Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam có đủ thẩm quyền bằng khen?

30/01/2021 16:55

Theo dõi trên

Sau những lần khiến làng võ “dậy sóng” về việc tự nhận là đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay đề xuất sáp nhập môn Vovinam vào Võ cổ truyền để thi đấu quốc tế, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam thêm lần nữa gây ra những lùm xùm trong dự luận khi tổ chức tặng “bằng khen” cho các cá nhân.



Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam tặng bằng khen cho các võ sư tại Hội thảo và Tập huấn Côn pháp Võ cổ truyền Việt Nam vừa qua tại Lâm Đồng. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Trao bằng khen chưa đúng quy định

Cụ thể, theo thông tin từ Báo Lâm Đồng, tại lớp Hội thảo và tập huấn Côn pháp Võ cổ truyền Việt Nam diễn ra từ ngày 9 - 10/1/2021 mới đây, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã tặng “bằng khen” cho 14 võ sư Lâm Đồng đã có nhiều thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

Cùng thời gian này, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng đã tặng “bằng khen” cho nhiều cá nhân khác đang hoạt động giảng dạy võ cổ truyền Việt Nam với lý do “đã có nhiều thành tích đóng góp phát triển Võ cổ truyền Việt Nam năm 2020”. “Bằng khen” này do ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam ký.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Tiến Phi, Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cho biết, việc cấp “bằng khen” được thực hiên trên cơ sở liên đoàn thành viên có công văn đề nghị kèm danh sách trình lên.

Theo Thạc sĩ Luật Lê Ngọc Đoàn, Văn phòng Luật sư Lê Thị Hồng Thanh thuộc đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết, theo khoản 1 Điều 73 Luật thi đua khen thưởng năm 2013 thì việc khen thưởng bằng hình thức bằng khen áp dụng cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh do cơ quan Trung ương của các tổ chức này quy định và tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 91/2017 hướng dẫn luật thi đua khen thưởng thì tổ chức xã hội nghề nghiệp chỉ có thể khen thưởng bằng hình thức giấy khen.

“Đối với trường hợp của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam việc áp dụng hình thức khen thưởng bằng khen là trái quy định liên quan. Đơn vị này là tổ chức này là tổ chức xã hội chứ không phải tổ chức chính trị - xã hội nên chỉ có thể áp dụng hình thức khen thưởng là giấy khen”, ông Đoàn cho biết. 

Cũng theo ông Đoàn, giấy khen là để tặng cho tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại các Điều 74, 75 và Điều 76 của Luật thi đua, khen thưởng. Riêng tại quy định tại Điều 9 Hiến pháp 2013 thì tổ chức chính trị xã hội bao gồm những tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Việt Nam; Hội nông dân Việt Nam; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hội cựu chiến binh Việt Nam.
 


Từ thời điểm làm Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang đã có nhiều quyết định gây phản ứng với những người tập luyện võ cổ truyền.

Câu hỏi về tính tổ chức

Việc Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tiến hành trao “bằng khen” một cách tùy tiện, trái quy định thêm lần nữa gây ra những lùm xùm trong dự luận và những ý kiến trái chiều của đơn vị này đối với làng võ Việt về cách thức tổ chức và quản lý quan liêu, bất cập và tùy tiện. Đáng nói, trước khi ban hành và ký “bằng khen” này, ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam từng nhiều lần gây ra những lùm xùm trong dư luận và cộng đồng võ Việt bằng những ý kiến “không giống ai”.

Cụ thể, ngày 19/5/2017, ông Hoàng Vĩnh Giang với tư cách Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam đã ký văn bản số 48 gửi các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) trên cả nước, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, liên đoàn võ thuật cổ truyền các tỉnh thành, Trung tâm UNESCO Việt Nam, Hội Kỷ lục gia Việt Nam với nội dung Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam là tổ chức duy nhất và chính thống có tư cách pháp nhân của Bộ VH, TT&DL, Bộ Nội vụ trong việc tổ chức thi lên đai, đẳng cho võ sinh, trợ giáo và võ sư các cấp trong và ngoài nước trong quá trình tập luyện hoặc hành nghề võ cổ truyền Việt Nam. Công văn ngay sau đó đã gây ra phản ứng dữ dội của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam. 

Sau khi dư luận phản ứng, ngày 13/6/2017, ông Vương Bích Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT đã ký văn bản 856 yêu cầu Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phải đính chính ngay những thông tin đã ban hành trong văn bản số 48 vì gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đến ngày 15/6/2017, ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã phải gửi văn bản xin lỗi Bộ VH, TT&DL vì trước đó tự cho mình là tổ chức thuộc Bộ VH, TT&DL và cho rằng chỉ có Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam mới có quyền tổ chức thi lên đai, đẳng cho võ sinh, trợ giáo, võ sư các cấp.

Đầu năm 2018, ông Hoàng Vĩnh Giang thêm lần nữa gây ra lùm xùm với làng võ Việt khi trong một cuộc họp liên quan, trên cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia kiêm Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, ông Giang đã đã đề nghị thống nhất 2 môn võ là Vovinam và Võ cổ truyền làm một thành môn Vovietnam để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế trong thời gian tới. Kiến nghị này sau đó đã bị lãnh đạo Liên đoàn Vovinam thế giới và một số lãnh đạo khác của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam phản đối. Giới võ thuật sau đó đều hiểu rằng, ông Hoàng Vĩnh Giang muốn “đốt cháy lộ trình”, giúp võ cổ truyền (dựa vào vovinam) có mặt ngay vào hệ thống thi đấu quốc tế. 

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ ông Giang làm lãnh đạo, ông đã chỉ đạo và đưa ra các quyết định thay đổi màu đai từ hệ thống màu đai cũ theo nguyên tắc “ngũ hành” theo truyền thống sang hệ thống đai mới chỉ dựa vào màu quan phục triều Trần; Tăng lệ phí thi đai đẳng trong môn võ cổ tuyền lên cao gấp nhiều lần trước kia dẫn đến hàng loạt những phản ứng bất bình trong cộng đồng võ cổ truyền.
 
Lệ Thanh

Bạn đang đọc bài viết "Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam có đủ thẩm quyền bằng khen?" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.