Ông Ba Nuôi (đứng) cùng bằng hữu tri âm thường xuyên giao lưu ĐCTT vào mỗi buổi chiều
Vẫn vững nhịp đờn ca
Nhà cụ Phan Thị Thanh Liêm (tức Tư Liêm) nằm sâu trong con rạch thuộc ấp Nhơn Lộc 1A, thị trấn Phong Điền. Mọi người vẫn quen gọi cụ là "má Năm" theo thứ của chồng. Tôi gặp má Năm ở buổi giao lưu ĐCTT dịp cúng Kỳ Yên đình Thường Thạnh, quận Cái Răng. Một bà lão với mái đầu bạc phơ, ca 20 câu Nam Xuân bài "Trang tử thử vợ" với chất giọng hào sảng, cách lấy hơi, đưa hơi, xuống nhịp vẫn rất chuẩn, khiến nhiều người không tin bà đã 79 tuổi. Nhiều năm qua, không lễ hội Kỳ Yên nào của đình Thường Thạnh mà vắng mặt má Năm. Má đến chỉ để "lên Cống xuống Xề" vài bài bản rồi về cũng vui, dù nhà xa hàng chục cây số.
Má Năm kể, ngày trước, cha của má là Hương Nhạc của làng Nhơn Ái nên má Năm được cha truyền dạy ĐCTT từ lúc 7, 8 tuổi. Mỗi lần cha vác đờn là má Năm xin theo, lắng nghe tiếng đờn, lời ca để học hỏi kinh nghiệm. Hơn 10 tuổi, má Năm đã có thể ca vọng cổ, các điệu thức trong ĐCTT và được nhiều người khen ngợi. Sau khi lập gia đình, những câu hát ấy má chỉ dành ru con vì không có thời gian sinh hoạt cùng anh em. Mãi đến năm 1980, má Năm gia nhập phong trào ĐCTT của địa phương, ở một số CLB như: Vòng Cung, Cái Răng… Đến nay, má Năm đã có hàng chục giấy khen trong các kỳ liên hoan ĐCTT cấp huyện, thành phố. Điều đáng quý ở lão nghệ nhân này là ngoài am hiểu về ĐCTT, má Năm còn sáng tác lời mới cho các điệu thức. Đó là tâm tình về cảnh đẹp của quê hương xứ sở, dạy con cháu đạo đối nhân xử thế, cái nghĩa ở đời… Má Năm bộc bạch: "Nhờ đờn ca mà má mới khỏe và vui vẻ đó chớ. Đang mệt mà nghe ai vô bài bản là muốn ngồi dậy rồi".
Ở Phong Điền còn có nghệ nhân Trần Văn Nuôi (tức Ba Nuôi) ngụ ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh. Đã bước qua tuổi 71 nhưng trông ông Ba vẫn còn rắn rỏi, khỏe mạnh và nhất là giọng ca vẫn mùi mẫn như xưa. Cũng giống như má Năm, ông Ba được cha là một thầy đờn kìm có tiếng chỉ dạy cách ca từ năm 12, 13 tuổi. Đến nay, ông Ba Nuôi có thể ca thành thục khoảng 15/20 bài bản tổ của ĐCTT. Sở trường của ông vẫn là hơi Oán, ca các bản mùi như: Phụng Cầu, Giang Nam, các bản Oán… Nhiều năm liền ông Ba Nuôi là chủ nhiệm CLB ĐCTT của xã, đến nay, ông vẫn tham gia tích cực phong trào văn nghệ địa phương và là hạt nhân trong phong trào ĐCTT của huyện Phong Điền. Ông Ba có đến hàng chục giấy khen, bằng khen, giải thưởng nhưng trận hỏa hoạn cách đây 3 năm đã thiêu rụi tất cả, chỉ còn niềm đam mê cháy mãi trong lòng...
Ông Ba Nuôi trần tình: "Đi tới đâu, hễ nghe ĐCTT là tui dừng lại và xin vô ca giao lưu, bất chấp lạ quen". Hiện, ông Ba Nuôi là thành viên CLB Xe đạp Người cao tuổi TP Cần Thơ. Trong những chặng nghỉ chân, giao lưu với các CLB bạn, ông Ba Nuôi luôn lấy đờn ca giúp vui, kết tình bằng hữu. Căn nhà nhỏ của ông hiện tại cũng là điểm hội ngộ của anh em văn nghệ địa phương. "Tuổi ngoài 70 rồi chớ chiều nào không ca một vài bài bản là ăn cơm không thấy ngon" - ông Ba Nuôi cười.
Một thời đờn ca tài tử...
Ở Phong Điền, ngoài má Năm, ông Ba Nuôi còn phải kể đến một số lão nghệ nhân tài tử khác như: cô Ba Hòa, ông Út Hiển… cũng có đến 50, 60 năm đam mê đờn ca. Trong ký ức của họ, ĐCTT có một thời rất đẹp, để lại nhiều ấn tượng khó phai.
Ông Ba Nuôi nhớ lại những lần đình thần Mỹ Khánh cúng Kỳ Yên, ông theo chân cha là thầy đờn tấu nhạc dâng Thần và phục vụ bà con ca hát. Chiếu ĐCTT lúc nào cũng được trang trọng đặt ở trung tâm của đình: người đờn ca gửi trọn tâm tình vào từng chữ nhạc, câu hát; người nghe chăm chú, trân trọng nên không khí ca hát rất dân dã nhưng không kém phần trau chuốt. Thời đó, ĐCTT được xem là thú vui tao nhã, từ những người giàu có đến nông dân đều yêu thích. Hầu như ai cũng biết ca tài tử, tiếng ĐCTT làm rộn ràng xóm làng. Đám tiệc nào có đờn ca xem như "đám lớn".
Còn má Năm thì lại nhớ những lần ca với dàn nhạc lễ của đình. Đã ca là phải đúng điệu, đúng chất tài tử, không được lo ra, đâm hơi nếu không là bị rầy. "Mấy thầy nhạc tinh ý lắm, nghe mình ca lạc điệu chút là họ biết liền" – má Năm kể. Nhờ vậy mà ai cũng nắn nót, o luyện trong cách ca diễn. Thời con gái, má Năm thường theo chị em trong làng cấy lúa, làm cỏ ruộng. Những lúc nghỉ mệt, chị em thường chia nhóm để ca tài tử theo chủ đề: hơi Nam, hơi Oán… Vui nhất là những lúc cánh đàn ông thì nhổ mạ, gánh mạ cho chị em cấy, vừa làm vừa hát nên dường như mọi mệt nhọc đều tan biến. Chuyện đồng áng lại trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc của giới trẻ thời xưa.
Các lão nghệ nhân cũng tâm sự rằng, trong lúc ĐCTT có thể nhâm nhi vài ly rượu cho vui nhưng tuyệt đối "không chơi" với những người say xỉn, lấy đờn ca làm thú tiêu khiển. Những người có khả năng đờn ca giỏi lại có thái độ trân trọng môn nghệ thuật này luôn được người trong làng và giới mộ điệu nể trọng, yêu quý. Tiếp xúc với những lão nghệ nhân gắn gần trọn đời mình với ĐCTT, tôi cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của họ với môn nghệ thuật này. Và hơn hết, họ muốn lưu giữ tiếng lòng người phương Nam để nhớ về một ký ức thật đẹp của ĐCTT.
***
"Gửi trọn tâm tư vào tình yêu cổ nhạc. Đẹp đẽ thay tình đất tình người. Bám chặt tay nhau bản sắc bảo tồn. Tiền nhân lưu truyền hồn nhạc phương Nam". Má Năm tiễn tôi bằng mấy câu Tây Thi trong bài "Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu" do má sáng tác hơn chục năm về trước. Má Năm đã cùng với các lão nghệ nhân tài tử đất Tây Đô nỗ lực giữ gìn "hồn nhạc phương Nam", mang ĐCTT đến với danh hiệu "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Đăng Huỳnh
Theo Báo Cần Thơ