Từ sáng sớm, đường Nguyễn Trung Trực, tổ dân phố 7, phường Ninh Hiệp - nơi tập trung các cơ sở sản xuất nem ở Ninh Hòa tấp nập người ra vào. Phòng khách của các hộ sản xuất nem như: bà Tư, Mỹ Duyên, Mỹ Trang, Mỹ Tri, Hằng Mơ... được tận dụng để thợ ngồi gói nem. Mỗi nhà có gần chục thợ, người xé lá, người gói… làm không ngơi tay.

Chị Nguyễn Thanh Hằng - chủ cơ sở Hằng Mơ cho biết, sau rằm tháng Chạp là cao điểm sản xuất của làng. Bình thường, cơ sở của chị mỗi ngày làm khoảng 50kg thịt, những ngày này tăng lên gấp 2, 3 lần mới đủ hàng cung ứng cho khách. Hiện nay, giá 1kg nem từ 110.000 đến 120.000 đồng, có thể tăng lên khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg vào những ngày cận Tết.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, ngoài các sản phẩm nem gói theo hình thức 1 cây/nửa kg, 1 cây/kg, hoặc bó từng xâu 20 gói nhỏ theo truyền thống, nhiều hộ chuyển sang đóng các gói nem nhỏ vào hộp nửa kg. Nhiều chủ cơ sở sản xuất nem cho biết, do đợt mưa lụt cuối năm 2016 nên nguồn lá chùm ruột, lá chuối để bọc nem khan hiếm hơn năm ngoái, giá mua vào tăng hơn 10%. Chị Mỹ Trang - chủ cơ sở sản xuất nem lo lắng: “Lá chuối thiếu thì có thể bọc ít lại, lo nhất là thiếu lá chùm ruột, vì đặc sản nem Ninh Hòa ngon và khác với các nơi chính là hương vị của lá này”.
Hiện nay, toàn thị xã Ninh Hòa có khoảng 20 hộ sản xuất nem, tập trung ở phường Ninh Hiệp và xã Ninh Sim. Những năm gần đây, do có tuyến xe buýt Quyết Thắng chạy tuyến Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh nên cũng thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nem chuyển hàng đi khi khách có nhu cầu.
Cối đá đắt hàng
Tại nhà anh Huỳnh Hiền - thợ làm cối đá ở tổ dân phố Phong Phú 1 (phường Ninh Giang), đã quá trưa, nhưng 3 cha con anh Hiền vẫn đục, đẽo, cố gắng hoàn thiện xong các cối đang đục dở. Anh Hiền cho biết: “Bình thường, mỗi ngày 3 cha con tôi sản xuất khoảng 20 cối, những ngày cận Tết thì ráng làm thêm khoảng 10 cái. Gần Tết, bạn hàng đặt hàng nhiều để họ trữ hàng bán sau Tết. Cối sản xuất ở đây được chuyển bán khắp nơi, có nhiều khách hàng ở tận Hà Nội cũng gọi vào đặt mua. Có nhiều khách hàng mua để chưng trong nhà như hàng mỹ nghệ”.
Anh Lê Văn Hùng - tổ dân phố Phong Phú 2 cho biết: “Nghề này làm quanh năm, nhưng vào dịp Tết chúng tôi làm nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày, tôi làm ra khoảng chục cái, những ngày gần Tết tăng lên 13 - 15 cái. Hàng làm ra tới đâu được bạn hàng lấy hết tới đó, nhưng do nghề này rất cực, độc hại nên không đủ sức để làm nhiều”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây 20 năm, toàn làng có hơn 60 hộ làm nghề cối đá. Ngoài làm cối, dân trong làng còn làm cối xay bột. Hiện nay, các loại cối đá lớn, cối xay bột không được sử dụng thông dụng như trước nên thị trường cũng bị thu hẹp dần. Bên cạnh đó, do nguồn nguyên liệu cạn kiệt nên số hộ làm nghề này ở làng hiện còn 7 hộ, chủ yếu sản xuất các cối nhỏ dùng để giã mắm hoặc bán làm hàng mỹ nghệ, các hộ còn lại chuyển sang làm đá mỹ nghệ. Nguồn đá dùng để làm cối được khai thác từ Núi Sầm ở ngay trong làng. Nhưng không phải loại đá nào ở Núi Sầm cũng làm được, để làm cối, người thợ phải lựa những mạch đá xanh vì loại này có độ dẻo đặc biệt, khi đục làm cối không bị vỡ. Giá bán các loại cối đá ở đây dao động từ 25.000 đến hơn 100.000 đồng/cái, tùy theo kích thước. Vào những ngày cuối năm, các hộ trong làng cũng tranh thủ làm gấp đôi ngày thường để bán.