Ngày xưa có những chuyến đò dọc với hành trình cả trăm cây số, từ trung tâm đô thị miệt đồng bằng như Cần Thơ, Mỹ Tho để đi tới vùng Cà Mau, Kiên Giang, Hà Tiên... Nhưng rồi khi có những cây cầu và đặc biệt là khi hình thành các tuyến đường ven sông, ven kênh thì đò dọc ít còn hữu dụng. Ngay cả người dân miền Tây Nam bộ, nhất là phía thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu cũng rất ít khi gặp những chuyến đò dọc như vậy. Tuy nhiên, ở vùng hạ lưu, nơi vô vàn các cù lao nằm lọt thỏm giữa lòng sông rộng mênh mông thì đò dọc vẫn là phương tiện không thể thiếu. Những chuyến đò có khi hành trình chỉ dài năm, mười cây số nhưng có tới hàng chục bến đậu cả hai bên bờ sông gần như là một đặc sản của vùng hạ lưu châu thổ.
Tôi đã từng đi nhiều chuyến đò dọc ở vùng hạ lưu của sông Tiền, sông Hậu. Nhưng chuyến đò làm tôi nhớ nhất có lẽ là chuyến từ phía Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long qua chợ Cái Côn của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Mùa khô, cả châu thổ rộng lớn đang nắng nóng, cũng là lúc gió chướng từ phía biển thổi vào. Ở những vùng hạ lưu, nơi sông gặp biển, gió chướng thổi rất mạnh nên những con đò dọc chạy thật chậm, ven bờ sông. Khi lên đò, đồ đạc được kê chặt lại, người ngồi sát vào nhau còn xe máy phải kê ngang, có thanh gỗ chủ đò chuẩn bị sẵn chèn vào bánh. Tất cả để chống chọi với những con sóng khi đò ra giữa lòng sông Hậu.
Từ phía Trà Ôn qua, đò phải dừng lại nhiều lần bên con kênh Lục Sĩ, ở cả hai phía. Nhiều khi chỉ là hành khách yêu cầu, đò cũng ghé lại. Chuyến đò dọc với những bến đậu cũ kỹ nhưng lại mở ra cho tôi, kẻ thang lang lần đầu đặt chân tới xứ sở này, cả một khung trời mới mẻ, rất bình thường nhưng cũng rất khác lạ. Một con đường rợp bóng lá chuối đan xen tưởng như bít kín cả đường đi. Hay một con đường khác, hai bên là hàng cây nhãn xuồng đang vào mùa sai trái, từng chùm trái chín cứ chìa ra, đập cả vào người đi đường.
Cây trái thì nhiều mà người lại ít. Nghe chủ đò bảo những vườn cây này là của thương lái, họ mua hết rồi, đang chuẩn bị thu hoạch. Và, cũng như vô vàn các cù lao khác tôi từng qua, người dân ở đây không có tâm thức bảo vệ tài sản của mình. Cuộc sống của những cư dân cù lao yên bình, những ngôi nhà không khóa cửa và những vườn trái chín không rào chắn.
Nhưng đó không phải là chuyến đò dọc duy nhất của hạ lưu dòng sông Hậu bởi càng xuôi ra phía biển, nơi mà những cồn, cù lao cứ san sát nhau thì những chuyến đò như thế lại càng nhiều. Như đoạn cù lao Dung, khá nhiều chuyến đò dọc từ phía Trà Cú, Duyên Hải của Trà Vinh đi qua bên Trần Đề, Kế Sách tỉnh Sóc Trăng, bởi cù lao có nhiều kênh rạch đan xen hơn đường lộ. Những chuyến đò chạy dọc kênh Vàm, cồn Cộc, cồn Tròn... bao năm rồi vẫn thế, vẫn thong thả đến và đi.
Tôi luôn nghĩ rằng, thứ gì tồn tại thì cần thiết. Tồn tại càng lâu, nó càng cần thiết. Những con đò dọc mỏng manh xứ cù lao cũng vậy. Dù rất nhiều thứ đã thay đổi ở vùng hạ lưu này trong khoảng nửa thế kỷ gần đây và những hành khách đi đò kia đang cầm những chiếc điện thoại thông minh lướt mạng xã hội, nhưng thật lạ, những con đò ấy vẫn y như thế, như hàng trăm năm trước. Có lẽ, còn rất lâu nữa mới có phương tiện đủ thay thế những con đò dọc nơi cù lao hạ nguồn.
Theo thesaigontimes.vn