Ngày 1/10/2022 đánh dấu tròn 1 năm TPHCM bước vào giai đoạn “bình thường mới”

30/09/2022 23:31

Theo dõi trên

Đại dịch đi qua cũng đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị sâu sắc. Chẳng hạn, đó là vấn đề xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở để ứng phó với các điều kiện đặc biệt...

vn3647547478-1664555344.jpg
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, trao thư cảm ơn các nhà hảo tâm đã tham gia thực hiện Chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” do Báo Thanh niên tổ chức, nhân kỷ niệm 1 năm thực hiện chương trình, ngày 16/9/2022. (Ảnh: NMH)

Ngày 1/10/2022 đánh dấu tròn 1 năm TPHCM bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Bắt đầu từ đầu tháng 5/2021 khi xuất hiện những ca nhiễm của đợt bùng phát dịch thứ tư, sau đó dần lan rộng ra toàn thành phố, đến cuối tháng 7/2021, tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, buộc lãnh đạo thành phố phải thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. Số ca nhiễm có lúc tăng rất cao, số người tử vong do Covid-19 có một số ngày ở mức hàng trăm khiến trong hơn 2 tháng (đặc biệt là từ cuối tháng 7 cho đến đầu tháng 9) thành phố như “bị trọng thương”…

Hẳn mỗi người trong chúng ta đều có những kỷ niệm, ký ức đau thương riêng suốt thời gian cao điểm của dịch bệnh. Hẳn chúng ta cũng đã có những cách ứng xử riêng – bên cạnh các cách ứng xử chung theo điều kiện của xã hội – và có những trải nghiệm riêng. Hẳn chúng ta đã có những nỗ lực riêng để cùng mọi người vượt qua dịch bệnh và từ đó có những cảm nhận riêng về dịch bệnh... Nhưng có lẽ hầu hết chúng ta đều “vỡ òa” khi lãnh đạo thành phố quyết định nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10/2021 để bước vào trạng thái “bình thường mới”. Khi thời gian lùa xa tròn 1 năm, chúng ta càng có điều kiện để nhìn lại tương đối đầy đủ ý nghĩa và giá trị của quyết định này.

Trước hết, phải khẳng định rằng việc “mở cửa” vào đầu tháng 10/2021 là một quyết định hết sức dũng cảm. Bởi trong điều kiện khi đó, số ca nhiễm và ca tử vong tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với một số thời điểm trước đó khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, lúc này, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được thực hiện trên diện rộng với đại đa số người dân đã được tiêm 2 mũi; trong khi đó, tình hình kinh tế của thành phố và đời sống của người dân vô cùng khó khăn; đồng thời, yếu tố “miễn dịch cộng đồng” bước đầu đã thể hiện rõ. Tức là, áp lực phải “mở cửa” là rất lớn giữa lúc các điều kiện an toàn đã được bảo đảm hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, sau hơn 5 tháng chống dịch quyết liệt, các lực lượng và người dân đã có nhiều kinh nghiệm để tự bảo vệ cũng như có thể vượt qua các tình huống thử thách khắc nghiệt, đồng thời ít nhiều đã thích nghi với tình thế đó. Do vậy, quyết định “mở cửa” là dũng cảm và khó khăn nhưng hoàn toàn không phải “làm liều” mà chính là dựa trên những tiền đề hợp lý và có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

vuichoiroinuoc-1664555435.jpg
Các em thiếu nhi tham gia trải nghiệm trò chơi múa rối nước tại Công viên Gia Định

Việc dỡ dần các giãn cách của TPHCM - một trung tâm kinh tế của cả nước - trên thực tế đã tạo điều kiện để người dân có thể dần trở lại các sinh hoạt thường ngày: đi làm để kiếm sống, học hành, sinh hoạt, đi lại, giải trí, du lịch… Suốt gần nửa năm phải giãn cách xã hội theo nhiều hình thức, tâm trạng chung của người dân là bức bối; chính các lực lượng tuyến đầu đã oằn mình chống dịch, phải hy sinh đời sống riêng tư cũng khiến không ít người “kiệt sức” theo nhiều nghĩa. Sự đứt gãy trong chuỗi các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước đã bộc lộ ngày càng rõ nét, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước cũng như khả năng hồi phục sau dịch, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời.

Ngoài ra, quyết định mở dần các hình thức giãn cách xã hội cũng thể hiện một quan điểm mới, một nhận thức mới về công tác phòng chống dịch. Quan điểm đó, nhận thức đó không tự nhiên có mà phải căn cứ trên các điều kiện thực tiễn và năng lực thích ứng thực tiễn của toàn xã hội, chứ không phải chỉ từ các vị lãnh đạo. Rõ ràng, bằng trải nghiệm cụ thể, bằng tích lũy kinh nghiệm, bằng sự vận dụng bài học từ các nước…, quan điểm đó, nhận thức đó thông qua các biện pháp phòng chống dịch đã thể hiện sự đúng đắn, kịp thời, hiệu quả, cả trên bình diện cả nước hay chỉ ở TPHCM. Điều đó có lẽ được tất cả chúng ta nhìn thấy.

Đã có những mất mát, đau thương trong một cuộc chiến quá ác liệt và chưa có tiền lệ. Đã có những lời xin lỗi chân thành cùng nhưng giọt nước mắt, những trường hợp bị phê bình, kỷ luật do chưa thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch, đã có không ít hậu quả để lại trên nhiều lĩnh vực… Nhưng trên hết, đến giờ này, có thể nói rằng TPHCM đã vượt qua được thời khắc đau thương cả bằng sự nỗ lực tự thân và sự giúp đỡ chí tình. Đến giờ này, tất cả chúng ta gần như đã trở lại cuộc sống bình thường trong tâm thế của một trạng thái “bình thường mới”.

211-1664555488.jpg
Người yêu sách chọn và mua sách tại Đường sách Nguyễn Văn Bình

Một năm qua, cùng với các nỗ lực phục hồi kinh tế, nhiều giải pháp khắc phục hậu quả của đại dịch đã được cả hệ thống chính trị, tất cả người dân cùng thực hiện. Chúng ta đã biến đau thương thành các hành động cụ thể, thiết thực trong việc hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, chăm lo các trường hợp bị mất người thân do đại dịch, nhất là với các trẻ em mất cha, mẹ, người thân. Chúng ta đã triệt để thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” cả về vật chất lẫn tinh thần, cả ở góc độ cá nhân lẫn xã hội. Sự cộng đồng trách nhiệm, yếu tố nhân văn - nghĩa tình đã được thể hiện đậm nét ngay trong dịch và sau dịch; trong chúng ta, gần như luôn có sự “đáp đền tiếp nối” để tình thương, sự quan tâm, chăm sóc được kéo dài ra mãi, đến tất cả mọi người, ở tất cả các khía cạnh.

Đại dịch đi qua cũng đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị sâu sắc. Chẳng hạn, đó là vấn đề xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở để ứng phó với các điều kiện đặc biệt; hay vấn đề tổ chức mạng lưới y tế dự phòng và y tế cơ sở để ứng phó với các thảm họa như dịch bệnh hay thiên tai; hay việc tổ chức các lực lượng khẩn cấp để đối phó với các khủng hoảng; kể cả việc quản lý rủi ro và thích nghi với các rủi ro kéo dài…

Để không sự mất mát nào là vô nghĩa, tất cả chúng ta nên tự nhìn lại để chiêm nghiệm về cách chúng ta ứng phó với các tình huống ngặt nghèo, cách chúng ta phối hợp với cộng đồng, với xã hội như thế nào để cùng vượt qua các tình huống đó, cách chúng ta tổ chức lại cuộc sống trong điều kiện các rủi ro có thể xảy ra bất ngờ và không lường được hậu quả, cách chúng ta tri ân với sự giúp đỡ, những sự hy sinh của cộng đồng, của người khác… Và do đó, nhiều dấu ấn sâu đậm của 1 năm trong “bình thường mới” ở TPHCM cùng các bài học quý báu nên được từng người nhớ tới và suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Ngày 1/10/2022 đánh dấu tròn 1 năm TPHCM bước vào giai đoạn “bình thường mới”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.