
Nhặt nhạnh những giá trị nhỏ bé còn xót lại trong đóng rác thải hỗn độn, gắn mình với những thứ bỏ đi của người khác chính là cách mưu sinh của không ít người.
Khi ánh nắng chiều gay gắt vừa tắt cũng là lúc bà Ni (50 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu một ngày mưu sinh. Bà lang thang khắp công viên Biển Đông (Đà Nẵng) để lượm lặt những chai lọ, thùng giấy, hộp nhựa người ta bỏ đi về bán.
Bà Ni tâm sự: “Không chồng cũng chẳng có con, sức khỏe thì yếu nên không ai thuê làm gì cả. Chỉ biết biết nương nhờ vào cái nghề nhặt ve chai này mà sống qua ngày. Chân bị khớp đau nhức thường xuyên nên tôi chẳng đi nhặt đâu xa, quanh quẩn ở công viên này gom góp 2 đến 3 đêm rồi bán cũng được vài chục ngàn, ăn uống tằn tiện lắm cuối tháng mới đủ trả tiền trọ cho người ta”.
Ở cái tuổi 50 nhưng lưng đã còng, chân lại đau có lẽ đây là cái nghề duy nhất bà đủ sức làm. Nhìn bà với dáng người nhỏ bé gầy guộc, đôi bàn tay nhem nhuốc, đôi bàn chân lấm lem đất cát, bụi đường không khỏi khiến người ta ngậm ngùi. Tại sao cũng một kiếp người mà lại khác nhau đến vậy? Khi người ta chải chuốt, áo trắng quần trơn đến những nơi sang trọng lại là lúc bà khoát lên mình chiếc áo sờn bạc màu, mò mẫm với những thứ nhớp nháp, bẩn thiểu để kiếm tiền.
Theo lời kể của anh Trần Hữu Tại là bảo vệ tại công viên Biển Đông: “Từ ngày tôi đến đây làm tối nào cũng vậy, mặc cho mưa gió vẫn thấy bà lang thang nhặt vỏ chai ở đây. Có những hôm mưa lớn cứ ngỡ bà sẽ không đi được thế mà đến tận khuya khi cơn mưa nặng hạt tan dần thì lại thấy bà lọ mọ bên những thùng rác nằm dọc công viên”.
Cuộc sống với gánh nặng mưu sinh vốn là vậy, mặc cho đôi chân có mệt mỏi họ vẫn cần mẫn lầm việc chưa bao giờ dám ngơi nghỉ.

Bước chân gầy len lỏi mọi nẻo đường
Cũng giống như bao mảnh đời bất hạnh bà Trần Thị Sáu không gia đình, không một người thân. Bà từ Quảng Nam ra thành phố vất vả, lận đận với nghề nhặt rác mưu sinh để duy trình cuộc sống. Năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng hằng đêm bà vẫn miệt mài bên bờ hồ đường Hàm Nghi (TP Đà Nẵng) để nhặt những nắp chai, vỏ lon bia quanh các quán nhậu và các thùng rác dọc bờ hồ. Hành trang của bà chỉ là một bao nilon lớn và một cây gậy sắt có gắn nam châm đã bị hen rỉ theo tháng năm. Với kinh nghiệm lâu năm làm nghề này bà có thể khẳng định 100 nắp chai sẽ đủ 1kg và chỉ bán được với giá 2 ngàn đồng.
Ngồi gỡ những nắp chai đang hít trên đầu nam châm, đôi mắt rưng rưng, bà Sáu kể: “Làm cái nghề này bèo bọt, hèn mọn lắm, có người nhìn mình với vẻ xót thương, có người lại nhìn với ánh mắt khinh rẻ. Nghề này phải chịu cực một chút, chịu dơ một chút mới có thể kiếm được những đồng tiền ít ỏi nhưng đó là đồng tiền sạch. Dẫu sao vẫn tốt hơn là đi ăn xin hay đi trộm cắp khắp nơi”.
Với nhiều người rác chính là một thứ bẩn thỉu và rất khủng khiếp chỉ muốn vứt bỏ đi, nhưng với bà Sáu rác chính là miếng cơm manh áo, là cuộc sống mà bà đang trong chờ vào nó ở cái tuổi đã xế chiều.
Khi được hỏi, bà Sáu không ngần ngại chia sẻ những khó khăn. Bà kể, trước đây cũng gom góp tiền mua được chiếc xe đạp cũ đi làm về khuya cho đỡ vất vả, thể mà mãi mê nhặt rác nên bị bọn trộm lấy mất. Có những đêm mưa to gió lớn phải đi bộ mang theo bao rác trên vai về đến trọ cũng là lúc trời trở sáng. Cũng may trời vẫn còn thương cho bà chút sức khỏe chẳng đau ốm gì, nên công việc cứ liên tục ngày này qua ngày nọ chẳng ngừng nghỉ.
Dưới ánh đèn đêm vàng vọt nơi phố thị là những dáng hình nhỏ bé liêu xiêu cần mẫn làm việc. Bát cơm họ kiếm được qua những đêm cũng thấm đẫm sự nhọc nhằn và khắt nghiệt. Dẫu biết ẩn chứa nhiều nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập, nhưng vì gánh nặng mưu sinh những người phụ nữ nhặt rác này chỉ biết nhắm mắt mà chấp nhận tất cả.