Chợ nổi Ngã Bảy đang dần được phục hồi để phát triển du lịch…
Chợ nổi là một nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước. Hình ảnh quen thuộc với du khách là những chiếc ghe chở đầy hàng hóa, cây bẹo cao cao để giới thiệu sản phẩm được bán để người mua dễ chọn lựa.. Đây là hình ảnh đã mang lại cho những ai một lần đến nơi đây cảm giác dễ chịu khó tả. Ở ĐBSCL có nhiều chợ nổi, đến Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè, sang Vĩnh Long ghé thăm chợ nổi Trà Ôn, về Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng… Mỗi nơi đều để lại một dấu ấn riêng và chợ nổi Ngã Bảy cũng làm du khách xuyến xao khi du khách có dịp ghé qua.
Chợ nổi Ngã Bảy hình thành vào khoảng năm 1915, sau 10 năm đào kênh xáng ở đây. Giống như tên gọi, chợ nằm ngay nơi giao nhau của 7 tuyến sông: Cái Côn, Mang Cá, Búng Tàu, Sóc Trăng, Xẻo Môn, Lái Hiếu, Xẻo Vong. Nhiều làng nghề đã hình thành dọc tuyến sông như đóng ghe, đan cần xé, trồng rẫy... Với chợ nổi Ngã Bảy, việc tụ họp tại 7 nhánh sông đã trở thành một nét riêng khó hòa lẫn và sẽ là điều bí ẩn thu hút những ai thích du lịch khám phá, bởi mỗi nhánh sông có một làng nghề đặc trưng không giống nhau…
Hàng hóa ở chợ nổi rất đa dạng, đặc biệt là trái cây. Theo từng mùa, nhìn vào cảnh xuồng ghe tấp nập, đầy ắp trái cây, du khách sẽ biết được đang là vụ chính của loại trái cây nào. Một điểm tạo nên dấu ấn khó quên là khi mặt trời lên, cũng là lúc những ghe chở hàng tỏa đi nhiều hướng, du khách sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của những món ăn dân dã, được bày bán trên những chiếc xuồng nhỏ: cháo lòng, bún, hủ tiếu… nóng hổi, sẽ làm du khách ấm lòng khi đã thưởng ngoạn phong cảnh ở đây từ lúc sớm…
Những nét thơ mộng, đặc trưng của chợ nổi Ngã Bảy đã làm cho những nhạc sĩ, soạn giả say lòng. Bài “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu cũng ra đời từ một xúc cảm khi ông có dịp lưu lại nơi đây, ngắm dòng sông này. Còn nhạc sĩ Sơn Hà, người con của vùng đất này cũng mang dòng sông ấy vào trong rất nhiều tác phẩm của mình, nhưng mỗi bài là một cảm xúc khác nhau, ngọt ngào và sâu lắng:
“Giữa dòng trôi, thuyền ai ngược xuôi, lênh đênh đời thương hồ. Sóng về đâu, thuyền trôi về đâu, lao xao hoài con sóng. Bảy dòng nhớ và bao dòng thương, thuyền tình neo bến nào. Thôi đừng chờ và thôi đừng trông, khắc khoải niềm hoài mong. Bến bờ xa, người xa vời xa mênh mông dòng sông đầy. Con đò xưa và câu hò xưa, bâng khuâng hoài nỗi nhớ. Cánh diều say và khung trời xanh một tình yêu rất hiền, nay tìm về dòng sông ngày xưa, kỷ niệm cũng theo về. Dòng sông dĩ vãng cháy ngược trở lại, cháy tràn một thời tuổi thơ tôi. Dòng sông soi bóng những lần hẹn hò thả thuyền bồng bềnh giữa đêm trăng” (Bảy dòng sông nhớ).
Gần 10 năm nay, chợ nổi không còn xôm tụ như trước. Rồi phương tiện giao thông đường bộ phát triển nên hàng hóa vận chuyển cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chợ nổi Ngã Bảy vẫn cần được giữ lại như một nét độc đáo riêng, không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là một điểm đến thú vị cho du khách, thị xã Ngã Bảy đã xây dựng đề án phục hồi và phát huy chợ nổi Ngã Bảy tại địa điểm cũ, hiện đang được tiến hành với việc xây dựng bờ kè hai bên mé sông. Đây cũng được ngành du lịch Hậu Giang chọn làm một tua du lịch trọng điểm để giới thiệu với du khách, gồm: Chợ nổi Ngã Bảy - Du lịch Mùa Xuân - Cây di sản Lộc Vừng…