Lịch sử hình thành địa danh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

12/01/2018 15:26

Theo dõi trên

Cùng với sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với giao thông, cảnh quan và môi trường của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh. Nhưng lịch sử hình thành tên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì không phải người nào cũng hiểu rõ. Qua bài viết này, tác giả muốn gửi đến bạn đọc một chút thông tin về lịch sử hình thành tên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè dài 9.470m bắt đầu từ quận Bình Thạnh, đoạn giao với sông Sài Gòn tại vị trí nhà máy đóng tàu Ba Son, đi qua quận 1, quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận và quận Tân Bình. Nhưng do quá trình đô thị hóa kênh bị bồi lấp dần, phần thượng lưu bị cắt cụt tại đường Lê Bình, quận Tân Bình (trước kia dòng kênh này kéo dài tới khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình bây giờ). Chạy dọc hai bờ kênh là đường Hoàng Sa và đường Trường Sa.

Về tên gọi, từ khi người Việt khai phá đất Gia Định và đưa vùng đất này thành nơi hội tụ dân cư, phố chợ tấp nập, vì thế tên sông và kênh rạch cũng nhiều lần thay đổi. Và tên gọi  Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng không ít lần thay đổi theo lịch sử. 
 
 
Kênh Thị Nghè trước 1945 (hình sưu tầm)
 
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi chép thì: “Sông Bình Trị (tục xưng là sông Bà Nghè ở đất tổng Bình Trị) phía bắc trấn ly từ sông Tân Bình quanh sau trấn ly qua cầu ngang, ngược dòng mà về phía Tây 4 dặm rưỡi thì đến cầu Cao Miên, chảy về phía Tây Bắc chừng hai dặm đến cầu Chợ Chiểu, chảy về phía Nam chừng 4 dặm đến cầu Phú Nhuận (tục danh xóm Kèo), 6 dặm rưỡi nữa đến cầu Huệ, tột nguồn đất hoang đầy đầm ao” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Giáo Dục, trang 33). 
 
Tên gọi của dòng kênh này được ghép với hai từ Nhiêu Lộc và Thị Nghè. Đoạn từ cầu Thị Nghè (quận 1) trở lên đầu nguồn (quận Tân Bình) được gọi là Nhiêu Lộc, đoạn từ cầu Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn được gọi là Thị Nghè.
 
 
Cầu Thị Nghè xưa (hình sưu tầm)
 
Về nguồn gốc của tên Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng là một giai thoại. Theo Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý thì từ “nhiêu” là chức vị thời phong kiến khi người ta bỏ tiền ra mua để được miễn tạp dịch. Theo truyền miệng dân gian, có một người tên là Đặng Lộc với chức Nhiêu học đã bỏ tiền ra cải tạo, sửa sang kênh rạch phục vụ giao thông đường thủy nên người ta đặt tên ông gắn liền với tên con rạch này. Hiện nay, vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép đầy đủ và cụ thể vì sao có tên Nhiêu Lộc, mà chỉ có giải thích rất chung chung và truyền miệng.
 
Còn nguồn gốc tên rạch Thị Nghè cũng chưa được thống nhất, hiện nay người ta vẫn dùng hai cách giải thích khác nhau. 
 
Cách giải thích thứ nhất: Bà Nguyễn Thị Khánh, con gái Khâm Sai Nguyễn Cửu Vân (thời chúa Nguyễn Phúc Chu, 1691- 1725), là vợ ông nghè làm thư ký trong dinh Phiên Trấn, thấy con rạch chia cắt hai bên làm cho việc đi lại vô cùng khó khăn nên bà đã cho xây một cây cầu bắc qua để chồng tiện đi làm và dân chúng sử dụng. Từ đó cây cầu này được dân gian gọi là cầu Bà Nghè, sau này đổi thành là Thị Nghè. Cũng theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Xét về Bà Nghè, là con gái lớn của Khâm Sai chính thống Vân Trường hầu tên là Nguyễn Thị Khánh, lấy chồng là thư ký mỗ, bấy giờ xưng là bà Nghè mà không gọi tên, vì bà là người mở đầu chiếm mở đất ở đó, bắt đầu bắc cái cầu ngang cho thông lối đi lại, người ta gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi con sông là sông Bà Nghè” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Giáo Dục, trang 33). 
 
 
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước Giải phóng 1975 (hình sưu tầm)
 
Cách giải thích thứ hai: Có một bà Thị Nghè (vợ ông Nghè) tổ chức các toán dân quân đánh Pháp khi chúng đổ bộ đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định. Trong một trận chiến với thực dân Pháp, bà đã dũng cảm hy sinh. Từ đó dân chúng đặt tên sông, cây cầu và vùng đất xung quanh là Thị Nghè. Nhưng có lẽ cách giải thích thứ nhất có lẽ thuyết phục hơn, bởi tại khu vực này ngoài cầu Thị Nghè, còn có chợ Thị Nghè (Bình Thạnh), và những vùng xung quanh cũng được gọi là vùng Thị Nghè. 
 
Nhà văn Sơn Nam cũng đồng tình với cách giải thích thứ nhất trong cuốn Đất Gia Định – Bến Nghé xưa và người Sài Gòn. Ông viết: “Phía bắc thành Gia Định, rạch Thị Nghè, còn gọi là rạch Bà Nghè (tên chữa là Nghi Giang – Bình Trị Giang) tuy ngắn nhưng quan trọng như một hào hố tự nhiên” (Sơn Nam, 2006, trang 375).
 
 
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè một thời gian bị ô nhiễm nghiêm trọng
 
Theo nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa, từ thế kỷ  XIX trở về trước địa danh này có tên là Bà Nghè. Từ giữa thế kỷ XIX trở về sau, địa danh này đổi tên là Thị Nghè. Lê Trung Hoa cho rằng, có thể đoán định tên gọi Thị Nghè có thể ra đời vào khoảng thời gian 1725 – 1750. 
 
Trong thời kì chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tên khác nữa là kênh Trương Minh Giảng, vì nó băng qua cây cầu cùng tên. Sau ngày đất nước thống nhất, cái tên Nhiêu Lộc – Thị Nghè chính thức được sử dụng trở lại cho đến ngày nay. 
 
 
Kênh Nhiêu  Lộc – Thị Nghè ngày nay
 
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã có một thời gian dài bị ô nhiễm nặng nề do quá trình đô thị hóa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan của thành phố và cuộc sống của người dân. Nhưng trong những năm  gần đây, được đầu tư cải tạo của Chính phủ và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang ngày càng thay da đổi thịt, từng bước trở thành một dải lụa xanh vắt ngang thành phố.

Phạm Sinh

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử hình thành địa danh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.