Linh thiêng ngôi chùa có tượng Phật cao nhất miền Tây

11/07/2019 16:11

Theo dõi trên

Tọa lạc tại thị trấn biên giới Long Bình (An Phú), chùa Linh Ẩn sở hữu nét đẹp kiến trúc độc đáo, cùng cảnh vật thanh tịnh. Đây được xem là tượng Phật cao nhất miền Tây.



Chùa Linh Ẩn. Ảnh: An Giang

 
Được thành lập cách đây 60 năm, chùa Linh Ẩn đã trải qua 3 đời trụ trì. Người có công sáng lập chùa là ông Lâm Văn Diêu, tham gia Cách mạng từ năm 1946, được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương chống Pháp và Huân chương chống Mỹ hạng Nhất.

Chùa Linh Ẩn được xây dựng theo hình “chữ đinh”, đặc trưng của đình chùa Việt Nam. “Khoảng thông thiên” phía sau chùa là nơi bóng mây soi thẳng xuống hồ nước trong veo, với những chú cá tung tăng.

 


Tượng Phật A Di đà cao 18m, có 2 mặt được xây dựng, với kinh phí xây dựng 2,5 tỷ đồng. Ảnh: An Giang

Điểm nhấn của chùa Linh Ẩn là quần thể kiến trúc tượng Phật A Di Đà. Tượng được thiết kế 2 mặt, mặt trước hướng về chùa Linh Ẩn, mặt sau nhìn về nước bạn Campuchia. Tổng chiều cao của tượng Phật gần 25m (tính từ chân đài sen đến đỉnh đầu), thân tượng cao 18m, rộng 6m. Đây là công trình kiến trúc tượng Phật Di Đà lớn nhất miền Tây, do nghệ nhân Thụy Lam (tác giả tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm) thi công.

Được biết, nghệ nhân Thụy Lam, tên thật là Phạm Dân Chủ, quê ở Phường Long Sơn, Thị xã Tân Châu, An Giang không chỉ nổi tiếng trong giới điêu khắc mà còn được nhiều người biết đến, ông chính là tác giả của bức tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm vừa đạt kỷ lục châu Á vừa qua.

Đặc biệt, đặt trong quần thể kiến trúc tượng Phật A Di đà là 2 bảo tháp chứa hài cốt của 2  vị trụ trì: Lâm Văn Diêu và Thích Phước Bính. Hàng năm, chùa tổ chức kỵ cơm vị trụ trì đầu tiên vào ngày mùng mười, mười một tháng 3 âm lịch.

Hiện tại, chùa Linh Ẩn mới đang được khẩn trương mở rộng, nâng cấp, làm mới rất khang trang, lộng lẫy với lối kiến trúc thuần Việt trên diện tích hơn 5.000 m2, kết cấu một trệt một lầu với nhiều công trình.

 
Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Linh thiêng ngôi chùa có tượng Phật cao nhất miền Tây" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.