Mưa lũ ở Quảng Ninh: 15 người chết, ước thiệt hại 1.000 tỷ đồng

29/07/2015 09:38

Theo dõi trên

Tình hình mưa lũ tại Quảng Ninh vẫn đang có diễn biến phức tạp, nhiều khu vực tại TP.Hạ Long, TP. Cẩm Phả vẫn bị chia cắt, ngập lụt sâu gây thiệt hại lớn về người và của.

Thông tin trên báo Quảng Ninh cho biết, đến tối ngày 28/7, tại khu vực TP Hạ Long nhiều khu dân cư vẫn bị chia cắt và ngập lụt sâu (phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy, Cao Xanh (K2A+2B+5+6)…).

Các lực lượng cứu hộ của Quân đội đã để cứu hộ, di chuyển và hỗ trợ nhu yếu phẩm và đã di chuyển các hộ dân đến các vị trí cao, an toàn.



 
Ngập lụt tại TP Hạ Long

Tại Cẩm Phả, khu vực phương Quang Hanh, phường Mông Dương và Cửa Ông vẫn bị chia cắt, ngập lụt. TP Cẩm Phả đã huy động trên 1.700 lượt người tham gia cứu hộ và di chuyển trên 1.000 hộ dân đến nơi an toàn; vẫn đang tiếp tục tiếp cận khu Quảng Hanh để di chuyển các hộ còn bị ngập lụt và đã tiếp cận để cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân còn đang bị cô lập;

Tại Vân Đồn khu vực 2 thôn tại đảo Bản Sen bị cô lập, hiện nước đang rút, nhân dân đã được cứu trợ đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết; Huyện Vân Đồn đã huy động trên 350 người hỗ trợ cứu giúp nhân dân vùng bị ngập lụt, di chuyển 45 hộ dân đến nơi an toàn. Tổng số hộ dân bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 3.000 hộ (Hạ Long: 1.700; Cẩm Phả 1.300; Vân Đồn: 100...) Trong ba ngày mưa lũ từ 26 đến 28-7, tuyến quốc lộ 18 (đoạn qua tỉnh Quảng Ninh) nhiều lần bị chia cắt vì ngập lụt.

Đến thời điểm này, tổng số người thiệt mạng cho ngập lụt, sạt lở gây ra trên địa bàn tỉnh là 15 người, mất tích 8 người, trong đó: Hạ Long: 12 người chết, 2 người mất tích; Cẩm Phả 3 người chết; Cô Tô 6 người mất tích.

Ước tổng thiệt hại từ ngày 26/7/2015 đến nay khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

Ba thế hệ trong một gia đình bị vùi lấp

Sáng 28-7 là một buổi sáng đau thương đối với những người dân ở khu 4, phường Cao Thắng (TP Hạ Long).

Theo TTO, sau một đêm mưa lớn, khi người dân nơi đây tỉnh dậy thì bàng hoàng khi thấy ba căn nhà liền kề của gia đình bà Nguyễn Thị Thược (76 tuổi) đổ sập tan hoang. Cả chín người thuộc ba thế hệ trong gia đình bà bị vùi lấp dưới hàng trăm mét khối đất đá sạt lở.

Một bàn thờ được làm vội, đặt tạm bên cạnh lán trại cứu hộ mới dựng. Cứ đôi phút, vài nén nhang lại được người thân các nạn nhân thắp vội, cầu khấn cho việc tìm kiếm các nạn nhân nhanh chóng có kết quả.



Các lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong vụ 9 người bị đất đá vùi lấp ở phường Cao Thắng, TP.Hạ Long

Ngồi thẫn thờ bên cạnh bát hương, ông Cao Văn Ca - con trai trưởng cụ Thược - vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của những người thân.

“5h sáng nay, bỗng dưng tôi thấy trong lòng nóng như lửa đốt, bồn chồn không yên, gọi cho hai em trai, chuông có đổ nhưng không ai nghe máy. Vào đến nơi thấy ba căn nhà bị san bằng, chân tay tôi bàng hoàng rụng rời. Chẳng nghĩ được gì, tôi như người mất trí lao vào dùng tay đào bới trong vô vọng” - ông Ca nghẹn ngào.

Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh Quảng Ninh đã điều động lực lượng cứu hộ đến hiện trường để tìm kiếm nạn nhân.

Khoảng 8h sáng, lực lượng cứu hộ phát hiện ba nạn nhân đầu tiên là ông Cao Tiến Vỹ (37 tuổi) cùng vợ là Đỗ Thu Hiên (36 tuổi) và con gái là Cao Thu Hoài (10 tuổi).

Xác định ông Vỹ vẫn còn thở, người dân và lực lượng chức năng tức tốc đưa ông đi cấp cứu. Riêng bà Hiên và bé Hoài thì đã tử vong, thi thể bà vẫn còn chồm lên ôm chặt lấy bé Hoài ở nơi giường ngủ.

Không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến thi thể của từng người được đưa ra lấm bùn đất. Đến tối 28-7, công tác cứu hộ vẫn tiến hành khẩn trương. Hiện thi thể tám nạn nhân trong gia đình cụ bà Thược đã được đưa ra.

Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh) cho biết nạn nhân duy nhất sống sót là ông Cao Tiến Vỹ hiện đang nằm tại khoa chấn thương. Tối qua, ông Vỹ đã dần hồi tỉnh.

1.000 khách du lịch bị cô lập

Không chỉ ở đất liền, tại các đảo Minh Châu và đảo Quan Lạn tình hình cũng đang rất nguy cấp, khoảng hơn 1.000 khách du lịch bị mắc kẹt do các công ty du lịch cũng như cơ quan chức năng không lường được hậu quả của trận mưa lịch sử diễn ra mấy ngày qua, thông tin trên báo Kiến Thức.

Trong số những khách du lịch  ở đảo Quan Lạn và đảo Minh Châu, có cả những phụ nữ mang bầu. Cả khách du lịch và người dân đang rất hoang mang do thiếu rau, thiếu thực phẩm nghiêm trọng.



 
 Khách du lịch bị cô lập tại Minh Châu

Chị Anh Thư, người dân ở đảo Minh Châu cho biết: “Ở Minh Châu, nước tràn vào trong nhà. Tất cả các nhà nghỉ, khách sạn, thậm chí nhà dân cũng kín người ở. Các khách sạn ở đây giảm 50% tiền phòng và giảm 40% tiền ăn. Tuy nhiên, đến chiều ngày 28/7 thực phẩm thực sự khan hiếm. Thêm một ngày nữa là sẽ không có rau và gạo cho toàn bộ người dân và khách du lịch vì không có tàu”.

Hiện, các bến đỗ tàu ở đảo Minh Châu đã bị sập, mưa gió liên tục khiến đất bị xối lấp mặt đường.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích 15 tỉ đồng từ ngân sách cấp cho các địa phương TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, đồng thời hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng trong mưa lũ 6 triệu đồng/người, 3 triệu đồng/người bị thương.

Trước những tổn thất dồn dập về người và của, ngay từ sáng sớm 28/7, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu tất cả các cơ quan tạm ngừng hoạt động, tập trung vào việc cứu hộ và khắc phục hậu quả mưa lũ. Hàng ngàn chiến sĩ công an và bộ đội cùng các phương tiện đã xuống địa bàn giúp dân; đồng thời huy động hàng ngàn gói mì, bánh và nước uống đưa xuống các vùng bị chia cắt, bị ngập lụt để cứu đói cho dân.

Theo đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư lệnh Quân khu III đã cử Thiếu tướng Trần Đình Kha - Phó Tư lệnh - trực tiếp đặt bộ chỉ huy tiền phương tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh để chỉ huy lực lượng chiến sĩ và phương tiện giúp Quảng Ninh tiếp cận, cứu hộ, vận chuyển nhu - yếu phẩm và di chuyển dân ở các khu dân cư bị ngập lụt và bị chia cắt lên các vị trí cao, an toàn.

Theo dự báo, mưa lớn sẽ còn kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây sẽ là mối hiểm nguy rất lớn đối với Hạ Long và Cẩm Phả - hai địa phương có nhiều đồi núi gắn với các hoạt động khai thác than. Kinh nghiệm cho thấy, đồi đất đã ngấm nhiều nước, nếu tiếp tục mưa lớn và không có biện pháp phòng, chống tốt, tình hình sẽ vô cùng nguy hiểm cho sự an toàn tính mạng của người dân.

Trong một diễn biến khác, tin từ Công ty nước sạch Quảng Ninh cho biết mưa lớn những ngày qua đã khiến đất đá, cây cối đổ xuống, làm gãy tuyến ống D800 nhà máy nước Diễn Vọng. Đáng lo ngại đây là tuyến ống chính cấp nước sạch cho 2 thành phố Hạ Long và Cẩm Phả.

Hiện Công ty nước sạch Quảng Ninh đã khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực tích cực khắc phục sự cố. Tuy nhiên, do sự cố tuyến ống nằm ngay giữa moong nước nên hoạt động vận chuyển vật tư, vật liệu và đi lại rất khó khăn. Cộng thêm mưa lớn và sạt lở đất vẫn diễn ra nên việc khắc phục sự cố dự kiến phải kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Đơn vị này khuyến cáo người dân nên chủ động tìm nguồn nước và tiết kiệm nước, đảm bảo sinh hoạt.


Quỳnh Trang (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Mưa lũ ở Quảng Ninh: 15 người chết, ước thiệt hại 1.000 tỷ đồng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.