Năng động, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm

20/09/2016 10:27

Theo dõi trên

Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của huyện ủy, UBND huyện, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong XDNTM, đến nay bộ mặt nông thôn của xã Xuân Du đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.


Nhiều tuyến giao thông ở xã Phú Nhuận (Như Thanh) được bê tông hóa

Nhận thức đúng đắn...

Trao đổi với ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, được biết: Ngay sau khi triển khai chương trình XDNTM, đảng bộ huyện nhận định, đây là việc rất khó, đòi hỏi quá trình lâu dài, không thể nóng vội, mà phải kiên trì, từng bước đột phá, có quyết tâm chính trị cao và phải thống nhất tư tưởng trong nhân dân. Để cụ thể hóa nhận thức đó, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về XDNTM, cùng với đó là xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và sáng tạo, sát với thực tế địa phương. Việc lãnh đạo, chỉ đạo được ban chấp hành (BCH) đảng bộ huyện triển khai quyết liệt trên tinh thần đổi mới. Sự đổi mới được thể hiện từ việc các đồng chí thường trực huyện ủy thường xuyên xuống các địa phương, vào tận thôn xóm để trực tiếp nắm bắt những khó khăn, bàn các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân ngay tại cơ sở để tháo gỡ những vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện được phân công phụ trách các xã, thị trấn trên địa bàn thường xuyên bám nắm cơ sở nên công tác chỉ đạo, điều hành luôn được thống nhất từ huyện đến cơ sở. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các phòng, ban, ngành thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn trong triển khai thực hiện các tiêu chí NTM theo lĩnh vực ngành được phân công phụ trách. Cùng với đó, đảng bộ, chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của việc XDNTM, thấy được vai trò, nhiệm vụ của mình trong thực hiện các tiêu chí... Qua tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương đã thống nhất cao thực hiện phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Đối với những tiêu chí khó, cần phải huy động nội lực, ngoại lực, các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để chỉ đạo, vừa bảo đảm đúng lộ trình, vừa phù hợp với khả năng huy động sức dân. Một trong những vấn đề khó nhất trong XDNTM là nguồn vốn. Trong khi nhiều nơi vẫn đang vừa làm vừa chờ sự hỗ trợ của Nhà nước thì Như Thanh đã chủ động vượt khó và tìm cách làm sáng tạo, đó là tập trung huy động đa dạng các nguồn lực, trong đó lấy nhân dân làm chủ thể và vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh. Để kích cầu các nguồn lực, huyện cũng đã ban hành một số nghị quyết về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ thực hiện một số đề án như: Chính sách hỗ trợ kinh phí mua giống lúa lai; chính sách hỗ trợ mua máy ép phân viên nén dúi sâu; chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa... Mặc dù kinh phí hỗ trợ không nhiều, song đã có tác dụng lớn trong kích thích, kích cầu các địa phương, nhân dân thực hiện các mục tiêu đề ra. Nhiều phong trào được dấy lên ở các địa phương, tạo sự lan tỏa, khuyến khích thi đua trong toàn xã hội, như phong trào “Hiến đất mở rộng nền đường”, “Phong trào cây mía - XDNTM”, “Phong trào xây dựng hố xử lý rác ở mỗi gia đình”...

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm, cốt lõi trong XDNTM được huyện Như Thanh chú trọng. Trong quá trình triển khai, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với XDNTM, trong đó ưu tiên phát triển nhanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao. Với sự thống nhất về tư duy cùng lộ trình, bước đi sáng tạo, cẩn trọng, chương trình XDNTM ở huyện Như Thanh được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy. Điều này được minh chứng bằng việc nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của, hiến đất để xây dựng các công trình chung. Từ năm 2010 đến tháng 6-2016, toàn huyện đã huy động được hơn 1.647 tỷ đồng, trong đó 62% vốn do nhân dân đóng góp xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng XDNTM. Ngoài ra, nhân dân trong huyện đã tình nguyện hiến hàng trăm nghìn m2 đất để mở đường giao thông nông thôn và nội đồng, mở rộng nhà văn hóa, chợ, các công trình công cộng.

... Và những cách làm hay

Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của huyện ủy, UBND huyện, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong XDNTM, đến nay bộ mặt nông thôn của xã Xuân Du đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Ông Nguyễn Văn Sinh, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, cho biết: Để XDNTM Xuân Du đã ban hành được một số nghị quyết chuyên đề tập trung vào giải quyết các vấn đề quan trọng, bức thiết tại địa phương, điển hình là nghị quyết về “Huy động sức dân”. Tại nghị quyết này xã đã có những chính sách đặc thù như không huy động kinh phí đối với các hộ thuộc diện chế độ, chính sách thương, bệnh binh, người già, gia đình neo đơn, hộ nghèo; đề ra các mức thu khác nhau không cào bằng mà huy động theo nhóm hộ giàu, hộ khá, hộ trung bình. Từ đây đã tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, xã đã ban hành nghị quyết về mức hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật XDNTM. Tại nghị quyết này xã có cách làm riêng, đó là căn cứ vào các công trình hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa của các thôn xếp theo thứ tự ưu tiên, xã có mức hỗ trợ nguyên vật liệu cho các thôn để huy động cộng đồng dân cư kết hợp triển khai. Từ cách làm trên, toàn xã đã xây dựng được gần 50 km đường giao thông liên thôn, nội thôn; làm mới một trạm biến áp; xây mới nhà chức năng trường THCS...

Xác định lấy giao thông làm khâu đột phá, xã Phú Nhuận nỗ lực huy động mọi nguồn lực để thực hiện bê tông hóa các tuyến đường theo đúng tiến độ. Rút kinh nghiệm trong công tác quản lý từ những địa phương khác, chính quyền xã không đứng ra đấu thầu thi công mà giao trực tiếp về cho các thôn, xóm. Ban phát triển thôn tiến hành lập dự toán, trình UBND xã phê duyệt. Những thôn có hệ thống giao thông bị hư hỏng nặng được ưu tiên làm trước. Đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, chính quyền xã giao cho người dân tự đứng ra đấu thầu, thi công và giám sát công trình. Trong quá trình thu, chi đều công khai, dân chủ, minh bạch và hiệu quả. Việc huy động sức đóng góp của nhân dân được chính quyền thôn, xã thực hiện trên cơ sở nhân dân tự nguyện, vừa sức, không huy động quá sức dân. Chính nhờ những chính sách hợp tình, hợp lý ấy mà ngoài việc đóng góp đầy đủ các khoản thu bắt buộc, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, phá tường rào, ủng hộ thêm tiền của để mở rộng đường giao thông. Cùng với phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học, y tế... cũng  đã được đông đảo nhân dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng, tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Với tổng nguồn vốn gần 100 tỷ đồng, Phú Nhuận đã xây dựng được 13,1km đường giao thông, xây mới các nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế...

Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Như Thanh đã đạt được những kết quả quan trọng trong XDNTM. Đó là những minh chứng trong việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết các tầng lớp nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

(Theo Thanh Hóa Online)

Quốc Hương
Bạn đang đọc bài viết "Năng động, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.