Đáy hàng bè thì đặt biệt hơn, thường được đóng ở những nơi có lòng sông sâu và nước chảy xiết, dàn đáy được liên kết bằng những chiếc ghe nổi trên mặt sông. Thông thường có đến 2 – 3 chủ đáy cùng hợp tác đóng bè và hỗ trợ nhau trong công việc làm ăn cũng như những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Anh Cang một người làm nghề đóng đáy hàng bè ở Tam Giang Tây có chia sẻ “Đôi khi, chúng tôi không nhất thiết phải đóng đáy hàng bè ở những nơi có lòng sông không đóng được cộc, đáy hàng bè có thể đóng được bất cứ nơi nào, miễn là có nhiều cá tôm và dòng nước chảy xiết và đặc biệt là ít tốn kém”. Thế mới thấy được đặc điểm thuận lợi của đáy hàng bè là chi phí không cao và có thể di chuyển dễ dàng nên người chủ đáy có thể thay đổi vị trí đóng đáy từ nơi này sang nơi khác nếu luồng cá tôm ở nơi đóng ngày càng ít dần.
Nếu như đáy hàng cặm và hàng bè được đóng trên những lòng sông thì đáy hàng khơi có sự khác biệt hơn là được đóng ở những nơi ngoài biển khơi xa đất liền khoảng chừng 8km - 20km. Người ta giăng những miệng lưới ở những nơi có lòng lạch biển, độ sâu tầm 25m. Miệng đáy rộng được làm bằng loại lưới dài, đuôi thắt, bắt cố định vào giữa hai cột đáy đã được cắm sâu xuống đáy biển. Nghề đóng đáy hàng khơi có thể hiểu đó là một nghề tương đối cực nhọc, những người ngư dân phải mưu sinh nơi đầu sóng, ngọn gió. Để có được dãy hàng khơi cao dài thẳng tấp giữa biển khơi phải là sự đấu trí với thiên nhiên về lợi dụng sức gió, sức nước, dòng chảy mới có thể dựng được những cột trụ to lớn xuống biển.
Để làm nghề đáy hàng khơi đòi hỏi phải có nhiều lao động tham gia: người bỏ tiền dựng đáy người ta gọi là chủ đáy; người chuyên chở cá tôm, cung cấp lương thực, nước uống từ tàu đem ra điểm dựng đáy gọi là “bạn tàu”; người canh giữ đáy ở trong chòi đợi đến khi con nước thuận lợi thì thả và kéo đáy gọi là “bạn chòi”. Do đặc điểm công việc nên “bạn chòi” phải là người có kinh nghiệm về đi biển, bơi lội giỏi và gan dạ dám đương đầu với những sóng to gió lớn và đặc biệt là phải xa nhà. Họ tá túc trên những căn chòi nhỏ treo lơ lửng trên những cột đáy. Mỗi chòi có diện tích khoảng 4m2-10m2 với từ 2-3 bạn chòi ở cùng nhau để đóng đáy, thu hoạch, quản lý và bảo vệ đáy hàng khơi. Những sợi dây thừng được mắc giữa các cột đáy với nhau là phương tiện duy nhất để những người bạn chòi di chuyển qua lại thả đáy và kéo đáy. Những thao tác như đi dây, đu dây, thả lưới, kéo lưới nhanh thoăn thoắt cho thấy được sự tài tình cũng như thành thạo trong công việc của họ như một người nghệ sĩ xiếc trên biển cả. Công việc của người “bạn chòi” không chỉ thế, họ còn phải thức khuya, dậy sớm, canh con nước, hết giặt đáy rồi lại phơi đáy. Những lúc rảnh rỗi họ cũng tranh thủ mắc câu kiếm thêm vài con cá làm khô như cá dứa, cá ngát, cá út để tạo thêm thu nhập cho gia đình hoặc những khi thả hồn theo con nước họ cũng có thể ngân nga vài câu vọng cổ cho vơi đi những nỗi nhớ vợ con đang ngóng đợi nơi đất liền.
Hiện nay, Cà Mau đã có hàng nghìn miệng đáy ở các cửa biểnnhư Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân); Rạch Tàu, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển). Du khách hãy thử cảm giác trải nghiệm với những căn chòi “tổ chim”, mạo hiểm đu người đi qua những sợi dây thừng nối liền giữa các cột đáy và cùng chung tay với các anh bạn chòi, bạn tàu kéo miệng đáy nặng trĩu.