mặn mà. Chính gia đình anh, là gia đình làm gỗ lâu đời cũng cảm thấy “nản”, nên anh quyết vào Sài Gòn mưu sinh, qua “cơn bĩ cực” sẽ trở về quê gây dựng lại “cơ đồ”.
Tại phương xa, anh vẫn đeo đuổi nghề làm gỗ của mình. Anh xin vào làm “đục đẽo” cho một cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ trang sức, như vòng tay, vòng cổ… đòi hỏi ở sự khéo léo, tỉ mẩn, kiên trì của nghệ nhân. Trong anh Tích đã “tích tụ” được những điểm này. Mặc dù hàng tháng được trả lương rất cao so với nhiều nghề khác, nhưng anh không bao giờ có ý định ở mãi nơi phương xa này, mà lúc nào trong trái tim cũng “nhức nhối” một ngày trở lại quê hương.
Vì vậy, đi làm thuê chưa được lâu thì anh “thân chinh” về lại Đông Dao, xin bố mẹ giao cơ nghiệp ông cha để lại, quyết tâm phát triển cơ sở sản xuất gỗ ngày một đi lên. Những ngày đầu đối với anh vô cùng vất vả, do tuổi trẻ, mối quan hệ chưa có nhiều, tất cả đều dựa vào mối quan hệ cũ từ gia đình, nên anh khá chật vật trong hướng đi. Nhưng không, sự bế tắc đó đã được giải quyết trong thời gian không xa khi anh nghĩ ra nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, như các loại hoa, tượng Phật, con vật, đồ phong thủy, tâm linh… với những cách tân, cách điệu không giống một tác phẩm nào.
Không những thế, có nhiều lần, anh đã thức trắng đêm để điêu khắc kịp thời cho được một tác phẩm khó mà khách hàng đã hẹn đặt trước. Cứ thế, uy tín, trách nhiệm, và tay nghề cao của “nghệ nhân 9X” vang xa, được nhiều người chơi để mắt, mỗi ngày cơ sở lại bán được nhiều sản phẩm. Công nhân và nghệ nhân đến xin làm tại cơ sở cũng nhiều lên. Hiện tại, cơ sở anh có hơn 30 người, cả công nhân lẫn nghệ nhân, với mức lương thấp nhất là 4 triệu đồng/tháng.
Qua những tác phẩm được trưng bày tại cơ sở, dễ dàng cảm nhận và hình dung được rằng, những khúc gỗ trơ lì, vô hồn trước đây đã được anh Tích và những công nhân, nghệ nhân ở đây thổi hồn vào, mang một sức sống mới, có cuộc đời riêng. Đó là những tác phẩm đẹp mê hồn khiến người xem luôn phải trầm trồ thán phục.
Anh Tích nói rằng, bản thân một nghệ nhân, mà rộng ra là một nghệ sĩ, như anh, chỉ cần nhìn một cây gỗ thô xù xì đã biết phần nào sẽ tạo được tượng, phần nào bỏ. Đó chẳng phải là tính cách của một nghệ sĩ hay sao, bởi anh đã cảm xúc, rung động ngay tức khắc với một vật vô hồn, để rồi biến nó thành một tác phẩm có dáng dấp y như thật những người, vật ngoài đời. Còn nếu có tài mà sinh kiêu, không cẩn thận thì sẽ khiến đôi tay “đục vênh, chênh kèo” khó mà thành tác phẩm được.
Bức tượng Phật Di Lặc kèm theo đá có giá hơn 30 triệu đồng và tác phẩm Bồ Đề Đạt Ma với cách tân của nghệ nhân Vũ Xuân Tích
Sợ mất tác phẩm đẹp
Điều kỳ lạ từ “nghệ nhân 9X” này là anh không vẽ phác thảo tượng, vật muốn điêu khắc ra giấy như nhiều nghệ nhân khác, mà anh nghĩ rồi làm luôn. Đó là điều hiếm thấy, bởi nếu không vẽ ra giấy trước khi làm, nghệ nhân rất dễ quên các chi tiết đã nghĩ ban đầu. Tuy nhiên, đối với anh Tích thì điều đó không hề gì, bởi anh có một trí nhớ khác người, bởi anh luôn sống cùng tác phẩm mà mình tạo tác, từ khi nó mới chỉ là một ý tưởng.
Trong các sản phẩm từ gỗ, cơ sở sản xuất Xuân Tích thường dùng gỗ hương, gỗ hương đá, gỗ trắc, gồ trầm, có cả sưa, kỳ nam… Những thớ gỗ này trước khi được đưa về cơ sở điêu khắc đều được cấp phép từ các cơ quan chức năng. Bản thân là một người yêu gỗ, yêu phong thủy, nên anh Tích tỏ ra rất thích thú với những gốc gỗ, thân gỗ có kèm theo đá. Đó là những “món” gỗ rất.. phong thủy. Bởi đá sẽ mang đến sự bền bỉ, vững chắc như bàn thạch nên tượng dựa trên đá càng tạo thêm sự vĩnh cửu cho cái đẹp và may mắn cho người chơi.
Như bức tượng Phật Di Lặc mà anh khoe, khi mang thân gỗ về có kèm theo hòn đá to. Nghệ nhân làm sao để biến hòn đã đó thành vật “bất li thân” với tượng Phật, đó là điều không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, anh Tích và những người trong cơ sở đã khổ công, mày mò, nung nấu ý tưởng nên cuối cùng cũng điêu khắc được bức tượng với nhiều đứa trẻ, thỏi vàng xung quanh biểu hiện cho sự sinh sôi, giàu sang.
Người tạo tác sản phẩm gỗ phải luôn trong tình trạng say mê thì mới làm được. Có đôi lúc anh Tích cũng cảm thấy hơi chán nghề mỗi khi đứng trước một thân gỗ không rõ hình thù gì, ngắm nghía một lúc rồi anh lại buông tay, bỏ đi đâu đó, nhưng đầu óc lúc nào cũng tơ tưởng đến. Anh luôn tâm niệm rằng “khúc gỗ méo, khéo léo cũng tròn” nên cứ thế mà bay bổng, mà đục đẽo chăm chỉ cũng ra được thứ mình cần.
Trước những biến động lớn của thị trường đồ gỗ, như việc không phải lúc nào cũng bán được sản phẩm, vì mỗi sản phẩm được tạo tác ra có giá rất cao, từ tiền triệu, đến giá hàng tỷ cũng có. Người mua trong nước lại rất hiếm, phải những người biết chơi mới dám bỏ ra một số tiền lớn để rinh về nhà sản phẩm gỗ.
Trong khi đó, những tay sành chơi, khách mua từ Trung Quốc, Đài Loan lại tỏ ra không tiếc tiền khi bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí đến tiền tỷ để có trong tay những tác phẩm đỉnh cao. Cách đây mấy năm, anh Tích thường bán những tác phẩm tâm đắc nhất của mình cho thương lái Trung Quốc, Đài Loan, giờ nghĩ lạ anh thấy tiếc.
Sự nuối tiếc ở đây là mình đã bán đi một tác phẩm điêu khắc đẹp, mà tác phẩm đó không phải được trưng bày tại một gia đình trong nước, mà nó đã “bay” sang nước ngoài, không thành vật sở hữu trong nước nữa, đó là điều nuối tiếc vô cùng. Chính vì vậy, châm ngôn của “nghệ nhân 9X” là sẽ không bán những tác phẩm đẹp nhất, ưng ý nhất của mình ra nước ngoài, mà ngồi đợi khách nội địa, những người sành chơi, đam mê đến mua. Còn vắng khách thì anh chấp nhận để trưng bày tại cơ sở. Đây quả thật là một điều lạ nữa của “nghệ nhân 9X”.
Vũ Gia Hà