
“Cơ duyên”
Ngày trước, khi lấy chồng cũng vì cuộc sống khó khăn nên cả gia đình chị Hương chuyển về đường Ngự Bình phường An Cựu, nơi gần rất nhiều nghĩa trang để sinh sống. Lúc bấy giờ, khu vực này rất hoang vắng, từ ngày đoạn đường từ Ngã Tư Bánh Bèo tới đường Duy Tân - Nguyễn Khoa Chiêm kéo dài ra, nơi đây xuất hiện nhiều khu nhà trọ mọc lên. Và cũng từ đây, việc các sinh viên đến ở rồi sống thử với nhau diễn ra rất nhiều. Hậu quả của việc sống thử đó là những sinh linh chưa kịp chào đời đã phải xa lìa cuộc sống. Công việc thiện nguyện của chị cũng từ đó bắt đầu.
Chị cho biết, lần đầu tiên ấy, 2 vợ chồng ở trong nhà lại thấy các đôi nam nữ đi xe máy tới trước của nhà rồi vứt bọc túi nilon màu đen. Rồi nghi nghi nên chị chạy ra kiểm tra thì phát hiện bên trong là một thi thể em bé đã bị nạo phá được bọc trong bốn lớp nilon (về sau có khi là trong một cái om nhỏ hay tiểu vuông dính đầy máu). Thương tình chị cùng chồng đem đi chôn cất.
“Khi tui nhìn thấy mấy đứa nhỏ bị vứt vậy tui thương lắm, thấy tội khi chưa kịp chào đời đã bị phá bỏ, tui làm chỉ vì cái tâm thôi chứ chẳng cần ai hay bố mẹ nhưngc đứa trẻ đền đáp”, chị Hương chia sẻ.
Do hàng ngày chị đi bán bánh canh, còn chồng thì đi làm thợ hồ cho nên mỗi khi quán vắng chị lại đi quanh nghĩa địa để xem thử có bé nào bị vứt ra không, nhiều lúc chị quặn lòng khi thấy có bé bị vứt trong bụi cây kiến bu đầy người cắn xé. Rồi chị phải ghép từng mảnh vào rồi đem đi chôn. Thấy việc chị làm, nhiều người lại cho rằng chị “rảnh việc” làm mộ gió để khi đền bù giải tỏa.
“Họ nói tui tham lam làm mộ gió để trục lợi khi giải tỏa, nhưng thứ đó tui không cần, từ nhỏ tui ít học nhưng tui cũng biết thế nào là tình người. Nhưng họ nói thì mặc kệ họ nói, tui cứ làm, sức tới đâu làm tới đó”- chị Hương cho biết.


Công việc thiện nguyện
Ròng rã suốt gần 10 năm trời, đến nay chị Hương đã chôn cất được hơn 100 nấm mộ tại nghĩa trang gần nhà. Do đất ở nghĩa trang eo hẹp nên chỗ chị chôn 9 đến 10 nấm, chỗ 2 - 3 nấm giải rác khắp khu nghĩa địa nhưng chôn ở đâu chị đều nhớ rất kĩ. Rồi cứ đến những dịp lễ tết hay ngày rằm hai vợ chồng chị lại ra thắp hương cho từng cháu bé.
Chồng chị làm nghề phụ hồ cho nên mỗi khi thừa hồ vợ chồng chị lại đem ra xây mộ cho các cháu thành từng nấm tròn nhỏ: “Nhiều khi thiếu kinh phí nên hai vợ chồng tui chỉ đến đắp được mỗi nấm mộ một ít hồ xây để đỡ bị thất lạc”- chị Hương cho biết.
Mặc dù nhiều khi bận công việc nhưng chị cùng các con hàng ngày không quên việc ra thăm nom và làm cỏ sạch sẽ cho những nấm mộ. Chị cho biết, đến nay còn khoảng 40 mộ chưa được xây, ước mong của chị là khi giải tỏa thì sẽ có một khu tập trung để chị quy tụ về một chỗ để mai táng cho các cháu và cũng để chị thực hiện công việc thiện nguyện của mình.