
Mực nước lũ trên sông Hoàng Long sẽ vượt báo động 3 là 1,2m - tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 1985. Mực nước lũ tại sông Mã trên báo động 3 là 1m - tương đương lũ lịch sử năm 1980.
Đặc biệt, cả 3 sông Bưởi (qua huyện Thạch Hãn), sông Mã (qua huyện Yên Định và Thành phố Thanh Hóa) và sông Chu (qua huyện Thọ Xuân) đều sẽ vượt mức lũ báo động 3 từ 0,5 - 1m.
Do đó, tình trạng ngập lụt sâu diện rộng sẽ tiếp diễn hầu khắp Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Ngoài ra, các huyện vùng núi của Thanh Hóa như: Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân có nguy cơ sạt lở đất.
Tại miền Bắc, lũ sông Thao qua Yên Bái sẽ vượt báo động 3 là 1m. Tại sông Hồng, do chịu tác động xả lũ từ hồ Hòa Bình cộng với mưa lớn, mực nước có thể lên 10m, trên báo động 1 là 0,5m. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.
Không chỉ đề phòng lũ vượt mức báo động, các tỉnh vùng núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3.
Do tác động của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu áp thấp, nên rạng sáng ngày 12-10 khu vực Bắc Bộ và khắp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế vẫn có mưa vừa và mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm. Riêng vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 150mm.
Từ chiều ngày 12-10, mưa ở các khu vực sẽ bắt đầu giảm dần, sau đó có 2 ngày ngừng mưa trước khi đón áp thấp có nguy cơ mạnh lên thành bão vào cuối tuần.