Một ngày ở chùa Kỳ Quang II

18/08/2018 14:18

Theo dõi trên

Một ngày tháng 8, chúng tôi có dịp ghé qua chùa Kỳ Quang II nằm trên đường Lê Hoàng Phái (quận Gò Vấp, TP HCM). Ra đời từ năm 1994, ngôi chùa này ngày nay được nhiều người biết đến, gọi với cái tên hết sức nhân văn: “Mái ấm tình thương của những mảnh đời bé nhỏ”.

Đã là con người, sinh ra ai cũng mong muốn có một thân thể khỏe mạnh, lành lặn, một gia đình để nương tựa. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có được những điều giản đơn ấy. Có người, vừa sinh ra đã mang sẵn trong mình những căn bệnh bẩm sinh, cũng có người vừa cất tiếng khóc chào đời đã phải phải mồ côi cha, mồ côi mẹ. Chùa Kỳ Quang II do sư thầy Thích Thiện Chiếu làm trụ trì hiện tiếp nhận và nuôi dưỡng hơn 200 mảnh đời không may mắn kiểu như vậy.
 

Một ngày đầu tháng 8, trong đợt trao quà từ thiện, chúng tôi ghé chùa Kỳ Quang II. Khuôn viên ngôi chùa rộng rãi, thoáng mát. Vừa bước vào khu vực chính của chùa, chúng tôi đã bắt gặp cảnh các cháu bị khuyết tật ngồi trên xe lăn được các sư cô đẩy đi lại dọc sảnh; Cảnh các cháu nhỏ lành lặn chạy đi chạy lại vui đùa.

Một sư cô kể rằng, đa số các cháu khuyết tật ở đây là bị bại não. Còn các cháu lành lặn, không bệnh tật thì là do cha mẹ đem bỏ trước cửa chùa, hoặc bỏ rơi đâu đó khi vừa sinh ra được nhà chùa nhận về nuôi dưỡng.
 
Nằm ở góc cuối của tầng trệt khu vực chính là nơi dành để chăm sóc các cháu nhỏ bị khuyệt tật, đa số là bị bại não. Tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng hết sức cảm động. Khoảng hơn chục cô cậu thanh niên người nước ngoài đang chia nhau ra chơi đùa với các cháu.
 
 
Công lao, sự hi sinh của các sư cô, sư thầy ở chùa thì không nói ai cũng biết là lớn như thế nào rồi. Ở đây, xin chỉ được nói về việc làm của những cô cậu thanh niên người nước ngoài nói trên.

Các cháu nhỏ ở đây, ngoài đôi mắt trong veo, thì thân thể đều mang trên mình những dị dạng nào đó. Có cháu tay chân teo tóp, cháu méo miệng, cháu thì co giật...Đối với một người bình thường, không thân thích ruột rà, có lẽ ít người lại gần và bồng bế, chăm sóc...
 
Ấy thế nhưng hơn 10 cô cậu thanh niên người nước ngoài đang bồng bế, chơi với cáu cháu như không hề có một khoảng cách nào. Các cô gái với vẻ bề ngoài xinh xắn sẵn sàng bế các cháu nhỏ, cho các cháu bứt tóc, bứt tai mình thoải mái. Khi cô gái đến từ Hàn Quốc đang ngồi chơi với một cô bé thì một cậu bé lại cầm tay lôi đi đến ngồi trên cái mạng trượt nhỏ được nhà chùa lắp sẵn để chơi cùng. Cô gái vui vẻ đi theo cậu bé đến mạng trượt chơi cùng. Đến lúc mệt thì 2 người nằm dài trên máng trượt xem điện thoại.

Họ cứ thế, vui chơi với các cháu. Đến trưa, họ cùng với những sư cô, sư thầy ở đây mỗi người mỗi phần thức ăn đi đút cho các cháu ăn. Các cô gái thì đút cho các cháu nhỏ bị khuyết tật. Tôi nghĩ rằng, trong số họ chưa ai làm cha làm mẹ, nhưng sự tận tình, nhẹ nhàng, lẫn kỹ năng mà họ đút cho các cháu ăn thì thật đáng khâm phục. Cô gái xinh xắn người Hàn Quốc cho một cậu bé bị bại não ăn, khi cô đang cho cậu bé ăn thì cậu liên tục phun thức ăn ra ngoài. Cô không hoảng sợ, không né tránh mà chỉ cười.
 
 
Bên cạnh khu vực các cháu bị khuyết tật là căn phòng riêng biệt dành riêng cho khoảng 4 người bị thần kinh, mất nhận thức hoàn toàn. Với nhiều người, lại gần đã không dám chứ chưa nói đến việc chăm sóc. Vậy nhưng, những cậu thanh niên người nước ngoài râu ria hồm hoàm thì gần như không có khoảng cách nào. Họ cầm bát, nhẹ nhàng đút thức ăn cho từng người. Cảnh tượng một người đàn ông có lẽ cũng đã nhiều tuổi, khi được cậu thanh niên cho ăn không chịu ăn mà cứ lết vòng quanh khiến cậu cứ đi vòng theo đút cho ăn bằng được khiến tôi nhớ mãi.
 

Một sư cô cho biết, những cô cậu này là người Hàn Quốc và cả người đến từ châu Âu. Qua tìm hiểu trên mạng, họ biết được chùa Kỳ Quang và quyết định đến đây 2 tuần vừa kết hợp du lịch vừa để giúp đỡ các cháu, đồng thời cũng là để trải nghiệm. Thật là một việc làm hết sức nhân văn. Nhìn những cô cậu thanh niên người nước ngoài chơi đùa, chăm sóc các cháu nhỏ, tôi không thấy khoảng cách nào giữa người khuyết tật và người lành, cũng không thấy khoảng cách về ngôn ngữ, quốc gia. Tôi chỉ nhìn thấy ở đó là tình người, tình thương.
 
Xin chúc các bạn một chuyến đi nhớ mãi, với những trải nghiệm quý giá!
 
Xuân Thủy

Bạn đang đọc bài viết "Một ngày ở chùa Kỳ Quang II" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.