“Cuối cùng tôi cũng cởi được cái gông trên cổ” - chị Nguyễn Thanh T. chia sẻ
Bỏ của chạy lấy người
Đã tám năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại khoảng thời gian sống ở nhà chồng, nét mặt chị Nguyễn Thị D. (H.Ô Môn, TP. Cần Thơ) vẫn chưa hết vẻ hoảng sợ.
D. kể, năm chị 18 tuổi, thấy bạn bè cùng xóm lấy chồng Hàn Quốc có tiền giúp gia đình trang trải cuộc sống, có người còn xây được nhà cao cửa rộng cho cha mẹ, chị cũng nhắm mắt đưa chân. Qua mai mối, D. theo đoàn đi “chào hàng”. Sau mười lần chào đoàn, chị lọt vào mắt xanh của một chú rể hơn chị 25 tuổi. Một tuần sau hôn lễ được cử hành tại nhà hàng, nghe thì sang trọng nhưng thực tế chỉ sơ sài với buổi tiệc được giới hạn không quá hai bàn. Sính lễ cũng chỉ là đôi bông tai và vài ba triệu đồng. D. bảo, lúc đó chị hụt hẫng lắm, ngẫm nghĩ còn thua một cái đám cưới ở quê, nhưng chị lại tự an ủi vì hy vọng sang bên kia sẽ có cơ hội kiếm tiền.
Sau ba tháng chờ đợi, D. đặt chân đến xứ sở kim chi, nhưng cuộc sống nơi đây khác xa với những gì chị mơ ước. Nhà chồng không lầu son gác tía, không nằm trong một thành phố đẹp như phim ảnh mà là một căn hộ tồi tàn nơi miền núi heo hút. Hàng ngày, D. theo gia đình nhà chồng lên rẫy đến tối mịt về thì phải lo cơm nước, dọn dẹp. Quần quật suốt ngày mà một đồng tiền lẻ chị cũng không có, nói gì đến bạc trăm, bạc triệu gửi về cho gia đình. Bao nhiêu ước mơ, hy vọng tắt lịm. Chút may mắn an ủi D. là một tuần nhà chồng còn cho chị ra ngoài một buổi để học tiếng, tìm hiểu văn hóa bản địa để hòa nhập.
Nhưng, nỗi cơ cực, vất vả ấy không phải là nguyên nhân khiến D. tháo chạy. Chị vẫn không sao quên được những hành động kỳ quặc của chồng, ám ảnh chị trong từng giấc ngủ, đến đỗi đã tám năm trôi qua chị vẫn không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng. Chị bảo, đêm nào chị giật mình thức giấc cũng thấy chồng đứng trên đầu nằm, mắt trợn ngược, nghiến răng trèo trẹo, hai tay thì gồng cứng. Chị im lặng thì thôi, nếu chị lên tiếng thì anh lao vào chị như muốn ăn tươi nuốt sống. Sợ hãi, chị né tránh chuyện vợ chồng, nhưng chị càng tránh anh ta càng làm tới. Khổ nỗi, bất đồng ngôn ngữ nên chị chẳng biết nói sao cho chồng hiểu. Nhiều đêm sợ quá, chị ú ớ, la khóc. Thấy chị hoảng loạn mà không rõ nguyên nhân, mẹ chồng chị phải gọi phiên dịch đến. Không chỉ vậy, anh chồng còn thường xuyên cào cấu, xé tan tành quần áo vợ đang mặc. Quá lo sợ, chị muốn bỏ trốn nhưng lại không biết trốn đi đâu, khi xung quanh toàn những người xa lạ, chị lại không biết tiếng. Cùng đường, D. giả vờ mẹ ruột đang bệnh nặng xin phép được về thăm. Nghi ngờ, anh chồng theo về. Vừa xuống sân bay, D. bỏ lại toàn bộ hành lý trốn về nhà mình. Chồng chị gọi điện chửi mắng, đe dọa, đòi bồi thường, suốt thời gian dài chị chẳng được bình yên. Chị nghẹn ngào: “Họ có tìm đến nhà giết chết tôi, tôi cũng chịu chứ không dám trở lại đó nữa”.
May ít rủi nhiều
Ngay trong lần chào đoàn đầu tiên, chị Nguyễn Thanh T. (H.Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã được chọn. Cũng như D., sau đám cưới đơn sơ với hai bàn tiệc, T. theo chồng sang Hàn Quốc. Những ngày đầu về sống chung, nhận thấy chồng đầu óc không bình thường, chị thất vọng não nề. Anh ngơ ngơ ngẩn ngẩn không biết làm việc gì, chỉ chăm chăm đòi vợ chiều chồng.
Thực tế còn phũ phàng hơn, chị được cưới về không nhằm mục đích làm vợ anh mà để làm người giúp việc nhà kiêm công nhân không công cho vợ chồng đứa em chồng. Công việc hàng ngày của chị là khuân vác hàng ở xưởng sắt của em chồng. Buổi tối thì chị phải lo cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa và chăm hai đứa con nhỏ của họ. Toàn bộ giấy tờ tùy thân của chị đều bị em chồng cất giữ, chị muốn gọi điện cho người thân hay bạn bè cũng phải xin phép.
Do không quen với khí hậu lạnh, lại thêm công việc nặng nhọc nên ba tháng sau, T. ngã bệnh. Lúc chị vào làm ở xưởng, vợ chồng người em chồng hứa hẹn sẽ trả lương cho chị gửi về giúp gia đình, nhưng suốt ba tháng trời họ không cho lấy một đồng. Khi chị bệnh, xin tiền chữa bệnh họ cũng ngó lơ, yêu cầu chị phải làm việc đủ sáu tháng mới trả lương. Rồi họ bỏ mặc chị bệnh tật, thậm chí không cho chị nghỉ ngơi. Chị ngậm ngùi: “Thực lòng thì mình cũng mong có được một gia đình hạnh phúc, nhưng với ông chồng bệnh tật thì còn mong mỏi điều gì”. Thất vọng, T. muốn ly hôn trở về Việt Nam nhưng nhà chồng không ưng thuận, còn đe dọa. Thân cô thế cô, lại không biết phải làm gì, chị đành cắn răng cam chịu.
Về sau, nhờ một người quen ở Việt Nam, T. lần ra được số điện thoại của các bạn chào đoàn chung đang sống ở Hàn. Được bạn giúp đỡ, chị trốn ra ngoài đi làm. Tại đây chị thấy mình vẫn còn may mắn, bạn bè của chị mỗi người một cảnh, nếu không bị ép làm việc quá sức, bị lạm dụng, thì cũng bị đánh đập, hành hạ. Họ đều bỏ trốn ra ngoài đi làm kiếm tiền gửi về cho gia đình. Họ làm quần quật, còn phải trốn chui trốn nhủi, vừa trốn nhà chồng vừa trốn cảnh sát. Mỗi tháng, họ phải nhờ công ty môi giới đổi chỗ làm một lần để không bị phát hiện. Chị T. buồn bã: “Nhiều người cứ nghĩ lấy chồng Hàn sướng hay khổ là may rủi, nhưng thực tế thì không phải vậy, nếu có thì cũng may ít rủi nhiều. Có chăng là khôn dại. Người khôn thì tìm cách chạy trốn, người dại thì ở lại cam chịu. Mỗi người đều có nỗi khổ riêng, bởi cuộc sống bên ngoài cũng phức tạp lắm”.
Chị Nguyễn Thị D.: “Thời gian sống bên Hàn tuy ngắn ngủi nhưng tôi đã chứng kiến rất nhiều chuyện đau lòng của cô dâu Việt. Đó là cảnh chị bạn cùng lớp tiếng Hàn bị chồng đánh kéo lê dưới đường. Anh ta còn gí mặt chị cà xuống mặt đường nhưng người qua đường chỉ thờ ơ lướt qua. Là chuyện của đứa bạn cùng đoàn bị anh em của chồng sàm sỡ nhưng phải im lặng bởi có phản kháng cũng chỉ nếm thêm đòn roi của nhà chồng. Còn nhiều, nhiều lắm... Vậy mà tôi không hiểu sao khi trở về Việt Nam, họ lại tô vẽ nơi ấy như thiên đường để bao nhiêu người phải lầm tưởng, dở dang...”.
Khai tử vợ để lấy vợ khác
Sau một năm trở về, D. đến tòa án xin được ly hôn nhưng bị từ chối vì D. không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến chồng. Suốt hai năm trời có bao nhiêu tiền bạc, chị đều đổ hết vào hành trình đi tìm tự do. Chị gõ cửa hết cơ quan này đến cơ quan khác cầu cứu nhưng nơi nào cũng bó tay.
Hết tiền chạy lo, chị bỏ lửng hơn hai năm trời thì được Hội Phụ nữ xã giới thiệu đến Trung tâm Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Hàn Quốc (KOCUN) tại Cần Thơ. Thông qua KOCUN, D. biết được, sau khi chị trở về Việt Nam, chồng chị đã khai chị qua đời và kết hôn với người phụ nữ khác. Dù đã có vợ nhưng anh ta vẫn không hợp tác hoàn tất thủ tục ly hôn để trả tự do cho chị. Phía Việt Nam phải nhiều lần gửi giấy xác nhận chị vẫn còn sống, anh ta mới chịu hợp tác. Thế nhưng, gần năm năm sau, anh này mới gửi lại giấy tờ cần thiết cho chị. Khi giấy tờ đến tay chị thì đã không còn hiệu lực, buộc chị phải làm lại hồ sơ từ đầu. Mất thêm ba năm chờ đợi, tháng 10 vừa qua, chị mới nhận được bản án ly hôn từ phía Hàn Quốc.
Còn chị T., trên bước đường tìm lại tự do cho mình cũng trải qua biết bao khó khăn, tốn kém, thậm chí còn bị lừa gạt.
Đi làm được một thời gian, T. bệnh nặng. Lo mình không qua khỏi, chị nhờ bạn bè giúp đỡ đưa về quê. Thương tình, mỗi người một ít gom góp mua vé máy bay cho chị về. Sau hai năm chữa trị, chị bình phục và tìm đến các cơ quan chức năng xin được ly hôn với chồng nhưng bị từ chối. Không nản, chị tìm đến các công ty môi giới nhờ giúp đỡ, vì không hiểu biết nên chị bị lừa gạt hơn chục triệu đồng. Mãi đến khi không còn tiền để theo đuổi, chị đành bỏ cuộc.
Đến nay sau 5 năm mòn mỏi, tưởng như không còn hy vọng thì vừa qua chị được KOCUN tại Cần Thơ giúp đỡ lấy được bản án ly hôn với chồng. Chị cười rưng rưng nước mắt: “Tháng 11 này sẽ có kết quả, tôi mừng lắm! cuối cùng tôi cũng cởi được cái gông trên cổ”.
KOCUN hỗ trợ miễn phí cho cô dâu Việt
Theo bà Chung Dawa, Trưởng văn phòng đại diện Trung tâm Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Hàn Quốc (KOCUN) tại Cần Thơ, từ tháng 9/2011 đến nay, văn phòng KOCUN tại Cần Thơ đã tiếp nhận và hỗ trợ gần 150 trường hợp cô dâu Việt ly hôn với chồng. Trong đó, có 108 hồ sơ đã giúp đỡ thành công về pháp lý. Hầu hết các trường hợp này đều trốn về, không lấy được bản án ly hôn tại Hàn Quốc hoặc người chồng chưa đưa đơn ly hôn ra tòa.
Theo bà Chung Dawa, có rất nhiều nguyên nhân khiến cô dâu Việt bỏ về, nhưng nguyên nhân lớn nhất là đời sống và hôn nhân không tươi sáng như họ mơ ước, thêm sự khác biệt về văn hóa, bất đồng ngôn ngữ không chia sẻ. Điều làm bà trăn trở nhất là các cô dâu Việt sau khi trở về đều trắng tay, lại thường không được gia đình thông cảm, chia sẻ. Nhiều cô dâu Việt tâm sự, họ rất khổ sở vì xóm giềng dị nghị, gia đình trách móc. Vì vậy, họ thường bỏ quê đi nơi khác sinh sống. Hiện nay các trường hợp KOCUN đã hỗ trợ, khi liên hệ lại tìm hiểu đời sống của họ để giúp đỡ đều không được, vì họ thay đổi số điện thoại và không còn sống ở địa phương.
Ngoài việc hỗ trợ ly hôn, KOCUN còn hỗ trợ miễn phí các chương trình: dạy văn hóa Hàn Quốc cho cô dâu Việt trước khi sang Hàn Quốc, nhằm giúp cô dâu Việt trang bị thông tin cơ bản về văn hóa Hàn Quốc; hướng dẫn các thủ tục pháp lý để cô dâu Việt sống ổn định; giới thiệu các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa cho phụ nữ di trú diện kết hôn; giới thiệu các phúc lợi xã hội được hưởng khi đến Hàn Quốc; tư vấn quy trình xử lý hồ sơ ly hôn được trích lục từ Hàn Quốc, nhận hỗ trợ trích lục miễn phí hồ sơ cho cô dâu Việt. Hỗ trợ thông dịch cho các cặp vợ chồng khi vợ còn ở Việt Nam để giúp vợ chồng hiểu nhau hơn hoặc cho gia đình cô dâu Việt muốn nói chuyện với con rể. KOCUN còn hỗ trợ nuôi con lai (dưới sáu tuổi) và giúp vốn cho cô dâu Việt làm ăn, sinh sống.
Theo bà Chung Dawa, hiện nay KOCUN vẫn chưa “phủ sóng” rộng rãi đến các tỉnh, thành khác, hầu hết các trường hợp đã được hỗ trợ đều ngụ Cần Thơ. Những cô dâu Việt này biết đến KOCUN thông qua bạn bè hoặc Hội Phụ nữ phường, xã. Vì vậy mong muốn của KOCUN là được phối hợp với nhiều địa phương để hỗ trợ tất cả các trường hợp tương tự ở các tỉnh, thành khác.
Cô dâu Việt khi cần hỗ trợ có thể liên hệ với KOCUN theo địa chỉ: 151/9A Trần Hoàng Na, Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ,ĐT: 0710.6253155.
Theo Phụ Nữ Online