Nét đặc trưng trong nghi lễ cưới của người Mạ

21/10/2016 10:19

Theo dõi trên

Ngày nay trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Nên hôn lễ ở các vùng người Mạ được tiến hành đơn giản nhưng vẫn giữ những nét riêng về nghi thức truyền thống và sự vui vẻ, đồng cảm, mang đậm sắc thái cộng đồng.

Trong ngày cưới, quan trọng nhất là khi đưa cô dâu về nhà chồng, cô dâu trên vai mang theo gùi hạnh phúc đến cho nhà trai; cùng đi có chú rể, tóc giắt lông chim Rling và đông đảo bà con, họ hàng nhà gái.

Khi đến cổng nhà chú rể, đoàn nhà gái dừng lại, dàn chiên tấu lên một điệu chiêng vui Họ nhà gái chúng tôi đã tới nhà trai có vui vẻ sẵn sàng đón chúng tôi chưa.

Lúc đó nhà trai cũng vui vẻ trả lời bằng một điệu chiêng. Khi tiếng chiêng chào hỏi vừa dứt, người mẹ chú rể nhanh nhẹn ra đón con dâu và dắt cô dâu vào nhà, hướng dẫn cho cô dâu để gùi củi trong góc bếp của gia đình.

Nghi thức đầu tiên mở đầu là lễ cúng Yàng để xin cho đôi trai gái được thành vợ, thành chồng. Vật lễ không thể thiếu là một chóe rượu cần, một con gà luộc và những chiếc bánh được làm bằng bột nếp. Thịt gà được đem giã nhỏ gói vào mảnh lá chuối, một mảnh lá khác đựng tiết gà, cùng với cơm nếp hoặc những chiếc bánh làm bằng bột nếp (tượng trưng sự gắn bó giữa cô dâu và chú rể). Đây là lễ thức rất quan trọng, ngoài sự có mặt đông đủ mọi người trong họ hàng thiết của hai gia quyến, có cả sự hiện diện của chủ làng làm chứng.



 
Lễ chạm trán cho cô dâu, chú rể - Ảnh: baolamdong.vn
 
Trong lễ cưới của người Mạ, quan trọng nhất là nghi thức “chạm trán” cho cô dâu, chú rể. Đôi trai gái phải đứng bên nhau trước bàn thờ, người chủ hôn sẽ làm tượng trưng bôi máu con vật hiến tế lên trán cô dâu, chú rể để cầu mong sự may mắn đến với cặp vợ chồng mới. Tiếp đến, cô dâu, chú rể quì gối, đối mặt với nhau để chủ hôn trùm lên đầu họ một tấm đắp mới dệt, lúc này hai người ở trong tấm đắp phải chạm trán với nhau bảy cái, để thể hiện sự tâm đầu ý hợp của đôi vợ chồng trẻ. Đây là nghi thức thiêng liêng, như là lời thề thủy chung của đôi trai gái trước sự chứng kiến của thần linh và dân làng.

Sau đó, người cậu thay mặt cho bố mẹ chú rể đưa cho cô dâu – chú rễ mỗi người một chiếc bánh bột. Cô dâu và chú rể sẽ lần lượt trao cho nhau, họ cùng ăn chung hai chiếc bánh này và uống chung một bầu rượu cần hút từ chóe rượu cúng Yàng, thay lời hứa hẹn sung sướng cùng hưởng, khó khăn cùng chia sẻ với sự chứng kiến của đông đảo dân làng, nghi lễ này được lặp lại 6 lần.

Lễ trao vòng được thực hiện. Sau lễ trao vòng, đại diện nhà trai trân trọng gửi tặng đại diện nhà gái một tấm choàng đẹp và nhiều vòng đeo hạt cườm, đồng thời người cậu hướng dẫn để cô dâu, chú rể quỳ gối, đối mặt với nhau, bố và mẹ chú rể cùng đắp lên người họ một tấm chăn, đại diện hai họ nhẹ nhàng đẩy hai mái đầu cụm lại 7 lần, tượng trưng cho tình yêu mãi đẹp và luôn tâm đầu hợp ý.

Tổ chức vui chơi phổ biến trong tiệc cưới ở nhóm thanh niên nam nữ là đàn, hát, nhảy múa. Nhiều tình cảm nam, nữ thanh niên được nảy sinh trong những dịp cưới như thế này. Nhóm của những người già thì đánh đồng la, thổi khèn bầu, đọc đối các câu ca dao tục ngữ… Mọi người cùng uống rượu, ca hát, nhảy múa theo nhịp cồng chiêng rộn rã. Bữa tiệc diễn ra trong không khí cởi mở, thắm tình làng xóm và có thể kéo dài thâu đêm.

Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Nét đặc trưng trong nghi lễ cưới của người Mạ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.