Thanh Chương

Lễ Tống Phong của người dân sông nước miền Tây

10/02/2017 15:31

Theo dõi trên

Ngày nay, tuy lễ tục này không còn được phổ biến như trước nhưng vẫn được nhiều địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An… tổ chức. Mục đích của lễ tục này là cầu bình an cho gia đình, xóm làng, tống khứ những gì xui rủi để mong đón nhận những điều tốt lành trong thời gian tới.

Lễ tống phong còn gọi là tống gió, tống ôn, tống tà ma. Hiện nay, tại một số nơi thờ cúng ở các tỉnh miền Tây còn gọi là lễ Cầu an...



Đốt lửa tống phong - Ảnh: Báo Nông Nghiệp

Tống phong, tống gió hay tống ôn, theo nghĩa đen có nghĩa là tống khứ, xua đuổi những luồng gió độc hại, những loại tà khí, ô uế có thể sinh ra dịch bệnh nguy hiểm như tả lỵ, thương hàn. Theo nghĩa rộng có nghĩa là loại trừ cái xấu xa, xúi quẩy, phiền muộn và tật bệnh ra đi. Đồng thời đón lấy những ngọn gió lành, những điều may mắn, hưng thịnh về cho xóm làng.



Trọng tâm của lễ này là cả xóm chài cùng thả một chiếc thuyền - Ảnh: Báo Dân Việt

Theo Báo Dân Việt, trọng tâm của lễ này là cả xóm chài cùng thả một chiếc thuyền. Con thuyền theo dòng nước mang đi những loại tà khí, ô uế có thể sinh ra dịch bệnh và loại trừ cái xấu xa, xúi quẩy, phiền muộn và bệnh tật, đồng thời đón lấy những ngọn gió lành, những điều may mắn, hưng thịnh về cho xóm làng. Lễ Tống phong thể hiện bản sắc văn hóa của cư dân sông nước miền Tây, góp phần thắt chặt tình đoàn kết cư dân trong xóm...

Lễ tống phong được tổ chức không đồng nhất giữa các địa phương. Có nơi chọn ngày 15, 16 tháng Giêng Âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, hoặc 15 tháng 7 Âm lịch, nhưng đa số chọn ngày 19 tháng Giêng Âm lịch. Giờ giấc cúng ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Có nơi chọn đêm khuya, có nơi chọn giờ Ngọ (12g trưa), có nơi lại chọn 6 giờ chiều… Dù chọn giờ nào, ngày nào thì lễ tống phong cũng phải gắn với các nơi thờ tự như chùa, miễu…

Để chuẩn bị cho buổi lễ này, người ta đã phân công công việc như làm thuyền, chuẩn bị vật phẩm cúng thần, chỉ định những người phụ giúp cuộc lễ. Trước khi hành lễ, người ta đem tất cả các vật phẩm đến cơ sở thờ tự để làm lễ ra mắt thần và cũng là để cho thần chứng giám.

Thông thường, người ta đặt chiếc thuyền ngay giữa sân của nơi thờ tự, ngay gian chính điện, mặt hướng ra sân.

Chiếc thuyền này được làm rất công phu từ nhiều ngày trước. Đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó có khung thuyền làm bằng tre trúc, xung quanh thân thuyền được dán giấy màu đủ loại để tạo sự kín đáo và cũng làm đẹp thêm cho chiếc thuyền. Trên thuyền còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo thuyền, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dành cho những người nghèo ở cõi âm.

Bên hông thuyền có ghi ngày tháng năm cúng, xung quanh thuyền và trên buồng lái có treo cờ, kết dây, trang trí hoa màu rất hoành tráng.

Lễ Tống phong thể hiện bản sắc văn hóa của cư dân sông nước miền Tây, góp phần thắt chặt tình đoàn kết cư dân trong xóm...


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Lễ Tống Phong của người dân sông nước miền Tây" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.