Nghề làm mứt gừng đặc sản vào mùa

12/01/2017 10:52

Theo dõi trên

Cứ vào tháng chạp âm lịch, người dân xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị) lại nhộn nhịp bước vào mùa sản xuất mứt gừng để cung ứng ra thị trường phục vụ tết nguyên đán. Nghề làm mứt gừng này chỉ tồn tại trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ 1/12 đến khoảng 20/12 âm lịch).

Một vụ mùa như thế, người làm nghề này có thể thu lợi hàng chục triệu đồng, bằng cả thu nhập một năm làm nông nghiệp. Tuy chỉ mang tính mùa vụ và vô cùng vất vả nhưng nguồn lợi nhuận đáng kể từ nghề này khiến người dân nơi đây vẫn gắn bó với nó cho tới tận bây giờ.
 


Mỗi năm, làng mứt gừng Hải Chánh xuất ra thị trường trên dưới 80 tấn hàng. 

Nghề “chơi” mà lắm công phu

Theo ông Hồ Ngọc Tuấn (một người làm mứt gừng có nhiều kinh nghiệm ở Hải Chánh) thì nghề này bắt đầu xuất hiện ở địa phương sau ngày giải phóng. "Như trong nhà tôi thì đời cha tôi làm đầu tiên. Lúc đầu mới tập làm và chỉ sử dụng trong gia đình nên đa số người dân đều không để ý đến hình thức bề ngoài, chỉ miễn sao lát mứt vừa có được vị cay nồng vừa lẫn thêm vị ngọt của đường là được. Càng về sau, khi đã quen dần với cách làm mứt gừng thì người làm mứt không chỉ biết đến chất lượng mà còn chú ý đến hình thức bề ngoài như mứt gừng làm ra có được màu sắc đẹp, bản to, không bị vỡ vụn ra…. Nhà nào làm nhiều hơn thì đem đi biếu bà con thân thích như một món quà có ý nghĩa trong ngày tết cổ truyền. Về sau này, bắt đầu có một số hộ ở gần đó hỏi mua thì chúng tôi mới làm nhiều hơn 1 chút để đem bán. Đến khi càng ngày số lượng người hỏi mua càng nhiều thì chúng tôi mới nghĩ đến chuyện làm mứt gừng như một nghề để kinh doanh như hiện nay. Nhà tôi năm nào cũng làm, riêng tôi đây đã có gần 40 năm gắn bó với nghề mứt gừng này rồi”.

Cũng theo ông Tuấn thì để làm ra được một miếng mứt gừng tươi ngon, bắt mắt không hề đơn giản. Quá trình này phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: Cạo, rửa gừng cho sạch, không để cho đất cát dính vào. Đến công đoạn bào gừng thành lát đòi hỏi người thợ có tay nghề, đảm bảo lát gừng to, dài, đẹp mắt. Sau đó gừng được rửa lại lần nữa rồi cho vào luộc bằng nước chanh cho thơm, xả sạch cho ráo nước để giữ màu trắng vàng trước khi trộn gừng với đường cho lên chảo rim. Rim gừng là khâu quan trọng nhất trong các công đoạn chế biến mức gừng. Trong khâu này, yêu cầu quan trọng nhất là người rim gừng phải túc trực thường xuyên bên chảo để đảm bảo chế độ lửa cho phù hợp. Lửa quá nhỏ hay quá lớn cũng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng của mứt gừng. Mỗi chảo rim được đặt lên bếp chừng 45 đến 50 phút đến khi đường thấm đều vào lát gừng và bốc mùi thơm đặc trưng là được. “Khi tiến hành rim gừng phải đòi hỏi những người thợ lành nghề, túc trực và đảo chảo gừng thường xuyên cho thật đều. Mỗi chảo như thế chỉ để khoảng nửa kg gường lát trộn với đường theo tỷ lệ 1:1. Nếu ít quá thì gừng dễ bị cháy và nhiều quá thì đường cũng không thấm đều vào gừng và rất khó đảo”, ông Tuấn cho biết. Cuối cùng là công đoạn nhào gừng rồi ép lát gừng cho thẳng trước khi đóng gói để xuất ra thị trường. Công đoạn này giúp cho lát mứt gừng không bị xoắn lại, tạo tính thẩm mỹ. Trước khi cho gừng vào đóng gói, cần phải để cho mẻ mứt ra ngoài chừng 4 đến 5 tiếng cho nguội hẳn, tránh đóng gói lúc còn nóng sẽ làm cho gói mứt đó nhanh chóng bị chảy nước. 

Sau nhiều năm tồn tại, mứt gừng Hải Chánh đã xây dựng được chỗ đứng của mình trên thị trường, được nhiều người biết đến. Mỗi mùa, nơi đây cung ứng ra thị trường các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc trên dưới 80 tấn mứt gừng thành phẩm. Với mỗi tấn như thế, người làm mứt có thể thu lợi từ 5 đến 7 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí như nguyên liệu, nhân công.



Mứt gừng Hải Chánh không chỉ nức tiếng ở khu vực Bình Trị Thiên mà còn được bạn bè nhiều tỉnh trong cả nước.

Đồng tiền đầy cay cực

Gia đình ông Tuấn là hộ sản xuất mứt gừng nhiều nhất trong xã với khoảng 7 tấn mứt xuất ra mỗi vụ. “Để làm ra được nhiều sản phẩm như thế thì gia đình chúng tôi phải thuê đến gần 30 nhân công chia thành từng nhóm và mỗi nhóm phụ trách các công đoạn khác nhau. Vì nghề này khác với các nghề khác là thời gian của nó tồn tại rất ngắn, chỉ trong vòng 20 ngày nên mọi công đoạn đều phải tiến hành gấp rút cho kịp với đơn đặt hàng ở các nơi. Trung bình mỗi năm, mứt gừng thành phẩn bán ra có giá khoảng từ 40 đến 45 ngàn đồng nhưng năm nay giá mứt lên đến 52 - 54 ngàn đồng/1kg còn mứt loại 1 có giá 65.000/1kg nên các hộ dân làm mứt gừng ở Hải Chánh chúng tôi rất phấn khởi. Nhân công của nhà tôi thuê ở đây đa số là những người có kinh nghiệm, trải qua nhiều năm trong nghề. Họ đa phần cũng là lao động thời vụ từ các xã khác trong vùng đến làm để kiếm thêm tiền lúc nhàn rỗi. Mỗi người được trả công từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng mỗi ngày tùy theo công việc”, ông Tuấn cho hay. 

Tuy nghề này mang lại thu nhập không hề nhỏ như thế nhưng những vất vả mà người làm mứt gừng gặp phải khiến nhiều hộ gia đình đã từ bỏ nghề. Nếu như trước đây, cả xã Hải Chánh hộ nào cũng làm mứt gừng để bán tết thì đến bây giờ trong xã chỉ còn lại chưa tới 10 hộ còn gắn bó với nghề này. Nguồn vốn đầu từ vào mỗi vụ mùa ngót nghét cả vài chục triệu đồng đối với những người dân xưa nay chỉ quanh năm bên đồng ruộng là không hề đơn giản. Chính lý do này mà nhiều hộ gia đình vẫn muốn theo nghề nhưng phải miễn cưỡng để từ bỏ.

Anh Trần Văn Hùng (một người dân trước đây từng làm nghề này) cho hay: “Nghề này nhìn vào thấy như thế chứ vất vả lắm. Sáng sớm phải dậy từ lúc 3h để chuẩn bị nguyên liệu cần thiết rồi làm liên tục cho đến chiều tối mà số lượng cũng không đáng kể. Ngoài ra, để có được sản phẩm mứt gừng tươi ngon thì việc tìm mua gừng đạt chất lượng cũng vô cùng quan trọng. Người dân ở đây thường lấy gừng ở các tỉnh Tây Nguyên nên phải lặn lội vào trong đó để tìm mua nguyên liệu. Chi phí đi lại tốn kém nên một lần đi như thế phải lấy cho nhiều chứ đi lại lần nữa là mất công lắm. Mà mua nhiều thì phải bỏ vốn ra nhiều. Người dân chúng tôi ở đây ngoài làm nông nghiệp thì không có nghề gì khác nên phải đi vay mượn chỗ này chỗ khác. Những năm bán được thì không nói gì chứ năm nào mà hàng không chạy thì dễ vỡ nợ lắm. Các hàng khác bán lúc này không được thì bán lúc khác chứ với loại hàng này mà không bán được trước tết thì sau đó cũng chỉ có vứt đi thôi. Cách đây mấy năm hàng không bán được nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác quyết định bỏ nghề. Chỉ còn 1 số hộ có vốn nhiều nên còn bám trụ được cho tới giờ đó”. 


Cũng như các nghề khác, vấn đề tiêu thụ sản phẩm là một trong những khó khăn thường mắc phải của các hộ gia đình sản xuất mứt gừng. Cách đây khoảng 6 năm, sản phẩm mứt gừng Hải Chánh làm ra không tìm được khách hàng nên người dân phải tự thuê xe đưa sản phẩm làm ra đi bán lẻ ở các tỉnh. “Thời điểm đó là lúc phong trào làm mứt gừng ở đây phát triển mạnh. Nhà nào cũng sản xuất tới vài tấn nên không thể tiêu thụ hết. Thế nên mỗi hộ gia đình chúng tôi phải thuê 1 xe chở đi ra Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… để bán với giả rẻ mạt. Rất may là bán được hết nhưng phải chấp nhận lỗ vốn. Từ lần đó số lượng người làm mứt gừng ở đây ít đi. Bây giờ rút kinh nghiệm từ trước đó nên khi nào có đơn đặt hàng của khách chúng tôi mới làm với số lượng vừa đủ. Có như thế mới thu được lời. Làm nghề này cũng phải dùng đầu óc tính toán ghê lắm chú à”, ông Tuấn cười bảo. 

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Bách (Phó BQL làng nghề mứt gừng Hải Chánh) cho hay: “Mứt gừng Hải Chánh không chỉ nức tiếng ở khu vực Bình Trị Thiên này mà còn được bạn bè nhiều tỉnh trong cả nước biết đến. Tháng 12/2012, sản phẩm mứt gừng Hải Chánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ công nhận thương hiệu và cấp giấy chứng nhận bao bì, nhãn mác. Nhiều năm qua, nghề này đã giúp cho nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế đồng thời tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Về lâu dài, các hộ làm mứt sẽ được quy hoạch vào cụm công nghiệp Hải Lăng để đảm bảo vệ sinh, quy mô”.
 
Tiêu Dao - Duy Khánh

Bạn đang đọc bài viết "Nghề làm mứt gừng đặc sản vào mùa" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.