Lênh đênh xóm bè

19/12/2016 15:52

Theo dõi trên

Trên cửa sông Quán Trường đổ ra biển có rất nhiều bè nổi của ngư dân đang hoạt động. Trong số đó có bè và cũng là nhà của một số ngư dân người Huế. Mấy chục năm lênh đênh chài lưới trên sông, hiện nay cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể lên bờ theo vận động của chính quyền địa phương…

Bè là nhà

Men theo con đường đất chật hẹp, lầy lội phía bên phải cầu Bình Tân, dọc theo sông Quán Trường, trước mặt chúng tôi là những căn nhà bè nổi dập dềnh nằm dưới lòng sông. Anh Nguyễn Ngọc Toàn, chủ một căn nhà ở đây vừa đi làm về. Nước triều dâng cao, tuy căn nhà nằm sát mép sông nhưng chúng tôi phải leo lên một con thuyền nhỏ mới qua được nhà anh Toàn. Trời mưa như trút nước, gió thổi mạnh, căn nhà phao làm bằng tôn và lát ván tạm bợ kêu răng rắc, rung rinh theo từng con sóng. Nước sông tạt tung tóe lên sàn nhà ướt nhẹp. Chị Nguyễn Thị Lành, vợ anh Toàn đang bị bệnh viêm phổi nặng ho lên từng cơn vì gió lùa. 2 đứa con nhỏ của anh chị co ro nép vào một góc. Căn nhà anh ở không có gì đáng giá ngoài vài chiếc chiếu sờn để ngủ, 1 chiếc ti vi nhỏ không có điện dùng. Nghe anh kể về mười mấy năm lênh đênh trên sông của mình, tôi mới biết anh là người gốc Huế, từng là dân vạn đò trên phá Tam Giang. Do ở quê gặp khó khăn nên anh vào Khánh Hòa làm ăn đã hơn 10 năm. Không người quen thân thích, anh làm tạm nhà phao bên mép sông Quán Trường mưu sinh bằng nghề chài lưới đến nay.




Những nhà bè trên sông Quán Trường

Hàng xóm của anh Toàn là gia đình anh Nguyễn Dật và chị Nguyễn Thị Lang. Anh Dật kể, nhà nghèo, anh bỏ biển Thuận An vào Khánh Hòa làm ăn từ thời còn trai trẻ. Gặp chị Lang người cùng quê, không có nơi đi về nên anh chị làm nhà phao trên sông để tá túc qua ngày. Ban đầu anh chị làm nhà tạm ở Cồn Giữa sông Quán Trường, sau di chuyển nhà sang bờ hữu. Mười mấy năm lênh đênh, cuộc sống anh chị vẫn nghèo khổ.



Thả lưới mưu sinh trên sông

Ở Cồn Giữa cũng có một gia đình người Huế đang sinh sống là anh Nguyên Tứ và chị Nguyễn Thị Lịa. Đây có lẽ là gia đình định cư trên sông Quán Trường lâu năm nhất, từ năm 1985. Mấy mươi năm anh chị sống bằng nghề lờ dây, nuôi trồng thủy sản. Nghề chài lưới, nuôi trồng bấp bênh, con lại đông (7 người) nên cái nghèo vẫn bám riết, đã gần 60 tuổi nhưng anh chị vẫn sống trong căn nhà dột nát cùng chiếc thuyền con mang tận ngoài Huế vào. “Chúng tôi không đất nên sống lênh đênh trên sông, liên tục di chuyển chỗ ở. Ở chỗ này được một thời gian, bị người ta đuổi thì di chuyển đến chỗ khác, bờ tả rồi sang bờ hữu, từ khúc sông này sang khúc sông kia, khổ lắm”, chị Lịa nói.

Cuộc sống khó khăn

Do ở trên bè nổi nên cuộc sống của những gia đình này gặp vô vàn khó khăn, không có điện họ phải dùng bình ắc quy thắp sáng, 3 ngày mang đi sạc điện 1 lần. Nước ngọt phải lên bờ mua 1.500 đồng/can 30 lít. Một ngày phải dùng cả chục can để tắm giặt và nấu ăn. Nhưng cực nhất là mùa giông bão, các gia đình phải liên tục chạy lũ. Trẻ em được đưa vào gửi nhà người dân, người lớn thì lo  giằng giữ bè nổi để khỏi bị nước lũ cuốn trôi. Có hôm gió to, mái tôn, tường ván bay hết. Sau mưa, các gia đình phải gia cố lại. “Trận mưa vừa rồi, trong lúc chồng tôi đưa các con đến ở nhờ nhà người dân và mua thức ăn thì bè bị sóng đánh nghiêng, đứt gần hết dây neo, tôi vừa gọi nhà hàng xóm hỗ trợ, vừa dọn đồ đạc lên bờ, may mà chồng tôi về kịp kéo bè tựa vào bờ”, chị Lang kể.




Cảnh sinh hoạt của một gia đình trên nhà bè

Các hộ gia đình cho biết, tuy sống dưới bè nổi nhưng họ đều nhờ vả người quen nhập hộ khẩu ở xã Phước Đồng để con được đi học. Khó khăn nhất của họ hiện nay là nguồn thủy sản cạn kiệt, thu nhập nghề chài lưới, thả lờ dây không đủ sống và nuôi các con ăn học. Như gia đình anh Toàn, vợ bệnh viêm phổi nặng nhưng không có tiền vào viện điều trị, phải nằm nhà. “Những năm trước tôi còn phụ chồng làm nghề chài lưới, nhưng giờ bệnh nặng, sức yếu không phụ được gì cho chồng. Chồng tôi chài lưới 1 ngày chỉ kiếm trên dưới 100.000 đồng. Con cái đi học không đủ tiền. Đứa con gái đầu từng là học sinh khá của Trường Nguyễn Văn Trỗi cách đây 2 năm phải bỏ học vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi 2 em”, chị Lành nói trong nước mắt.

Gia đình anh Dật có 3 đứa con nay đều đã vào cấp I. Thu nhập nghề biển giảm, nên tuy sống dưới bè nhưng anh chị phải bỏ nghề biển để lên bờ kiếm sống. Anh Dật đi làm thợ hồ, còn chị Lang làm thợ may nhưng luôn trong tình cảnh thiếu trước hụt sau. Gia đình anh Tứ, chị Lịa có 7 người con thì đã nghỉ học gần hết. Những đứa con lớn đã đi kiếm sống ở địa phương khác; các con nhỏ phụ anh chị làm nghề chài lưới, mua bán cá tôm. Nguy hiểm hơn, con của các gia đình còn rất nhỏ nhưng có em phải tự chèo thuyền qua đất liền để đến trường. Một số trẻ em nhỏ ở nhà tự chơi với nhau trên bè nổi, hoặc chèo thuyền đến nhà họ hàng chơi, rất mất an toàn và nguy hiểm đến tính mạng. Mùa mưa lũ vừa qua, đã có 1 trẻ em cha mẹ đi làm, để con ở nhà tự chơi, chẳng may bị rơi xuống sông mất tích.

Mong được lên bờ

Cuộc sống quá khó khăn, các gia đình đã nghĩ đến việc lên bờ thuê nhà sinh sống để các con an toàn, đến trường thuận lợi. Nhưng, “cứ nghĩ đến khoản tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền chi tiêu hàng ngày là sợ không dám lên. Còn ở dưới nhà bè thì dễ kiếm sống hơn. Chỉ cần kiếm đủ tiền đong gạo, ra sông quăng lưới có cá về đủ nuôi các con qua ngày. Hôm nào có nhiều cá bán thì để dành đóng tiền học cho con. Cũng vì vậy mà chúng tôi cố bám trụ dưới sông”, anh Dật tâm sự. 

Theo lãnh đạo UBND phường Phước Long, chính quyền nắm rõ việc các hộ gia đình sống ở bè nổi trên sông Quán Trường thuộc địa phận của phường. Đợt kiểm tra gần đây nhất, phường xác định đoạn sông gần cầu Bình Tân có 4 bè nổi, trong đó 3 bè nổi có hộ gia đình sinh sống tại chỗ và đều có hộ khẩu ở xã Phước Đồng (17 khẩu); còn 1 bè nổi chỉ làm nghề, không sinh sống tại chỗ có hộ khẩu ở phường Phước Long. “Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã phối hợp với xã Phước Đồng vận động các hộ tháo dỡ bè nổi, lên bờ sinh sống. Tuy nhiên hộ nào cũng khó khăn, không có khả năng để lên bờ. Riêng hộ ở Phước Long, phường sẽ tiếp tục vận động tháo dỡ bè trả lại mặt nước để thực hiện dự án nạo vét sông; đồng thời kiến nghị TP. Nha Trang có hướng giải quyết, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp”, bà Nguyễn Thị Hoa Sim - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho hay, xã đã mời 1 gia đình đang sống ở Cồn Giữa sông Quán Trường (thuộc địa phận giáp ranh với Dự án khu Trung tâm hành chính tỉnh) lên phường để kiểm tra giấy tờ. Qua kiểm tra, hộ này có hộ khẩu ở phường Vĩnh Trường từ năm 1990. Trước đó, vào năm 2012, phường đã từng vận động 4 hộ sinh sống trên bè nổi thuộc khu vực Cồn Giữa lên bờ sinh sống, có một số hộ về ở Hòn Rớ, một số hộ di chuyển qua địa phận khác. Theo chỉ đạo của thành phố, địa phương sẽ tiếp tục vận động hộ dân có hộ khẩu ở Vĩnh Trường lên bờ sinh sống, đồng thời kiến nghị thành phố và chủ đầu tư dự án hỗ trợ di dời để đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong mùa mưa lũ và đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, các hộ này sống trên bè nổi, cán bộ đến vận động là họ lại di chuyển nhà đến địa điểm khác nên chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc quản lý.

Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đã có Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý các lồng bè nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch trên toàn thành phố. Tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra tất cả lồng bè đang hoạt động, trong đó có các nhà bè của các hộ người Huế. Mong ước của những hộ này là được chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ lên bờ, chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo cuộc sống. “Chúng tôi rời quê đã mấy chục năm rồi, cũng chưa có điều kiện về thăm quê. Chúng tôi cũng mong được chính quyền địa phương hỗ trợ để lên bờ, nếu không thì không biết đến bao giờ giấc mơ lên bờ của chúng tôi mới thành hiện thực”, anh Toàn chia sẻ.

(Theo Báo Khánh Hòa) 

Minh Thiết
Bạn đang đọc bài viết "Lênh đênh xóm bè" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.