Nghệ An: Khai hội đền thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí

09/03/2024 22:05

Theo dõi trên

Lễ hội đền Nguyễn Xí được tổ chức hàng năm, không những biểu hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ đến vị danh thần kiệt xuất của dân tộc, mà còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.

z5233481554347-4213f949dfcde86974021d24dede204d-1709992718.jpg
Đền Nguyễn Xí (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc). Ảnh: Nguyễn Diệu 

“Từ khi khai quốc đến nay chẳng ai được như Ngươi”!

Về xã Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vãn đền Nguyễn Xí mới thấy hết được sự cổ kính, uy nghi, trang nghiêm, rộng lớn nơi đây. Giữa bức tranh rộng lớn nhưng vô cùng phức tạp của các triều đại phong kiến Việt Nam trước và sau thế kỷ 15, lịch sử dân tộc hiện lên chân dung cuộc đời, sự nghiệp chói sáng của bậc khai quốc công thần, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Đình - Danh tướng Nguyễn Xí.

Tộc phả họ Nguyễn Đình (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) do Hội đồng gia tộc tái bản năm 1993 có chép: “Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lớn lên ông theo Thái tổ Cao Hoàng Đế khởi nghĩa Lam Sơn, cùng người anh tên là Nguyễn Biện vượt núi băng sông, mũ rơm tên đá, lập nên công to đại định”.

z5233481576715-5f7eed8aae170d7ae56b9785d325644f-1709992992.jpg
Sáng 9/3 (tức ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Xí ở xã Khánh Hợp, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Đền thờ Nguyễn Xí năm 2024. Ảnh: Nguyễn Diệu 

Dưới cờ nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ soái, danh tướng Nguyễn Xí (1397 - 1465) là một trong 40 công thần khai quốc, ông từng 10 năm nếm mật nằm gai, cùng anh trai là tướng Nguyễn Biện (1394 - 1423), đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, giải phóng đất nước thoát khỏi 20 năm dưới ách đô hộ bạo tàn của chúng. Tư tưởng “trung quân ái quốc”, trong 33 năm giai đoạn đầu của triều Hậu Lê, ông là trụ cột nhiếp chính 4 đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông.

Ông mất giờ Thân ngày 30 tháng 10 năm Ất Dậu (1465) tại Thăng Long, hưởng thọ 69 tuổi. Nghe tin ông mất, vua Lê Thánh Tông buồn than "Từ khi khai quốc đến nay chẳng ai được như ngươi", vua bỏ triều 3 ngày không ngự, ban nhiều tặng vật, cấp mọi thứ nghi trang tế lễ, 100 quan tiền, và sai quan hữu ty lo liệu mọi việc, nhà vua còn tặng ông danh hiệu Thái sư Cương Quốc Công đặc ân khai quốc. Từ xưa đến nay người làm bề tôi mà lúc sống được phong, khi chết được tặng, văn ngợi ca vinh quang không dứt, thật không ai sánh nổi với ông.

z5233481618127-b5af4005033cef0173cc9e2e5f92c8e8-1709993041.jpg
Lễ hội Đền Nguyễn Xí năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến ngày 10/3 (tức ngày 28 tháng Giêng đến mồng 1 tháng 2 năm Giáp Thìn). Ảnh: Nguyễn Diệu 

“... Xét Nguyễn Xí khí độ trầm hùng, tính người cương đại, giúp Cao Hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò Tiên Khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập, ra vào hết chức phận tướng văn, tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con, giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều trưởng mộ phong thái, bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh” - Vua Lê Thánh Tông nói về Tướng quốc Nguyễn Xí.

Để tưởng nhớ, tôn vinh, ngưỡng vọng vị danh tướng danh thần kiệt xuất của dân tộc, vị Thánh Tổ của một trong những dòng họ sớm có mặt từ buổi đầu khai ấp lập làng nơi miền duyên hải, dần phát triển ra khắp xứ Nghệ, hàng năm các thế hệ con cháu của Cương Quốc Công tổ chức Lễ hội ngay tại khu vực đền.

z5233481627853-c4495e1dca1e31f1a7d3e601df01ffd31-1709992839.jpg
Với dáng dấp kiến trúc thời Lê, Đền Nguyễn Xí được xem là một trong những ngôi đền linh thiêng, cổ kính, độc đáo vào hạng bậc nhất xứ Nghệ. Ảnh: Nguyễn Diệu 

Lễ hội đền Nguyễn Xí phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp 

Đền thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí được xây dựng trên một khu đất cao, tách xa khu dân cư. Với dáng dấp kiến trúc thời Lê, Đền Nguyễn Xí được xem là một trong những ngôi đền linh thiêng, cổ kính, độc đáo vào hạng bậc nhất xứ Nghệ. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2280/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Xí. 

Giai đoạn đầu, lễ hội mang dấu ấn văn hóa dòng họ. Về sau, trong quá trình giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa dòng họ (đóng vai trò hạt nhân) với văn hóa cộng đồng làng - xã - vùng - miền, lễ hội đền thờ Nguyễn Xí phát triển thành một lễ hội mang màu sắc văn hóa xứ Nghệ. Lễ hội được tổ chức vào các ngày 29, 30 tháng Giêng và ngày mồng một, mồng hai tháng Hai âm lịch (năm nào tháng Giêng thiếu thì tổ chức vào ngày 28, 29), tại khuôn viên đền thờ Nguyễn Xí.

z5233481608267-42edf4f031ba8ea0a3320404966252a9-1709993366.jpg
Khởi nguồn của lễ hội đền Nguyễn Xí là lễ mừng công của Đại Tộc, lễ Kỳ Phúc và lễ Bạch sắc Hồng Đức năm thứ 3 (1473) của vua Lê Thánh Tông, phong thần cho Thái sư Cương Quốc công, kiêm ngày giỗ của Quốc phu nhân - Lê Thị Ngọc Lân (tức vợ chính thất của đức Tổ). Ảnh: Nguyễn Diệu

Vua Gia Long niên hiệu thứ nhất, ngày 09 tháng 09 năm 1802 chiếu rằng: “Hậu duệ của cựu Lê Công thần Nguyễn Đình Xanh hãy kính cẩn mà biết rằng: Tổ tiên của ngươi - Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí là người đã giúp Lê triều đánh tan giặc Minh mở mang đất nước. Công lao được xét vào bậc nhất, từng được phong thưởng thêm nhiều chức tước, đã cùng đất nước vui vầy... Gia thanh của Tổ, nhà ngươi đều biết. Nay đất trời đã yên định, bốn bề đã trong lành, xét theo đạo đức và công lao mà sử sách đã ghi chép, tôn vinh và theo phép tắc điển chương của Quốc gia, Trẫm chuẩn lệnh cho ngươi được hưởng chế độ ấm tử, được miễn công việc sưu dịch để chỉ lo việc tế tự ngài Nguyễn Xí. Lại cho thêm hai người lấy trong họ tộc làm sải phu, cũng được miễn sưu dịch để chăm lo việc thu nạp nơi đền thờ. Hãy theo đúng nguyên tắc mà làm đầy đủ thêm điền lệ.

Kính vậy thay! Lởi chiếu đặc biệt này.”

z5233481591182-902db3472fe795e99f65d780b9c64d17-1709993624.jpg
Các bước đại tế diễn ra chặt chẽ theo quy định của Hội đồng gia tộc. Ảnh: Nguyễn Diệu

Theo phong tục, từ ngày 25 tháng Giêng, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình phải ngừng mọi công việc cúng cầu siêu, giải hạn, xin quẻ... để tập trung tổ chức lễ hội thật tốt. Gia tộc phân công con cháu tiến hành dọn dẹp vệ sinh đền, khu lăng mộ, các khu vực xung quanh đền và toàn bộ đồ tế khí trong đền; tạo mọi điều kiện cho con cháu và du khách thập phương về tham dự lễ hội, đảm bảo tốt việc phòng chống cháy nổ trong đền thờ và khu vực phụ cận. Hướng dẫn du khách, con cháu thực hiện tốt phần lễ tại đền thờ. Tổ chức các lễ nghi một cách nghiêm túc, văn minh, tiết kiệm.

Các bước đại tế diễn ra chặt chẽ theo quy định của Hội đồng gia tộc. Nội dung bài chúc văn đại tế mời tổ tiên, tướng lĩnh, quan chức, binh lính đã tham gia trận mạc chống quân Minh và những người khai hoang lập làng về đền để nghe những lời chúc tụng, tri ân của con cháu và lời nguyện cầu của con cháu mong được che chở, phù hộ độ trì. Sau khi lễ tất, con cháu vào thắp hương bái tổ và tập trung ở nhà bái đường để tiến hành sinh hoạt dòng họ. Chánh ban quản tộc dòng họ Nguyễn Đình nhắc lại công trạng của đức Tổ và lời di huấn của Ngài trong dịp lễ hội để con cháu tự hào là con cháu của dòng họ nhân ái, nhân văn và yêu nước. Cuối cùng là lời nhắc nhở, chúc may mắn, sức khỏe của chánh ban quản tộc và khách thập phương cũng như con cháu cùng ngồi dự bữa cơm cộng cảm gắn kết cộng đồng gia tộc, cố kết cộng đồng.

z5233481562206-f3f85278fbfb2143cd2ec0d2ab39c7d5-1709993719.jpg
Bậc khai quốc công thần, Thủy tổ của dòng họ Nguyễn Đình, Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí (1397 - 1465). Ảnh: Nguyễn Diệu

Sau lễ Đại, 16 giờ ngày mồng một tháng hai âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Đình tổ chức lễ tạ với đức Tổ và các vị thần linh. Lễ hội đền Nguyễn Xí diễn ra tuần tự như những lễ hội cổ truyền khác như: lễ khai quang ngày 17, lễ rước và lễ yết cáo ngày 29 tháng Giêng. Ngày nay, vào ngày 29 tháng Giêng, sau phần đón tiếp đại biểu, còn có văn nghệ chào mừng và lễ dâng hương tại đền thờ Nguyễn Xí. 

z5233481576866-1c61700d185ff8a67d4fb6eaa63f0059-1709993801.jpg
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2280/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Xí. Ảnh: Nguyễn Diệu

Về đền “Cương quốc Công Từ” đọc những dòng do tiền nhân viết khắc lên bia đá, in trong sử sách, lớp lớp người đời càng hiểu rõ công lao trời biển của người “hai lần khai quốc”, càng cảm nhận rõ Lễ hội đền Nguyễn Xí là một thông điệp mang giá trị lịch sử to lớn. Đó là: Yêu nước thương nòi là truyền thống của người Việt. Yêu nước sẵn sàng xả thân cứu nước đã thành lẽ sống của người Việt.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Khai hội đền thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.