Mã Thành (Yên Thành): Dân sống khổ vì xe chở đất gây ô nhiễm

02/04/2016 15:11

Theo dõi trên

Hàng trăm chuyến xe chở đất, đá, vật liệu xi măng và xe chở gỗ nguyên liệu chạy qua rầm rập không kể ngày đêm. Mỗi khi xe ô tô chạy qua cuộn lên bụi mù mịt do đất, cát rơi vãi xuống đường. Khiến việc buôn bán cũng như sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân bị "tra tấn" vì ô nhiễm môi trường

Theo phản ánh của người dân sống trên tuyến đường liên xã Thọ Thành - Mã Thành (Yên Thành), đoạn qua khu vực chợ An xã Mã Thành, hằng ngày có rất nhiều xe tải, xe chở vật liệu xây dựng chạy qua không kể ngày đêm khiến con đường lúc nào cũng ngập trong bụi bẩn.

Đoạn đường qua Chợ An dài khoảng 1km, người dân sinh sống hai bên đường và buôn bán đa dạng các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân. Thế nhưng có một nỗi khổ mà người dân phải chịu "tra tấn" bấy lâu nay là tình trạng bụi bẩn khiến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo người dân, bụi đất rơi vãi từ các xe ben, xe tải gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt. Không những vậy, địa điểm này còn tập trung đông đúc người dân đi chợ gây mất an toàn giao thông. 

Bà Phạm Thị Oanh, trú tại khu vực chợ An cho biết: “Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở đất đá đi qua con đường này. Suốt thời gian qua, người dân sống hai bên đường phải chịu đựng ô nhiễm vì bụi đường, ảnh hưởng rất lớn tới việc kinh doanh buôn bán. Tới bữa cơm nhà ai cũng cửa đóng then cài nhưng để ngăn bụi bay vào nhà. 

Để ngăn bụi cuộn lên mỗi khi xe ô tô chạy qua, người dân sống ở đây phải bơm nước thường xuyên ra mặt đường để hạn chế bụi, vậy nên đoạn đường này lúc nào cũng giống như có mưa thì ẩm ướt. Còn gia đình nào không bơm nước thì cố gắng che chắn thật kín khỏi bụi bay vào nhà. Việc lau dọn nhà, hàng hóa phải thực hiện mấy lần vậy mà bụi vẫn bám đầy.

Bà Nguyễn Thị Dung, ở cạnh nhà bà Oanh cũng cho hay: “Các xe tải chạy từ 4 - 5h sáng bóp còi inh ỏi, hầu như không đêm nào bà được ngủ ngon giấc. Đáng lo ngại hơn là đoạn đường này mỗi ngày có nhiều người dân đi chợ qua lại, nhiều xe tải chạy với tốc độ cao tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho mọi người. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương để xử lý tình trạng trên, nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân ”.
 


Phương tiện tham gia giao thông liều mình qua lại sông Vách Bắc mà không biết cầu có thể đổ gãy bất cứ một lúc nào

Chính quyền địa phương đang... tính toán

Được biết đoạn đường này mới được làm lại bằng bê tông rộng rãi, sạch sẽ, chứ không như mấy năm trước đường đất đá lổm nhổm việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng với tình trạng xe ô tô tải chạy qua lại mỗi ngày hàng trăm chuyến thì con đường này không biết có sử dụng được lâu dài không?

Không những vậy, trên tuyến đường này có chiếc cầu Chợ An bắc qua sông Vách Bắc đã bị hư hỏng xuống cấp hết sức nghiêm trọng, thế nhưng hàng trăm chuyến xe vẫn liều mình chạy qua mỗi ngày, bất chấp biển báo hạn chế trọng tải mỗi khi qua cầu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Trọng Long - Chủ tịch UBND xã Mã Thành cho biết: “Thực tế mỗi ngày có hàng trăm xe ô tô tải chở đất đá, vật liệu xây dựng và chở cây nguyên liệu đi qua gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường là có thật. Chính quyền địa phương cũng đã nhận được phản ánh từ người dân, và đã cho chon hai cột bê bong ở ngay đầu cầu Chợ An để hạn chế phương tiện ô tô tải qua lại, tuy nhiên được một thời gian, lợi dụng đêm tối hai chiếc cọc bê tông đã bị nhổ lên”.

Ông Long cho biết thêm, sở dĩ có nhiều xe chạy như vậy là do các xe tải vào chở đất đá để phục vụ làm đường theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới, và chở cho các xã bên cạnh phục vụ việc xây dựng. Hơn nữa, đây là tuyến đường chính nên, nếu không cho xe tải qua lại thì không biết đi đường nào, đó cũng là điều khó khăn khiến địa phương phải cân nhắc.

Và trong khi đang chờ địa phương tính toán phương án thích hợp nhất để giải quyết vấn đề này, thì hàng ngày người dân sinh sống nơi đây vẫn phải sống chung với bụi mọi lúc mọi nơi.
 
Văn Đức

Bạn đang đọc bài viết "Mã Thành (Yên Thành): Dân sống khổ vì xe chở đất gây ô nhiễm" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.