Một gia đình trèo tường suốt một năm vì bị bịt kín lối đi

26/03/2018 16:59

Theo dõi trên

Hơn một năm qua, gia đình ông Cao Xuân Đắc ở thôn Xuân Hải, xã Quảng Phú (Quảng Trạch - Quảng Bình) phải... bắc thang trèo qua tường đi làm, đi học, đi chợ, đi... cấp cứu vì bị chính những người dân xung quanh bịt kín lối đi. UBND huyện Quảng Trạch đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nhưng bất thành. Đây có lẽ là vụ việc lạ lùng nhất, vô lý nhất, bị xâm phạm quyền con người lâu nhất, vi phạm pháp luật một cách ngang ngược nhất và chính quyền sở tại... bất lực nhất từ trước đến nay.



Cổng chính của gia đình ông Cao Xuân Đắc đã bị bịt kín lối đi

Từ sự thiếu hiểu biết pháp luật...

Năm 1991, ông Cao Xuân Đắc (SN 1947) kỹ sư nuôi trồng thủy sản, cùng vợ là bà Lê Thị Mỹ Lý (SN 1956) nghe theo tiếng gọi của quê hương, sự vận động của UBND huyện Quảng Trạch về lại đất mẹ Quảng Bình, kết hợp với Công ty thủy sản huyện Quảng Trạch để xây dựng trang trại sản xuất tôm giống “Bắc cầu Roon”. Năm 1994, công ty này giải thể. Nhận thấy tại thôn Xuân Hải xã Quảng Phú, có một lượng lớn đất đai cằn cỗi, nhiễm phèn, nhiễm mặn nằm sát sông Roon “cho không ai lấy, thấy không ai xin” để hoang hóa lâu năm, ông Đắc làm tờ trình và được UBND huyện Quảng Trạch phê duyệt, ra Quyết định số 819/QĐ-UB ngày 15/12/1995 cấp: 8586m2 đất, trong đó có 786m2 đất ở thổ cư và 7.800m2 đất hoang hóa, sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản làm trạm trại. Thời điểm đó, ông bị bạn bè chế nhạo thằng kỹ sư... tâm thần vì đất đó làm gì mà sống.


Từ mảnh đất hoang hóa, vợ chồng ông đã xây dựng nên một mô hình trang trại sản xuất tôm và cá giống bao gồm 8.000m3 bể, ao ươm và xử lý nước cung cấp giống tôm cho toàn tỉnh Quảng Bình và các địa phương ngoài tỉnh tạo đà phát triển kinh tế, nạp thuế tăng thu cho địa phương, giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân xã nhà và các xã lân cận.

Năm 1996, vợ chồng ông Đắc được nhà nước cấp giấy CNQSDĐ số E 725999 với tổng diện tích 7.014m2, trong đó có 786m2 đất ở; 6.228m2 đất nuôi trồng thủy sản thuộc các thửa: 541, 533, 534, 535, 536, 537, 538, 539, 540, tờ bản đồ số 17 tại UBND xã Quảng Phú (Quảng Trạch). Họ sống ổn định, đẻ con sinh cháu, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao đến bây giờ.

Đột nhiên đầu năm 2017, một số hộ dân thôn Xuân Hải, xã Quảng Phú kéo đến nhà ông Đắc đòi lấy lại toàn bộ diện tích gia đình ông đang ở. Bị ông Đắc phản đối, ngày 03/01/2017, các hộ dân thuê xe chở đá hộc, dùng tôn phế liệu và cát bịt kín cổng nhà ông Đắc.

Nhận được tin báo, UBND xã Quảng Phú đã triển khai lực lượng xuống hiện trường, giải phóng lối đi nhằm ổn định tình hình.

 


Người dân phá đường đi của gia đình ông Đắc



Ông Đắc và gia đình phải bắc thang trèo qua tường đi làm, đi học, đi chợ và đi cấp cứu

Tuy nhiên, ngày 22/02/1017, các hộ dân lại tập trung trước cổng nhà ông Đắc, dùng xà beng, cuốc, xẻng đào bới nền bê tông tại khu vực ngõ phía trong cổng nhà ông Đắc đồng thời huy động xe tải chở đá, cát, đất đến bịt kín cổng. Hơn thế nữa, họ còn tập kết đá tại nhà văn hóa thôn để... “dự phòng”.

Suốt hơn một năm qua, gia đình ông Đắc đã làm đủ các biện pháp như, kêu cứu lên các cấp chính quyền, tự mình tháo dỡ... nhưng cứ mở đường là tối đến bị người dân tập trung trước cổng chửi bới, gây rối và bịt lại. Kể từ ngày 03/01/2017 cho đến thời điểm hiện tại, gia đình ông gồm 12 nhân mạng đã phải bắc thang, trèo tường để đi làm, đi học, đi chợ, đi cấp cứu…. Trong tết Mậu Tuất vừa qua, gia đình ông Đắc không có một cái tết đoàn viên vì con cái phải di tản mỗi người mỗi ngả, cổng bị bịt kín, vợ chồng già và những đứa cháu thơ dại sống trong cảnh hoang mang, lo sợ. 

Tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Thuyết, bà Nguyễn Thị Phán, bà Nguyễn Thị Thảo, chị Nguyễn Hồng Vân và những người phụ trách đơn thư, đại diện các hộ dân bịt lối đi, họ khẳng định: “Đất này của thôn chúng tôi cho ông Đắc thuê 20 năm, giờ hết hạn thì lấy lại để thôn quản lý, xây dựng các công trình công cộng. Không trả thì chúng tôi... lấp”. Đáng trách hơn, ông Nguyễn An Khánh là Bí thư chi bộ, đứng đầu đơn kiến nghị đại diên cho dân thôn Xuân Hải cũng khẳng định: “Rõ ràng đây là đất thôn Xuân Hải chỉ cho ông Đắc thuê 20 năm”. 
 


Hồ sơ vụ việc



Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Dũng làm việc với phóng viên

... đến sự bất lực của chính quyền

Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi có buổi làm việc với các cơ quan liên quan. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Dũng  - Chủ tịch UBND xã và ông Phạm Minh Dịu - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, cho biết: “Chúng tôi đã làm đủ biện pháp như xuống tận Thôn để tuyên truyền, vận động giải thích để bà con hiểu: Đất đai là của nhà nước, do nhà nước quản lý chứ thôn làm gì có đất để cho thuê. Việc một số hộ dùng đất đá bịt kín lối đi của ông Đắc là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền “bất khả xâm phạm về chỗ ở” được quy định trong Hiến pháp, được pháp luật bảo vệ nhưng họ không chịu hiểu và không chịu nghe. Ngoài ra  chúng tôi cũng nhiều lần thành lập đoàn có hỗ trợ của công an,  bộ đội đồn biên phòng Roon… nhằm giải phóng ngõ cho gia đình ông Đắc nhưng bất thành, nay đành bất lực chờ huyện giải quyết”.
 


Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Đạt đang làm việc với phóng viên

Ông Nguyễn Xuân Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho hay: “Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc trên là do người dân thôn Xuân Hải nhận thức về mặt pháp luật còn hạn chế. Khu vực đất ông Đắc được giao đã có giấy CNQSDĐ, thời hạn 20 năm, do nhà nước quản lý, tuy nhiên các hộ dân lại nghĩ đó là đất của thôn, do ông cha để lại nên nay thời hạn 20 năm đã hết thì đòi. Đòi không được thì bịt cổng. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn yêu cầu giải quyết của gia đình ông Đắc, huyện cũng đã phối hợp với xã, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ. Nhưng cứ hễ cho lực lượng vào là các hộ dân lại cho trẻ con, người già, phụ nữ nằm lăn ra trước cổng, giằng co, cào cắn bị thương cán bộ công an nên bất thành. Tôi cũng về tận thôn, trực tiếp tuyên truyền vận động nhưng bà con không chịu nhận ra vấn đề nay đã làm đề xuất gửi UBND tỉnh”.
 


Trại nuôi tôm của gia đình ông Đắc điêu tàn

Đại tá Phan Thanh Sơn - Trưởng Công an huyện Quảng Trạch cho biết thêm: “Chúng tôi là lực lượng bảo vệ, hỗ trợ UBND huyện về mặt đảm bảo trật tự để cuộc cưỡng chế thành công. Còn phương án cưỡng chế phải do UBND huyện quyết định. Chúng tôi rất đau đầu về việc hộ ông Đắc bị bịt kín lối đi và sẵn sàng phối hợp khi UBND huyện huy động”.

“Gia đình tôi như bị giam suốt hơn một năm nay, mọi sinh hoạt đảo lộn. Chuyện làm ăn đình trệ, việc nuôi trồng thủy sản chấm dứt vì đối tác, khách hàng đi tìm mối khác. Thiệt hại và hệ lụy không sao tính hết được. Đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp để chúng tôi sớm có lối đi lại”, bà Lý vợ ông Đắc lắc đầu nói.

Đây có lẽ là vụ việc lạ lùng nhất, vô lý nhất, bị xâm phạm quyền con người lâu nhất, vi phạm pháp luật một cách ngang ngược nhất và chính quyền sở tại... bất lực nhất từ trước đến nay. Mong rằng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, vụ việc sẽ nhanh chóng được giải quyết tránh những hậu quả khôn lường xảy ra trước khi đã quá muộn.
 
Nguyễn Đình Lộc

Bạn đang đọc bài viết "Một gia đình trèo tường suốt một năm vì bị bịt kín lối đi" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.