Mùa xuân trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại

02/02/2017 17:09

Theo dõi trên

Trên cung đường Hồ Chí Minh mùa xuân này đầy nắng và gió. Những ngày đầu xuân, lại ngược nắng, ngược gió, ngược những con dốc nhỏ về lại với Trường Sơn như về với người tình trăm năm vậy.

Những ngày đầu mùa xuân trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, những rừng cao su đang trổ lá non xanh mới, những vườn tiêu mỡ màng trên vùng đất bazan. Hoa blang (pơlang) trên những thân cây cao vút rực lửa để điểm xuyết những chấm đỏ trên bầu trời cao xanh, trong vắt mỗi khi ngẩng mặt ngắm nhìn.

Mùa xuân Tây Nguyên, hoa cà phê nở muộn vẫn trắng xóa trên cành. Trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đoạn vắt qua cao nguyên từ Quảng Trị đến Đăk Lắc, những ngày đầu xuân mới đã được ghi lại. Đó là bức tranh đẹp nhất trong những bức tranh của vùng núi rừng đại ngàn, với điểm xuyết đan xen một làng M'nông hay Ê Đê, J'rai hay Banah trên chập chờ mây nắng cùng những những ngụm tình cảm nặng sâu thấm đẫm nét mộc mạc hiền hoà, cởi mở và da diết của những con người qua nhiều thế hệ vẫn nặng nợ với thiên nhiên nơi này. 

 

Đường Hồ Chí Minh chạy vắt trên dãy Trường Sơn đi qua nhiều tỉnh thành của miền Trung - Tây Nguyên. Tình đất tình người trong cuộc nhàn du càng thiết tha hơn về bầu bạn, về con người và quê hương đất nước, như một tứ thơ ngân rung từng li ti mao mạch dẫn nguồn máu nóng ấm truyền lưu trong tâm hồn và huyết quản trong dài rộng nguy nga của dáng hình giang sơn cẩm tú này. Những thị trấn, thị tứ miền sơn cước đã "thay da đổi thịt" rất mạnh mẽ qua thời gian. Trong ảnh là ngã ba thị trấn Ngọc Hồi (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), nơi có ckhu vực được mệnh danh là Ngã ba Đông Dương, nơi một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe.
 

Trên cung đường huyền thoại này, bạt ngàn những rừng cao su mùa rụng lá trả dài tít tắp. Cao su là một trong những cây trồng chủ đạo ở vùng núi rừng Trường Sơn - Tây Nguyên, đem lại việc làm và thu nhập cho người dân nơi đây.
 

Những vườn tiêu xanh mướt mắt nằm ven đường. Mùa này, hoa cà phê nở trắng trời tây nguyên, báo hiệu một niên vụ bội thu. Chẳng biết có quá hay không, khi mọi người luôn gọi mùa xuân ở cao nguyên là “mùa xuân trắng”, bởi bạt ngàn màu trắng của hoa cà phê. Hoa cà phê phủ một màu bung biêng hoa trắng, ngào ngạt hương đưa của những làng buôn đã ngày càng "thay da đổi thịt", những núi đồi nhấp nhô xanh trong nắng gió.
 

Dọc dài trên cung đường Hồ Chí Minh mùa xuân này, không khó để bắt gặp những lễ hội của người dân nơi đây. Người Tây Nguyên chan chứa tình và tình người, tình thiên nhiên hòa quyện làm một. Đồng bào gọi thời gian này là “khei mônh Yuăn” và “khei bar Yuăn”, tức là “tháng 1 và tháng 2 của người Kinh”. Từ xa xưa, người dân nơi đây vẫn quen gọi đây là thời điểm Ning Nơng, là tháng nghỉ ngơi. Ning Nơng là thời gian của lễ hội, vui chơi và giao đãi. Đây là thời điểm mà tâm hồn con người rộng mở, thoải mái nhất. Mọi người có thể vui chơi, uống rượu và ca hát quên cả tháng ngày. 
 

Những ngôi nhà Rông, nhà mồ là biểu tượng văn hóa của người dân bản địa nơi đây. Trên suốt dọc đường, những mái nhà Rông cao vút, hay những ngôi nhà mồ nằm lặng lẽ tĩnh mịch như thế cứ hiển hiện, như mời gọi mọi người khám phá cả một nền văn hóa, tín ngưỡng độc đáo đặc biệt của con người nơi này.
 

Xen giữa những con đường trải nhựa phẳng lì, là những con đường đất đỏ đặc trưng của Tây Nguyên. Tây Nguyên đang bước vào giữa mùa khô, mùa của những con đường nắng gió, và tràn bụi. Nắng lạnh ban ngày và se sắt về đêm. Gió cứ cần mẫn ào ào thổi xuôi một hướng suốt đêm ngày không ngưng nghỉ. Nắng gió nơi đây thật riêng biệt, đặc trưng, khác lạ. Những cơn gió trở mình mà không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây như những cơn gió biển hoang tàn. Gió nơi đây cứ thổi dài mơn man trên đỉnh núi, qua triền đồi, qua mép sông, qua bầu thác. Gió chỉ đủ lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm. Những cơn gió hoang dại và phóng túng đặc trưng của mùa xuân mà chẳng nơi nào trên đất nước này có được.
 

Cầu Đăk Rông (huyện  Đăk Rông, Quả Trị), điểm nhấn về công trình xây dựng giao thông rất ấn tượng trên rừng xanh núi thẳm này.
 

Cựu binh Hồ Văn Sanh người Tà Ôi (huyện Đắk Rông, Quảng Trị) đã ở cái tuổi 86 mà những bước chân lên dốc của cụ vẫn dứt khoát, thanh thoát. Tham gia kháng chiến từ 1959, kinh qua nhiều trận đánh khốc liệt, giờ cụ thanh thản sống bên con cháu. Ngày đầu xuân mới, cụ đi gần 6km đường để đến thăm cháu mình.
 

Dọc trên đường, không hiếm những dòng sông cạn như thế này để lộ vẻ đẹp tuyệt bích của những rạn đá đáy sông. Mùa nước lên, những con sông như thế này trở nên cực kỳ hung dữ. Ảnh chụp trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Nam Giang (Quảng Nam).
 

Những thác nước tuyệt đẹp là nơi không ít du khách thưởng ngoạn hào hứng chụp ảnh. Thác nước này thuộc địa phận huyện Đăk Glei (Kon Tum).

Những ngày đầu xuân mới, nếu được thả mình vào một không gian yên bình gần như tuyệt đối, một tĩnh lặng vô nhiễm ước ao riêng dành cho ai đã mỏi mệt lấn chen giữa cuộc xô bồ. Đường bằng phẳng rộng thoáng mà thanh, những vòng lượn duyên dáng mà an toàn, những con dốc có độ xuôi vừa phải, tạo cảm giác yên tâm để vừa chạy xe vừa đưa mắt ngắm nhìn, giá như được thanh thản áo cơm mà đi trên tuyến đường này, mà gắn bó cuộc đời với nơi chốn này thì đó có thể xem như diễm phúc trên cõi nhân thế đầy những rập rình bất ổn, cho con người thật sự nhẹ lòng hơn...

Tiêu Dao

Bạn đang đọc bài viết "Mùa xuân trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.