Nhiều thế hệ nghệ nhân, nhạc sư
Chia sẻ với chúng tôi với cương vị Trưởng ban thẩm định nghệ thuật tại liên hoan, nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian Võ Trường Kỳ (Tám Kỳ) cho biết, từ năm 1996 đến nay đã 23 lần Long An tổ chức liên hoan và được tổ chức ngay dịp lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công sáng tạo nên nghệ thuật ĐCTT. Năm nào, liên hoan cũng thu hút đông đảo các tỉnh, thành phố bạn tham gia. Và đây cũng là dịp để các ban ĐCTT, các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, là ngày hội tôn vinh những tập thể, cá nhân có công bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật ĐCTT.
Cũng theo ông Tám Kỳ, Long An là quê hương của nghệ thuật ĐCTT, vì mảnh đất hiền hòa này đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân, nhạc sư tiêu biểu và những người tâm huyết, có công sưu tầm, nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này như: Nguyễn Quang Đại, Lê Văn Tiếng, Trần Phong Sắc, Cao Văn Soi (Bảy Soi), Cao Văn Giỏi (Chín Giỏi - thân sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu), Hai Biểu, Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Bảy Quế, Năm Giai, Mười Lăng, Tám Nhứt, Tư Tụi, Ba Lựa, Văn Vĩ, Ba Tu, Mười Út ,Tư Bền, Bảy Vân, Tám Kỳ, Minh Tuấn, Văn Chiểu, Hồng Cúc, Huỳnh Khải, Tấn Khoa, Quang Dũng, Út Bù, Tám Toàn…
Ngày nay, dù cho cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng phong trào ĐCTT của Long An vẫn phát triển khá vững chắc với lực lượng nghệ nhân trẻ đầy tài năng như: Kim Thanh, Nguyễn Minh Vương, Trung Dung, Thanh Việt, Thành Sậm, Hoàng Oanh, Mỹ Dung… Tất cả xứng đáng là “hậu duệ”, lớp kế thừa của di sản nghệ thuật độc đáo vùng đất phương Nam.
Sống mãi với thời gian
Không chỉ có những buổi sinh hoạt theo định kỳ của các câu lạc bộ (CLB), loại hình ĐCTT đang phát triển rộng khắp trong mọi không gian ở Long An. Một tiếng đàn, một câu hát có thể cất lên khi ngẫu hứng trong buổi gặp mặt, lúc hàn huyên bên chum trà, chén rượu. Cứ thế, loại hình nghệ thuật dân gian này có mặt trong đời sống xã hội, gắn với sinh hoạt của bác nông dân, chị tiểu thương, em học sinh hay một người trí thức, những người yêu nghệ thuật ĐCTT.
Theo nghệ nhân ưu tú Kim Thanh, cán bộ Phòng Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An, bên cạnh những người dân quê đam mê ĐCTT thì loại hình này còn được giữ gìn qua các CLB. Theo thống kê năm 2013, Long An có 158 CLB và đội, nhóm ĐCTT. Các CLB sinh hoạt khá đều đặn, trong đó phải kể đến các CLB ĐCTT TP.Tân An, huyện Cần Đước, huyện Thủ Thừa. Đặc biệt, ngoài sinh hoạt, giao lưu, các nghệ nhân của các CLB còn tham gia dạy ĐCTT. Hiện nay, đã mở được 2 lớp ở TP.Tân An và huyện Thủ Thừa. Đây sẽ là một trong những hình thức góp phần đưa ĐCTT đến với giới trẻ để loại hình này sẽ có đội ngũ kế thừa, phát huy trong mai sau.
Bằng cách tổ chức các lớp dạy ĐCTT này, trong những lần Liên hoan ĐCTT Nam bộ gần đây, những gương mặt trẻ xuất hiện như một tín hiệu vui cho câu chuyện bảo tồn loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Đó là cậu bé mang tên Triệu Phú đến từ huyện Đức Hòa vốn yêu thích và theo học ĐCTT khi vừa học lớp 3. Hay một Mỹ Dung của CLB ĐCTT huyện Thủ Thừa, tuy mới là học sinh THCS nhưng đã hát khá chắc điệu Đảo ngũ cung và Cổ bản… Những gương mặt trẻ, những tài tử đến với liên hoan cùng hòa niềm đam mê vào tiếng đàn, câu hát để loại hình này sẽ sống mãi.
Tự hào với những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển ĐCTT trong thời gian qua, đông đảo nghệ nhân Long An đang rất háo hức chờ đến ngày hội ngộ các đoàn nghệ nhân tại Festival ĐCTT Quốc gia lần II tổ chức tại Bình Dương. Chia sẻ về công tác chuẩn bị của tỉnh về các nội dung sẽ tham gia tại festival lần này, NNƯT Kim Thanh cho biết: “Đến với festival lần này, Long An hứa hẹn sẽ tham gia đầy đủ các hoạt động và đang tiến hành tuyển chọn đội ngũ tập dượt chương trình để có thể giao lưu với các tỉnh, thành phố bạn qua những khúc nhạc, lời ca đặc trưng của vùng đất được mệnh danh là chiếc nôi của ĐCTT Nam bộ. Theo đó, đội ngũ nghệ nhân tham gia biểu diễn sẽ là những nghệ nhân xuất sắc do Trung tâm Văn hóa tỉnh tuyển chọn từ các huyện, thị, thành phố”.